Mới đây, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa ban hành Quyết định 4842/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch chi tiết Khu đô thị VIBEX, tỷ lệ 1/500, nằm trên địa bàn 3 phường Đức Thắng, Đông Ngạc và Thụy Phương (quận Bắc Từ Liêm). Quy mô diện tích nghiên cứu quy hoạch lập dự án hiện đại, đồng bộ khoảng 485.630m2 (48,56 ha), dân số dự kiến khoảng 7.000 người.
Để thực hiện quy hoạch, Hà Nội giao Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm chủ trì, phối hợp với Công ty cổ phần Bê tông xây dựng Hà Nội (viết tắt là VIBEX), Sở Quy hoạch - Kiến trúc tổ chức công bố công khai Quy hoạch chi tiết được duyệt cho các tổ chức, cơ quan và nhân dân biết, thực hiện.
Cần 1.400 tỷ đồng vốn chủ sở hữu?
Trước đó, tại Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm 2017 của VIBEX tổ chức ngày 9.2.2018, ông Nguyễn Viết Chi – Trưởng ban kiểm soát đã thay mặt Đoàn Chủ tịch Đại hội báo cáo về việc triển khai dự án Khu đô thị VIBEX.
Theo ông Chi, điều kiện về năng lực tài chính đối với đơn vị được giao là Chủ đầu tư thực hiện dự án theo quy định của pháp luật phải đảm báo có vốn chủ sở hữu thấp nhất là 20% tổng mức đầu tư. Đối với dự án Khu đô thị VIBEX, vốn chủ sở hữu tương đương 1.400 tỷ đồng (7.000 tỷ đồng mức đầu tư trước thuế).
“Với tình hình thực tế hiện nay, khi thành lập công ty dự án, công ty cổ phần hoặc công ty TNHH MTV, Đại hội ủy quyền cho HĐQT lựa chọn 1 trong 2 hình thức, quyết định với quy mô vốn điều lệ là bao nhiêu, Công ty VIBEX tham gia góp bao nhiêu % vốn điều lệ của công ty dự án”, ông Chi nêu.
Dự án Khu đô thị VIBEX được quy hoạch trong phạm vi gần 50 ha "đất vàng" quận Bắc Từ Liêm. (ảnh minh họa)
Đại diện HĐQT VIBEX đã nêu ra đề đề xuất như sau: Thứ nhất, các cổ đông tự nguyện góp vào Công ty VIBEX theo tỷ lệ cổ phần hiện hữu để ủy quyền cho VIBEX đầu tư vào pháp nhân mới thực hiện dự án hướng quyền lợi tương ứng với vốn góp. Công ty mở một tài khoản ngân hàng và thông báo cho các cổ đông chủ động nộp tiền góp.
Thứ hai, ĐHCĐ ủy quyền cho Chủ tịch HĐQT ký các văn bản với đối tác trong quá trình triển khai thành lập, góp vốn với công ty dự án theo quy định của pháp luật, chủ động tìm đối tác đủ năng lực tài chính thực hiện hỗ trợ công ty và đầu tư vào dự án, ký các văn bản liên quan đến liên doanh liên kết với các đối tác tromg việc thực hiện dự án Khu đô thị VIBEX.
Thứ ba, ĐHCĐ tiếp tục ủy quyền cho HĐQT chủ động vùng với đối tác liên kết lựa chọn hình thức thành lập công ty, ký các văn bản liên doanh liên kết và các văn bản theo quy định của pháp luật để thành lập pháp nhân mới, ủy quyền cho HĐQT xây dựng phương án góp vốn đầu tư vào công ty dự án, phương án huy động vốn đầu tư dự án VIBEX…
Về đề xuất trên, 100% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết đã đồng ý và giao cho HĐQT VIBEX lên phương án đầu tư tại dự án Khu đô thị VIBEX.
Công ty thất thoát hàng trăm tỷ đồng?
Trả lời ý kiến thảo luận của cổ đông tại ĐHCĐ thường niên năm 2017 của Công ty VIBEX ngày 9.2.2018, bà Lê Thanh Hương – Chủ tịch HĐQT cho biết, hoạt động của công ty nhiều năm trước đã bị thất thoát thua lỗ phản ánh trên các báo cáo giá trị thất thoát lên tới hàng trăm tỷ đồng. Nguyên nhân gây thất thoát chưa được làm rõ, do đó chưa có thể gọi là lỗ trong kinh doanh.
“Công ty chưa trình ĐHCĐ phê duyệt giá trị lỗ vì còn chờ cơ quan pháp luật tìm rõ nguyên nhân gây thất thoát, thua lỗ sẽ báo cáo cụ thể và trình ĐHCĐ phê duyệt. Hiện tại việc duy trì hoạt động tồn tại của công ty đã rất khó khăn do bị âm vốn chủ sở hữu, tài chính mất khả năng thanh toán từ năm 2014 về trước, chưa kể bù lỗ, thất thoát ho những năm trước rất mong nhận được sự chia sẻ của các cổ đông. Do vậy, công ty chưa thể có cổ tức chia cho cổ đông”, nội dung trả lời cổ đông tại ĐHCĐ.
Sau 5 năm chuyển đổi từ mô hình Công ty nhà nước sang Công ty cổ phần, VIBEX đã gặp không ít khó khăn, thách thức.
Một trong những nội dung tồn tại được Chủ tịch HĐQT VIBEX trả lời cổ đông là công tác bàn giao cán bộ đến nay vẫn chưa thực hiện được. Lãnh đạo công ty đã tổ chức nhiều cuộc họp giải quyết công tác bàn giao với ông Lê Văn Oai (nguyên Tổng giám đốc VIBEX) với Phòng tài chính kế toán, các bộ phận chuyên môn. Kết quả, ông Lê Văn Oai vẫn không ký báo cáo tài chính trong nhiều tháng năm 2014 mặc dù phòng tài chính kế toán đã làm báo cáo tài chính theo đúng chỉ đạo của ông Oai.
“Công ty đã thực hiện nhiều biện pháp nhưng không hiệu quả buộc Công ty đã gửi hồ sơ báo cáo ra cơ quan pháp luật chờ giải quyết”, Chủ tịch HĐQT VIBEX nêu.
Cũng tại ĐHCĐ 2017, qua Báo cáo kết quả phát hành cổ phiếu riêng lẻ tăng vốn điều lệ và sử dụng tiền thu được từ tăng vốn điều lệ cụ thể: Tổng số tiền thu được từ tăng vốn: 51 tỷ đồng, số tiền đã sử dụng là 44,8 tỷ đồng. Số tiền còn lại là 6,1 tỷ đồng bổ sung vào vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh và đầu tư dự án di dời của công ty.
Được biết, VIBEX tiền thân là Nhà máy bê tông đúc sẵn Hà Nội được thành lập ngày 06.5.1961, sau đổi là Xí nghiệp liên hợp Bê tông Xây dựng Hà Nội. Từ ngày 26.4.1996, Xí nghiệp liên hợp Bê tông Xây dựng Hà Nội sáp nhập vào Tổng Công ty xây dựng Hà Nội và được đổi tên là Công ty Bê tông Xây dựng Hà Nội.
Năm 2005 theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Công ty Bê tông Xây dựng Hà Nội từ một doanh nghiệp nhà nước được chuyển đổi thành Công ty cổ phần Bê tông Xây dựng Hà Nội.
Tính đến ĐHCĐ thường niên năm 2017 vừa qua, thành phần cổ đông VIBEX có 409 tổ chức và cá nhân sở hữu, đại diện cho 13.600.000 cổ phần, trong đó Tổng Công ty xây dựng Hà Nội vẫn chiếm 2.384.00 cổ phần (18,2% tổng cổ phần VIBEX). Công ty đang hoạt động trên các lĩnh vực sản xuất các sản phẩm bê tông: bê tông thương phẩm, các loại cấu kiện bê tông; Xây dựng các công trình dân dụng, công nghiệp, công cộng...
Theo tìm hiểu, dự án Khu đô thị VIBEX là dự án đầu tiên VIBEX được giao thực hiện hoàn thiện quy hoạch chi tiết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.