Nhiều người đã rùng mình khi nghe chia sẻ của tân Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng những ngày đầu nhậm chức rằng, ông phát hiện nhiều cầu thủ của ông chơi bóng với công thức: 85 + 5. Nghĩa là 85 phút dành cho ông bầu và 5 phút còn lại dành cho... chính mình.
Nói vậy để thấy, vụ việc của đội bóng V.Ninh Bình không mới, nhưng vẫn tạo cú sốc với người hâm mộ khi bóng ma cá độ vẫn âm thầm phá hoại nền bóng đá nước nhà lâu nay, không dạng này thì dạng khác.
Thêm một lần nữa, niềm tin vốn đã ít ỏi của người dân dành cho bóng đá nội bị bào mòn, khi các cầu thủ đã cả gan mang màu cờ, sắc áo, thể diện cá nhân lẫn tình yêu của người hâm mộ “bán đứng” tại giải đấu châu lục. Mức độ nghiêm trọng của sự việc chắc chắn chưa dừng lại ở đây, khi công tác điều tra vẫn đang tiến hành và nhiều con cá bự trong bóng tối sớm muộn cũng bị lộ sáng.
Bóng đá Việt Nam đã không ít lần khốn đốn vì những vụ tiêu cực động trời ở nhiều cấp độ khác nhau. Hàng loạt cầu thủ, trọng tài, HLV… đã vướng vào vòng lao lý. Những tưởng, các tấm gương tày liếp ấy sẽ là bài học nhãn tiền để các cầu thủ tránh xa tiêu cực. Nhưng thực tế đã chứng minh điều ngược lại, thậm chí còn phũ phàng hơn rất nhiều.
Các cầu thủ dính dáng đến tiêu cực sẽ phải trả giá đắt. Họ cũng sẽ phải ân hận khi phải đối mặt với tương lai u ám, với nỗi đau của người thân và nỗi khổ của nhiều đồng nghiệp chân chính bỗng nhiên bị liên lụy.
Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng đã khẳng định sẽ loại bỏ vĩnh viễn các cầu thủ tiêu cực khỏi đời sống bóng đá nước nhà. Quyết định mạnh tay và kịp thời này chắc chắn nhận được sự ủng hộ của người hâm mộ cũng như những vận động viên chân chính. Bởi nếu còn bất kỳ sự nhân nhượng nào theo kiểu “ném chuột sợ vỡ bình quý”, bóng đá Việt Nam sẽ không thể cắt bỏ ung nhọt khỏi cơ thể ốm yếu.
Nhưng, loại bỏ các cầu thủ tiêu cực mới chỉ là việc cần làm của hôm nay. Muốn chống tiêu cực rốt ráo hơn nữa, cần phải có những hành động đột phá. Nếu cần một lời tư vấn, VFF có thể tham khảo ý kiến của Lê Quốc Vượng.
Từng là ngôi sao của bóng đá Việt Nam, từng phải trả giá đắt do dính đến tiêu cực, Quốc Vượng hiển nhiên rất thấm thía cái giá phải trả. Chính vì thế, anh mong muốn bóng đá Việt Nam sớm có Hiệp hội cầu thủ Việt Nam để tuyên truyền, giúp cầu thủ hiểu được sự nguy hại của tiêu cực, đồng thời bảo vệ quyền lợi cho những cầu thủ bị liên lụy do… sai phạm của người khác.
Bóng đá thế giới đã chứng minh, nếu có một tổ chức hỗ trợ, bảo vệ, các cầu thủ sẽ vững tâm hơn để chơi bóng, tiêu cực cũng vì thế cũng dần giảm đi. Giới cầu thủ Việt Nam hiện như “rắn không đầu”, không tổ chức nào giúp họ giải quyết các khúc mắc cả trong công việc lẫn cuộc sống. Đây có thể là một trong những nguyên nhân khiến tiêu cực không được diệt trừ tận gốc.
VFF đã nghĩ tới điều này?
Đức Hiếu (Đức Hiếu)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.