Hiểm nguy rình rập

Thứ tư, ngày 07/07/2010 06:16 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Chỉ trong mấy ngày qua, liên tục xảy ra nhiều vụ học sinh chết đuối ở Tiền Giang, Quảng Ngãi, Hà Tĩnh. Các cháu rủ nhau đi tắm sông, tắm biển và bị nước cuốn trôi.
Bình luận 0

Trẻ em các vùng nông thôn, miền biển chết vì sông nước quá nhiều, đây không phải là thực trạng đáng báo động nữa mà là thực trạng phải hành động.

Ở các vùng nông thôn, miền núi, miền biển, trẻ em phải vượt sông, lội suối để đến trường. Ở vùng ĐBSCL, ngoài cách đi đò, các cháu còn đi qua các loại cầu khỉ nguy hiểm. Hàng năm, trẻ em chết vì đắm đò, lật thuyền, rơi cầu rất nhiều. Có vụ nghiêm trọng báo chí đưa tin nên nhiều người biết, nhưng còn biết bao nhiêu vụ khác không ai quan tâm. Tai nạn sông nước nhiều như vậy nhưng người dân vùng nông thôn không thể không cho con cái đi học, và những con đò mong manh, những chiếc cầu khỉ trắc trở vẫn là phương tiện để qua sông, họ không có sự lựa chọn nào khác.

Chết vì đi học rất nhiều nhưng chết vì đi chơi cũng không ít. Trẻ em vùng nông thôn thường đi tắm sông, tắm suối, tắm hồ, tắm biển, những nơi đó có sức hấp dẫn trẻ em và cũng là nơi nguy hiểm rình rập. Khi tai nạn xảy ra, các cháu còn nhỏ nên không có kinh nghiệm cứu người chết đuối, cứ lao ra cứu nhau nên chết nhiều cháu cùng lúc. Thực tế cho thấy các vụ trẻ em chết đuối đều từ hai cháu trở lên là vì vậy.

Khi có một vụ trẻ em chết đuối xảy ra, người ta trách cha mẹ đã không biết chăm sóc con cái, điều đó cũng đúng nhưng không phải lỗi của cha mẹ hoàn toàn. Ở các vùng nông thôn phần lớn các gia đình đều nghèo, cha mẹ phải đi làm thuê làm mướn hoặc ra đồng kiếm cái ăn, lấy đâu ra thời gian để chăm sóc con cái chu đáo. Trẻ em vùng nông thôn không có nơi vui chơi, không có ai hướng dẫn, không có nhà văn hóa thiếu nhi với các môn học kỹ năng, chơi những trò chơi có định hướng rèn luyện năng khiếu và trí tuệ, không có hồ bơi với những huấn luyện viên dạy dỗ và bảo đảm an toàn.

Chúng ta có tổ chức đoàn, hội, đội trải dài từ T.Ư đến cơ sở nhưng các tổ chức đó đã làm được gì cho trẻ em vùng nông thôn? Các nhà văn hóa mọc lên khắp nơi, huyện nào cũng có, nhưng nó có thực sự là nơi sinh hoạt văn hóa? Chúng ta nói quá nhiều đến phát triển nông thôn, xây dựng nông thôn mới nhưng chưa chú trọng đến một việc rất căn cơ cho phát triển, đó là chăm sóc trẻ em. Đến một quốc gia, nhìn vào gương mặt trẻ em sẽ biết quốc gia đó văn minh, thịnh vượng hay không. Đến một địa phương cũng vậy, nhìn vào cuộc sống của những đứa trẻ sẽ thấy được nơi đó có thực sự ấm no, hạnh phúc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem