Hé mở Xi măng Thành Thắng - doanh nghiệp của đại gia sở hữu lâu đài "cao nhất Đông Nam Á"

Quang Dân Thứ hai, ngày 07/03/2022 14:33 PM (GMT+7)
Đại gia Đỗ Văn Tiến - người sở hữu Lâu đài Thành Thắng, được mệnh danh là công trình nhà ở cao nhất Đông Nam Á. Ngoài ra, ông Tiến còn là Chủ tịch HĐQT Xi măng Thành Thắng. Trong khoảng thời gian 2017 - 2018 lâu đài được xây dựng, doanh nghiệp bất ngờ báo lỗ nặng hàng trăm tỷ đồng.
Bình luận 0

Lâu đài Thành Thắng từ lâu đã nổi danh là cung điện nguy nga bậc nhất Ninh Bình và được biết đến là công trình nhà ở cao nhất Đông Nam Á. Chiều cao của tổng thể bên ngoài lâu đài bằng một tòa nhà 18 tầng và tổng diện tích mặt sàn là 15.000 m2.

Được khởi công xây dựng từ năm 2016 và khánh thành vào năm 2019, cung điện Thành Thắng tọa lạc trên quốc lộ 1A, huyện Gia Viễn, được xây dựng dựa trên ý tưởng từ Nhà thờ Thánh Peter và những công trình ở Vatican (Italy). Ước tính mức đầu tư cho lâu đài hơn 1.000 tỷ đồng.

Được biết, tòa lâu đài thuộc sở hữu của ông Đỗ Văn Tiến (SN 1964), Chủ tịch HĐQT của Công ty Cổ phần Xi măng Thành Thắng Group (Xi măng Thành Thắng).

Hé mở Xi măng Thành Thắng - doanh nghiệp của đại gia sở hữu Lâu đài "cao nhất Đông Nam Á" - Ảnh 1.

Lâu đài Thành Thắng tại Ninh Bình. Ảnh: T.M.

Doanh nghiệp xi măng có doanh thu Top đầu Việt Nam

Thông tin từ cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho biết, Công ty Cổ phần Xi măng Thành Thắng Group được thành lập ngày 20/11/2013. Địa chỉ chính tại Thông Bồng Lạng, xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm, Hà Nam.

Tại ngày 17/4/2015, vốn điều lệ Xi măng Thành Thắng là 999 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông bao gồm Công ty Cổ phần Đầu tư Thành Thắng Group nắm giữ 97,09%, ông Đỗ Văn Tiến sở hữu 2,32% và ông Đỗ Văn Thắng sở hữu 0,58% còn lại.

Sau nhiều lần thay đổi, đến ngày 13/12/2021, vốn điều lệ Xi măng Thành Thắng đạt 4.437,5 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông không được tiết lộ.

Người đại diện pháp luật kiêm Chủ tịch HĐQT Xi măng Thành Thắng là ông Đỗ văn Tiến (SN 1964).

Giai đoạn 2016 - 2020, Xi măng Thành Thắng ghi nhận doanh thu tăng trưởng lên đến 1.096%, tương ứng tỷ lệ tăng trưởng bình quân hơn 200%/năm.

Hé mở Xi măng Thành Thắng - doanh nghiệp của đại gia sở hữu Lâu đài "cao nhất Đông Nam Á" - Ảnh 2.

Doanh thu Xi măng Thành Thắng tăng trưởng mạnh qua các năm.

Tuy nhiên, trái ngược với đà "nhảy cóc" của doanh thu, lợi nhuận Xi măng Thành Thắng dẫu có được cải thiện vào năm 2019 và 2020, song vẫn cực nhỏ bé khi đặt cạnh nguồn thu về. Chưa kể, doanh nghiệp ghi nhận những khoản lỗ khủng liên tiếp trong 2 năm trước đó là 2017 và 2018 - thời điểm Lâu đài Thành Thắng của ông Đỗ Văn Tiến - Chủ tịch HĐQT Thành Thắng Group được xây dựng.

Cụ thể, năm 2016, Xi măng Thành Thắng báo lãi sau thuế hơn 762 triệu đồng, mức lãi "chấp nhận được" khi đặt cạnh số doanh thu hơn 375,7 tỷ đồng. Thế nhưng, 1 năm sau đó (năm 2017), trong khi doanh thu Xi măng Thành Thắng tăng gấp 3 so với cùng kỳ, đạt 1.025 tỷ đồng thì doanh nghiệp bất ngờ báo lỗ sau thuế 60,4 tỷ đồng.

Bất chấp doanh thu tăng trưởng lên 2.200 tỷ đồng vào năm 2018, Xi măng Thành Thắng vẫn lỗ tiếp 260,9 tỷ đồng.

Dữ liệu Dân Việt cho thấy, khoản lỗ của Xi măng Thành Thắng năm 2018 đến từ việc chi phí lãi vay "phình to" gấp 5 lần chỉ sau 12 tháng, lên mức 536 tỷ đồng, bên cạnh đó chi phí bán hàng cũng cao gấp 3 lần so với cùng kỳ, đạt 111 tỷ đồng.

Sở dĩ, có sự biến động về chi phí do nợ vay của Xi măng Thành Thắng năm 2018 ở mức 5.085 tỷ đồng, tăng 25% và chiếm đến 88% tổng nợ phải trả. Trong đó, toàn bộ nợ dài hạn được ghi nhận là nợ vay với 4.181 tỷ đồng.

Hé mở Xi măng Thành Thắng - doanh nghiệp của đại gia sở hữu Lâu đài "cao nhất Đông Nam Á" - Ảnh 3.

Song lợi nhuận lại "teo tóp" khi đặt cạnh các doanh nghiệp cùng ngành.

Chỉ đến năm 2019 - thời điểm lâu đài Thành Thắng được khánh thành, doanh nghiệp mới báo lãi trở lại với 2,8 tỷ đồng, và lãi tiếp 36,6 tỷ đồng năm 2020. Thế nhưng, số lãi này vẫn có thể được xem là "hạt tiêu" khi đặt cạnh con số doanh thu lên đến 4.492 tỷ đồng trong năm 2020.

Xi măng Thành Thắng kinh doanh kém hiệu quả?

Như vậy, lũy kế cho giai đoạn này, Xi măng Thành Thắng mang về gần 11.300 tỷ đồng doanh thu. Tuy nhiên, doanh nghiệp báo lỗ sau thuế hơn 270 tỷ đồng. Ngoại trừ doanh thu vượt trội so với các doanh nghiệp xi măng đang niêm yết, còn lại Xi măng Thành Thắng hầu như "thua kém" về mọi chỉ số phản ánh hiệu quả kinh doanh.

Hé mở Xi măng Thành Thắng - doanh nghiệp của đại gia sở hữu Lâu đài "cao nhất Đông Nam Á" - Ảnh 4.

Xi măng Thành Thắng tiêu thụ được doanh thu, song thu nhập không đủ bù đắt chi phí.

Ví dụ, với 5 năm từ 2016 - 2020, tỷ suất lợi nhuận/doanh thu (ROS) Xi măng Thành Thắng là -2,38%. Đồng nghĩa với việc kết quả kinh doanh của công ty đang bị lỗ. Tiêu thụ được sản phẩm, tuy nhiên, thu nhập không đủ bù đắp chi phí.

Cùng giai đoạn trên, chỉ số này tại CTCP Xi măng Hà Tiên 1 (HOSE: HT1) là 7,89%; CTCP Xi măng Bỉm Sơn (HNX: BCC) 3,18%; CTCP Xi măng La Hiên (HNX: CLH) 4,99%.

Tiếp đó, tính đến cuối năm 2020, tổng tài sản của Xi măng Thành Thắng đạt 13.052 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 3.528 tỷ đồng, nợ phải trả hơn 9.523 tỷ đồng.

Thời điểm này, tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) - chỉ số đo lường khả năng sinh lời của một khoản đầu tư trên mỗi đồng vốn bỏ ra tại Xi măng Thành Thắng chỉ đạt 1,03%. Chỉ số này tại HT1 là 11,27%, BCC là 7,17%, CLH là 24,27%.

Hé mở Xi măng Thành Thắng - doanh nghiệp của đại gia sở hữu Lâu đài "cao nhất Đông Nam Á" - Ảnh 5.

Hiệu quả kinh doanh Thắng kém khả quan với các doanh nghiệp cùng nghành?

Tỷ suất lợi nhuận/tổng tài sản (ROA) - Chỉ số thể hiện 1 đồng vốn doanh nghiệp đầu tư vào tài sản sẽ đem về bao nhiêu lợi nhuận tại Xi măng Thành Thắng đạt 0,28%. Trong khi đó ROA tại HT1 đạt 6,05%, BCG đạt 3,68%, CLH là 14,97%.

Những khoản vay nghìn tỷ tại các ngân hàng

Bên cạnh đó, dữ liệu Dân Việt cho thấy, từ giai đoạn 2015 - nay, Xi măng Thành Thắng đã có giao dịch tín dụng ít nhất hơn 11.000 tỷ đồng với các ngân hàng, được thế chấp bằng nhiều dòng tài sản của doanh nghiệp.

Đáng kể như khoản vay 2.824 tỷ đồng vào tháng 6/2018 tại Ngân Hàng TMCP Công Thương Việt Nam, được đảm bảo bằng Quyền khai thác các mỏ đá vôi hình thành trong tương lai: Mỏ đá vôi T25, T35 xã Thanh nghị; mỏ đá vôi T21, T22 xã Thanh Thủy và xã Thanh Tân, mỏ đá vôi T12, T14, T17, T18 xã Thanh Thủy và Quyền khai thác các mỏ đất sét hình thành trong tương lai phát sinh từ chủ trương quy hoạch vùng cấp nguyên liệu sản xuất xi măng nhà máy xi măng Thành Thắng.

Hé mở Xi măng Thành Thắng - doanh nghiệp của đại gia sở hữu lâu đài "cao nhất Đông Nam Á" - Ảnh 6.

Một số giao dịch tín dụng tại nhà băng của Xi măng Thành Thắng được đảm bảo bằng nhiều dòng tài sản của doanh nghiệp.

Ngoài Xi măng Thành Thắng, ông chủ Lâu đài "Cao nhất Đông Nam Á" còn là Chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Thành Thắng Group - một doanh nghiệp nghìn tỷ khác tại Ninh Bình.

Đầu năm 2020, Thành Thắng Group được UBND tỉnh Ninh Bình lựa chọn theo hình thức chỉ định thầu thực hiện Dự án Khu dân cư cầu Chẹm, xã Gia Thanh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Được biết, Quy mô Dự án có diện tích đất là 75.218 m2, bao gồm đất ở, đất nhà văn hóa, đất cây xanh và đất giao thông. Thời gian thực hiện Dự án 36 tháng.

Như có đề cập ở trên, có thời điểm Thành Thắng Group nắm giữ đến gần 98% vốn điều lệ của Xi măng Thành Thắng. Chưa kể, đây mới chính là khởi nguồn cho cơ ngơi đồ sộ của ông Đỗ Văn Tiến. Thông tin về Dự án Khu dân cư cầu Chẹm và đường hình thành Thành Thắng Group sẽ được Dân Việt hé mở trong bài tiếp theo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem