Hết cảnh nông nhàn, doanh thu 20 tỷ đồng/năm

Thứ ba, ngày 23/08/2011 19:50 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nhiều năm nay, người dân thôn Huệ Lai, xã Phù Ủng, huyện Ân Thi, Hưng Yên, không còn vất vả với đồng ruộng nữa mà lại có thu nhập khá cao nhờ nghề chạm vàng bạc.
Bình luận 0

Những năm đầu thập kỷ 90 thế kỷ trước, nghề kim hoàn về với Huệ Lai do ông Đỗ Xuân Chuyển - một người con của làng mang về, để có thêm việc làm, thu nhập cho gia đình trong những lúc nông nhàn.

Doanh thu 20 tỷ đồng/năm

Thấy nghề ông Chuyển đem về có tương lai, ban đầu 3 - 4 người học nghề rồi về truyền cho nhau và dần dần hình thành làng nghề kim hoàn. Nếu như năm 1995 ở Huệ Lai mới có 42/238 hộ làm nghề chạm vàng bạc với 170 lao động, thì đến nay đã có 249/357 hộ và hơn 1.000 lao động tham gia. Bình quân doanh thu từ nghề làm kim hoàn của làng nghề Huệ Lai và một số thôn khác trong xã khoảng 20 tỷ đồng/năm.

img
Lao động và học viên tại cơ sở chạm vàng bạc của ông Đỗ Xuân Chuyển.

Nếu như trước đây những sản phẩm của làng nghề Huệ Lai chủ yếu tiêu thụ ở Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nội... thì nay đã đến nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Ngoài chế tác theo đơn đặt hàng, những người thợ trong làng thường xuyên sáng tạo ra nhiều mẫu mã, sản phẩm mới lạ, chất lượng cao, được khách hàng ưa chuộng.

Nhờ đó mà thu nhập của thợ làng nghề kim hoàn từ 1,5-2,5 triệu đồng/người/tháng, thợ tay nghề cao từ 3,5 - 4,5 triệu đồng/người/tháng. Góp phần vào phát triển làng nghề, Hội ND xã đã giúp các hộ vay 5 tỷ đồng để đầu tư sản xuất.

Thành lập hợp tác xã

Nghề kim hoàn không chỉ đòi hỏi sự cần cù, chịu khó mà người thợ phải có bàn tay tài hoa khéo léo để trổ các hoa văn tinh tế trên các sản phẩm vàng, bạc. Ông Phạm Xuân Đinh (69 tuổi), đã có 21 năm làm nghề kim hoàn, tâm sự: "Muốn trở thành thợ kim hoàn giỏi, chế tác được các mặt hàng theo yêu cầu của khách trước hết phải có năng khiếu, chịu khó và sáng tạo".

Năm 2004, làng nghề chạm vàng bạc Huệ Lai đã được UBND tỉnh Hưng Yên trao bằng công nhận làng nghề.

Ông Đỗ Xuân Chuyển là người xây dựng làng nghề và hiện nay là chủ nhiệm HTX chạm vàng bạc Phù Ủng cho biết: Hợp tác xã thành lập năm 1998 có 42 hộ tham gia. Ngoài số lao động của 42 hộ này, nhiều hộ trong làng không có vốn mở nghề đã nhận hàng của HTX về làm. Đến nay tổng số vốn của HTX gần 10 tỷ đồng.

Ông Chuyển cũng cho biết, nhiều hộ làm nghề kim hoàn trong làng mỗi năm thu từ 80-100 triệu đồng, như gia đình ông Phạm Ngọc Quả, Phạm Văn Đinh... Mỗi hộ còn tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 20 lao động. Riêng gia đình ông Chuyển đã mở 2 cửa hàng vàng bạc tại huyện Mai Sơn (Sơn La) và huyện Yên Hưng (Quảng Ninh).

Theo ông Chuyển, khó khăn nhất của làng nghề hiện nay là các cơ sở sản xuất rất khó vay vốn, và có vay được thì lãi suất lại quá cao. Chính quyền xã Phù Ủng tuy có nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn cho các hộ sản xuất, nhưng để giúp các hộ có vốn mở rộng, phát triển nghề vẫn còn nhiều nan giải...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem