Xây dựng rất sơ sài
Có mặt tại hiện trường vụ nhà sập sáng 4.8, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo các lực lượng tập trung cứu hộ, cứu nạn, ưu tiên cao nhất là cứu những người bị mắc kẹt trong khu vực đổ nát. Đồng thời, ông Nguyễn Đức Chung yêu cầu các ngành chức năng liên quan và chính quyền địa phương khẩn trương rà soát lại những khu nhà xung quanh khu vực, có tuổi đời lâu năm để lên phương án hướng dẫn người dân tránh nguy hiểm, cải tạo điều kiện sống.
Lực lượng chức năng đang tiến hành công tác cứu hộ tại ngôi nhà 43 Cửa Bắc. Ảnh: P.V
Theo ghi nhận và quan sát của phóng viên, móng của ngôi nhà số 43 Cửa Bắc vừa bị sập được xây dựng thô sơ và rất nông, nên nếu gặp điều kiện thời tiết mưa nhiều thẩm thấu sẽ gây ảnh hưởng đến kết cấu của từng ngôi nhà.
Cũng theo những người dân sống lâu năm trên phố Cửa Bắc, nhiều ngôi nhà trên tuyến phố này được xây dựng từ những năm 80 của thế kỷ trước với kỹ thuật xây dựng khá sơ sài. Hầu hết các nhà có rất ít các trụ cột bêtông cốt thép, chỉ có bêtông các tầng mái.
UBND Phường Trúc Bạch đã tiến hành di dời khẩn cấp 3 hộ dân số nhà 45, đồng thời động viên và khuyến cáo người dân sống ở những khu nhà phía sau căn nhà số 43 Cửa Bắc nhanh chóng di dời đến nơi ở mới để đảm bảo an toàn về người và tài sản.
Kiểm tra an toàn bằng mắt thường
Tại kỳ họp HĐND TP.Hà Nội vừa qua, ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã thông tin về tiến độ cải tạo nhà, chung cư cũ của thành phố: “Hà Nội có 1.697 chung cư cũ, trong đó hơn 200 chung cư của các bộ, ban, ngành đã được bán cho người dân. Nhưng trong 15 năm qua mới cải tạo được 14 tòa chung cư, chiếm chưa tới 1%... Lãnh đạo thành phố thực sự rất run khi người dân ở trong các khu nhà cũ như thế” - ông Chung nói
|
Liên quan tới vụ sập nhà 43 Cửa Bắc, trao đổi với phóng viên, chủ ngôi nhà này cho hay, nhà được xây dựng từ những năm 80 thế kỷ trước. Khi nhà bên cạnh xây dựng, chủ căn nhà số 43 Cửa Bắc đã nhiều lần nhắc nhở, cảnh báo về việc đào móng của nhà hàng xóm có thể gây nguy hiểm cho nhà 43 của ông nhưng các công nhân xây dựng vẫn bỏ ngoài tai.
Trao đổi với Dân Việt, một cán bộ Đội quản lý trật tự xây dựng quận Hoàn Kiếm cho biết: “Khi một ngôi nhà mới được xây dựng trên địa bàn, phải có giấy phép xây dựng, thông báo ngày khởi công cho cơ quan chức năng để cùng giám sát, kiểm tra”.
Cụ thể, theo vị cán bộ này, các lực lượng chức năng của quận, phường sẽ phối hợp kiểm tra về hồ sơ thiết kế, phương án thi công. Bản thân nhà thầu xây dựng cũng phải có phương án đảm bảo thi công an toàn.
“Tuy nhiên, việc kiểm tra biện pháp thi công thường được kiểm tra trên hồ sơ giấy tờ. Khi công trình đi vào thi công, lực lượng chức năng chỉ có thể kiểm tra bằng mắt thường chứ không có thiết bị chuyên môn. Nếu phát hiện có vấn đề ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh, chúng tôi sẽ đưa ra khuyến cáo, thậm chí là đình chỉ công trình xây dựng” – vị này cho hay.
Một góc độ khác, một cán bộ quản lý trật tự xây dựng phường Cát Linh, quận Đống Đa cũng cho biết: “Khi công trình xây dựng được thực hiện cạnh các nhà cũ, lâu năm sẽ được lực lượng chức năng chú ý giám sát để khuyến cáo chủ nhà có biện pháp thi công an toàn. Tuy nhiên, việc kiểm tra giám sát không thể thực hiện suốt 24/24 giờ được. Nên vẫn phụ thuộc chủ yếu vào sự tự giác của người chủ công trình xây dựng”.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chánh thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng: “Việc quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn được giao cho UBND cấp quận, huyện, phường, xã. Lực lượng thanh tra chỉ vào cuộc khi phát hiện các công trình xây dựng không phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép được cấp. Qua những vụ việc này, lực lượng chức năng ở phường, quận cần giám sát thường xuyên ở những công trình xây dựng cạnh các khu nhà cũ, nát”. /.
“Chúng tôi cảnh báo nhiều nhưng họ không nghe”
Những nhân chứng sống sót sau vụ sập nhà số 43 Cửa Bắc khẳng định họ đã nhiều lần cảnh báo, lưu ý chủ căn nhà đang thi công ngay liền cạnh rằng việc đào móng bằng máy xúc rất nguy hiểm cho các nhà xung quanh nhưng họ không nghe.
Bà Nguyễn Thị Lưu, 70 tuổi (ở cạnh ngôi nhà số 43 bị sập) kể: "Lúc 3 giờ sáng, tôi đứng ngay ở chỗ sập và cảm thấy rất nguy hiểm. Tôi thấy họ múc đất. Tôi cũng cảnh báo họ sẽ rất nguy hiểm nhưng họ không quan tâm. Tôi đi về nhà được 20 phút thì nghe thấy một tiếng đổ rầm khủng khiếp. Lúc chạy ra, tôi thấy mấy người bò chui ra kêu la. Lập tức, tôi hô hoán mọi người. Nếu thời điểm đó, tôi nán lại cạnh căn nhà thì bây giờ chắc không sống sót”.
Khi PV có mặt tại Bệnh viện Xanh Pôn, chị Nguyễn Thị Hường (chị gái anh Nguyễn Vĩnh Dua, nạn nhân may mắn được đưa ra khỏi vụ sập nhà) vẫn chưa hết bàng hoàng. Chị Hường thảng thốt: “Lúc đó tôi ngủ nhà bên cạnh, nghe thấy tiếng động lớn đã thấy hoảng hốt lắm. Khi biết nhà sập, tôi liền ba chân bốn cẳng chạy đi hô hào mọi người tới giúp”.
Còn anh Nguyễn Vĩnh Dua thều thào: "Tôi sợ quá giờ chẳng nhớ được và cũng không hiểu tại sao mình sống. Khi tôi tỉnh dậy đã thấy nằm trong này rồi. Tôi không biết ai cứu mình ra”.
Diệu Thu
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.