Hết lợn là... hết dịch, ai còn lợn như ngồi trên đống lửa

Khánh Nguyên Thứ bảy, ngày 11/05/2019 13:00 PM (GMT+7)
Cuộc gọi lúc đêm khuya của một nông dân nuôi lợn ở Tân Yên (Bắc Giang) với lời khẩn cầu làm sao cứu được đàn lợn 200 con của ông qua cơn bão dịch khi những ngày qua ở địa phương ông nhà nào cũng có lợn bị bệnh dịch tả lợn châu Phi cho thấy công tác phòng chống dịch ở địa phương cần có những thay đổi khẩn thiết không thì quá muộn.
Bình luận 0

Hết lợn thì... hết dịch

Đó là lời cảm thán của không ít nông dân nhưng ở một khía cạnh nào đó thì đó đang là một thực tế. Xã Phúc Thành là một trong những địa phương phát hiện có dịch tả lợn châu Phi sớm nhất huyện Vũ Thư (tỉnh Thái Bình). Sau khi bão dịch quét qua, các chuồng trại chăn nuôi lợn ở đây gần như bị xóa sổ khi đã có hơn 2.500 con lợn buộc phải tiêu hủy, trọng lượng lên đến hơn 100 tấn.

Anh Trần Văn Chung - công an viên xã Phúc Thành - một thành viên của đội hỗ trợ dân tiêu hủy lợn bị bệnh cho biết: "Giờ chỉ còn vài nhà cố gắng cầm cự còn phần lớn các hộ chăn nuôi trong xã đều trong tình trạng trống chuồng nhưng tôi e cũng chẳng giữ được lâu. Chăn nuôi nhỏ lẻ, vệ sinh môi trường kém khiến bệnh lây lan cực nhanh".

img

Lực lượng chức năng huyện Vũ Thư (Thái Bình) tiêu hủy lợn bị dịch tả lợn châu Phi.

Căng mình ra phòng chống, tiêu hủy lợn là thực tế của nhiều địa phương hiện nay. Như ở xã Phúc Thành, nhiều ngày qua lực lượng dân quân tự vệ, công an xã, cán bộ thôn, xã đều phải tham gia cuộc chiến với dịch tả lợn châu Phi. Anh Chung thừa nhận, đó là một công việc vô cùng vất vả và ô nhiễm khi có ngày phải tiêu hủy hàng trăm con lợn. "Kinh phí cho một ngày tham gia công tác tiêu hủy lợn bị dịch là 100.000 đồng/người, quá ít ỏi so với những gì mọi người phải làm. Nhưng điều chúng tôi sợ nhất là ô nhiễm, ở những hố chôn lợn bệnh, mùi hôi thối rất nồng nặc" - anh Chung nói.

Ông Phạm Văn Giáp - Chủ tịch UBND xã Vũ Đoài (huyện Vũ Thư) cũng thừa nhận, công tác phòng chống, tiêu hủy lợn bị dịch tả lợn châu Phi ở địa phương đang vô cùng khó khăn khi lực lượng mỏng trong khi dịch đang diễn biến vô cùng phức tạp. Hiện, trên địa bàn xã Vũ Đoài đã có 50 tấn lợn buộc phải tiêu hủy do dịch. "Nếu cứ kéo dài tình trạng này tôi sợ không còn nhà nào thoát khỏi dịch bệnh, việc chăn nuôi sẽ rất khó khăn" - ông Giáp nói.

Việc phòng dịch có vấn đề?

Trong cuộc gọi khẩn thiết lúc đêm khuya tới đường dây nóng báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt, một nông dân xin được giấu tên ở xã Việt Lập (huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) tỏ ra vô cùng lo lắng cho đàn lợn 200 con của ông đang bị đe dọa trước cơn bão dịch khi các nhà xung quanh đều bị con virus quái ác cướp đi nguồn sinh kế quan trọng.

img

Người dân vận chuyển lợn đi tiêu hủy, có thể thấy cách vận chuyển này vô tình khiến mầm bệnh lây lan. 

Theo người nông dân này, công tác phòng chống dịch trên địa bàn đang có quá nhiều vấn đề, khi tỷ lệ hộ chăn nuôi có lợn bị dịch tả lợn châu Phi cực kỳ lớn nhưng công tác tiêu hủy lại chậm chạp, còn nhiều vướng mắc và phản khoa học.

'Có những nhà cả đàn lợn lăn quay ra chết chỉ trong một ngày nhưng người ta không chôn cùng một lúc, có khi đến 10 ngày mới chôn hết lợn bệnh. Rồi việc chôn lấp rất thủ công, từng đoàn người kéo lôi lợn chết đi từ đầu làng đến cuối xóm ra nơi tiêu hủy trong tình trạng không phủ bạt, không rắc vôi, như thế thì gọi là rắc dịch chứ phòng chống cái gì?" - người nông dân này bức xúc nói.

Cũng theo người nông dân này, hiện nay, người dân Việt Lập đang vật lộn, khổ sở với việc tiêu hủy lợn mà chưa nhận được sự hỗ trợ đúng mức của chính quyền địa phương, ngành chức năng. Nếu không công bố dịch, khẩn trương thực hiện biện pháp phòng chống hiệu quả thì không còn mống lợn nào trong thời gian ngắn tới. Với riêng nhà tôi, nếu mất 200 con lợn này coi như chết đói.

Trong khi đó, việc tiêu thụ lợn trên địa bàn xã Việt Lập đang vô cùng khó khăn do thông tin không rõ ràng, minh bạch. Hiện, giá lợn hơi chỉ còn 22.000 đồng/kg

Thực tế, không chỉ ở Việt Lập mà nhiều nơi công tác phòng chống dịch đang có những kẽ hở rất nghiêm trọng, tình trạng xác lợn chết vứt bừa bãi ở mương máng, sông rạch đang rất báo động; những hố chôn lợn bệnh sơ sài, ô nhiễm... Nếu không có những cảnh báo mạnh hơn nữa, biện pháp mạnh hơn nữa, dịch tả lợn châu Phi sẽ trở nên khó kiểm soát. Dự báo, một cuộc khủng hoảng thiếu lợn đang ở ngay trước mắt.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem