Hết cảnh kiếm củi, bẻ măng nhờ nuôi gà, nuôi trâu

Thu Hà Thứ bảy, ngày 29/04/2017 09:48 AM (GMT+7)
“Vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) đã giúp gia đình tôi thay đổi rất nhiều. Từ hộ nghèo, thiếu đói triền miên, gia đình tôi đã có thu nhập 7 triệu đồng/tháng nhờ được tiếp vốn nuôi gà”. Đó là chia sẻ của anh Ngọc Văn Tỵ (dân tộc Mường) ở xóm Đình, xã Thượng Long, huyện Yên Lập, Phú Thọ.
Bình luận 0

Gỡ khó cho hộ nghèo

Nhiều năm trước, gia đình anh Ngọc Văn Tỵ và vợ là chị Đinh Thị Hoan thuộc diện hộ nghèo nhất, nhì xóm. Chị Hoan bảo, nhà nghèo, đông con, đất đai canh tác không có nhiều, cuộc sống cả gia đình chỉ trông chờ vào vài sào lúa. Những lúc nông nhàn, anh Tỵ đi làm thuê, còn chị vào rừng đào măng, kiếm củi, vất vả trăm bề nhưng thu nhập chẳng đáng là bao.

img

Nhờ vốn vay Ngân hàng CSXH, gia đình anh Tỵ, chị Hoan chủ động việc sản xuất gà giống. Ảnh: T.H

Hoạt động của Ngân hàng CSXH tỉnh Phú Thọ (tính đến 31.3.2017):

12 là số chương trình tín dụng ưu đãi đang triển khai.

3.602 là tổng dư nợ các chương trình tín dụng ưu đãi.

136.368 là số hộ vay vốn ưu đãi.

7.549 triệu đồng: là số nợ quá hạn (chiếm 0,2% tổng dư nợ).

Năm 2013, được Ngân hàng CSXH cho vay 10 triệu đồng chương trình hộ nghèo, cùng với vốn của gia đình anh chị đầu tư mua máy xay xát. Làm xay xát, thấy dư nhiều cám, trấu anh chị tiếc của bèn đầu tư chăn nuôi thêm con gà, con lợn. Lúc đầu anh Tỵ chỉ mua 50 con gà giống, đôi lợn nái về nuôi. Nhờ mát tay, chăm chỉ, đàn gà, đàn lợn lớn nhanh như thổi, chỉ 2 năm sau gia đình anh chị đã thoát nghèo.

Thấy nuôi gà cho hiệu quả cao hơn nuôi lợn, anh Tỵ dồn vốn đầu tư tập trung nuôi gà. Đàn gà từ 50 con nhân đàn lên 500 con, rồi bây giờ là 2.000 con gà sinh sản (trong đó có hơn 1.000 gà mái đang đẻ trứng). “Gà đẻ trứng nhiều, gia đình tôi không ăn hay bán mà đem đi ấp để bán gà giống. Tôi muốn mua máy ấp trứng để nuôi gà bài bản mà không có vốn” - anh Tỵ thổ lộ.

Với mong muốn vươn lên khó khăn, gây dựng kinh tế khá giả cho gia đình, tháng 5.2016 anh Tỵ tiếp tục làm đơn vay vốn tín dụng ưu đãi dành cho hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn và được Ngân hàng CSXH tỉnh chấp thuận. Lần này, với số vốn vay 40 triệu đồng, anh Tỵ mua ngay 1 máy ấp trứng với công suất 8.000 trứng/mẻ. “Nhờ vốn vay Ngân hàng CSXH, tôi chủ động việc sản xuất giống gà. Cứ 3 ngày tôi gom được 1 khay đầy trứng cho vào máy ấp. Mỗi tháng tôi xuất bán 500 con gà giống với giá 10.000 đồng/con, thu về 5 triệu đồng. Đồng thời, mỗi tháng tôi thu về thêm 2 triệu đồng nhờ bán thịt gà ta thương phẩm. Nhờ nuôi gà, mỗi tháng tôi thu lãi 4 triệu đồng” - anh Tỵ khoe.

Cùng xóm với anh Tỵ, gia đình chị Hà Thị Mức (dân tộc Mường) cũng được Ngân hàng CSXH cho vay vốn làm ăn. Chị Mức phấn khởi nói: “Vợ chồng tôi mới cưới nhau, vốn liếng không có nhiều nên rất cần vốn làm ăn. May mắn năm 2016, được vay 40 triệu đồng chương trình hộ nghèo của Ngân hàng CSXH. Có vốn, tôi đầu tư nuôi trâu. Đến nay, con trâu nái của gia đình tôi đã đẻ thêm 1 nghé con”.

Theo các hộ dân xã Thượng Long, thủ tục vay vốn Ngân hàng CSXH đơn giản, nhanh chóng; thời gian vay từ 3 – 5 năm; lãi suất vay thấp nên rất phù hợp với người dân trên địa bàn.

Hơn 136.000 hộ vay vốn làm ăn

"Nhờ vốn vay Ngân hàng CSXH, tôi chủ động việc sản xuất giống gà. Cứ 3 ngày tôi gom được 1 khay đầy trứng cho vào máy ấp. Mỗi tháng tôi xuất bán 500 con gà giống với giá 10.000 đồng/con, thu về 5 triệu đồng...”. 

Hộ vay Ngọc Văn Tỵ   

Ông Nguyễn Kim Thành – Chủ tịch UBND xã Thượng Long cho biết, Thượng Long là xã miền núi thuần nông, đời sống bà con còn nhiều khó khăn, nhu cầu vay vốn làm ăn rất lớn. “Nhiều năm nay, tín dụng Ngân hàng CSXH là một trong những nguồn vốn quan trọng giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh. Đến nay, tổng dư nợ cho vay từ các nguồn vốn ưu đãi trên địa bàn xã là gần 26 tỷ đồng, với gần 600 hộ vay” - ông Thành cho hay.

Ông Trương Việt Phương – Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Phú Thọ cho biết: Tính đến ngày 31.3, Ngân hàng CSXH tỉnh Phú Thọ đang thực hiện 12 chương trình tín dụng ưu đãi với tổng dư nợ hơn 3.602 tỷ đồng, cho 136.368 hộ vay; nợ quá hạn là 7.549 triệu đồng, chiếm 0,2% tổng dư nợ.

Ông Phương thông tin, đến nay toàn tỉnh Phú Thọ có 276/277 điểm giao dịch tại các xã, phường, thị trấn. Hoạt động giao dịch tại xã có sự tham gia chặt chẽ của các tổ chức hội, đoàn thể nên công tác cho vay, thu nợ, thu lãi tại xã đạt hiệu quả cao. Toàn tỉnh có 116/277 xã (chiếm hơn 51%) không có nợ quá hạn tín dụng Ngân hàng CSXH. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem