Hiện tượng mưa đá có thể còn diễn ra tại TP.HCM và khu vực Nam bộ

Quang Dương Thứ bảy, ngày 15/06/2024 12:13 PM (GMT+7)
Theo các chuyên gia thời tiết, TP.HCM xuất hiện mưa đá là khá hiếm. Đây là biểu hiện của biến đổi khí hậu với nhiều hình thái thời tiết cực đoan.
Bình luận 0

Hôm qua (14/6), trong cơn mưa lớn tại TP.HCM xuất hiện kèm mưa đá. Theo chuyên gia thời tiết, mưa đá xuất hiện ở TP.HCM và Nam bộ là hiện tượng bất thường, khả năng có mưa đá và giông lốc trong những ngày tới rất cao.

Bà Lê Thị Xuân Lan - nguyên Phó trưởng phòng dự báo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ cho biết, mưa đá xuất hiện tại TP.HCM và khu vực lân cận do sau nhiều ngày không mưa, hơi nước tích tụ nhiều trên những khối mây dông ở độ cao khoảng 6.000m so với mặt đất. 

Trên đỉnh mây cao, nhiệt độ rất thấp có thể âm 20 - 30 độ C. Những hạt hơi nước chuyển động đối lưu liên kết với nhau hình thành khối nước đá lớn rồi rơi xuống đất.

Hiện tượng mưa đá có thể còn diễn ra tại TP.HCM và khu vực Nam bộ- Ảnh 1.

Cơn mưa lớn chiều qua tại TP.HCM gây ngập cục bộ, cây xanh ngã ở một số tuyến đường. Ảnh: Chinh Hoàng

Chuyên gia thời tiết cho biết thêm, TP.HCM và một số tỉnh Nam bộ cũng từng có mưa đá xuất hiện nhưng tần suất và kích thước đá ít hơn so với miền Bắc và miền Trung, Tây Nguyên, những nơi có địa hình có sườn đồi núi, dễ hình thành mưa đá hơn.

Nam bộ đang ở thời kỳ đầu mùa mưa, khi trời oi bức dữ đội nên khả năng có mưa đá hoặc giông lốc sau đó rất cao.

Mưa đá là hiện tượng thời tiết bất thường, nhất là đối với miền Nam, trong đó có TP.HCM. 

Đây là dấu hiệu của biến đổi khí hậu, với các dạng thời tiết cực đoan như: giông lốc, mưa đá, vòi rồng, đặc biệt là sét và gió giật...

Theo ông Lê Đình Quyết - Trưởng phòng Dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, TP.HCM thỉnh thoảng có xuất hiện mưa đá. Hiện tượng này hiếm xảy ra, nhưng đôi khi vẫn xuất hiện 1-2 lần/năm.

"Mưa đá có kích thước hạt nhỏ thì không sao, nhưng nếu kích thước hạt lớn, gây thủng mái tôn, làm dập nát cây hoa màu, bể kính nhà cửa, bể kính ô tô... Nếu hạt mưa đá to rơi vào người thì rất nguy hiểm, dễ gây thương tích", ông Quyết cảnh báo.

Hiện tượng mưa đá có thể còn diễn ra tại TP.HCM và khu vực Nam bộ- Ảnh 3.

Hôm qua TP.HCM xuất hiện mưa đá được người dân chụp lại. Ảnh: MXH

Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, từ nay đến ngày 20/6, rãnh áp thấp có trục đi qua khu vực Bắc bộ suy yếu dần. Gió mùa Tây Nam chi phối khu vực Nam bộ có cường độ trung bình kéo dài trong suốt thời gian này và có xu hướng hoạt động lên cao dần.

Trong 10 ngày giữa tháng 6 (từ ngày 11 đến 20/6), rãnh áp thấp có trục đi qua khu vực Bắc bộ suy yếu dần. Gió mùa Tây Nam chi phối khu vực Nam bộ có cường độ trung bình kéo dài trong suốt 10 ngày tới và có xu hướng hoạt động lên cao dần.

Đến khoảng ngày 17/6, gió Tây Nam lên đến tầng cao 6000m. Trên cao, áp cao cận nhiệt đới tiếp tục lấn Tây. Khoảng từ ngày 12 - 13/6 suy yếu và rút dần ra phía Đông và nâng trục lên phía Bắc.

Chiều 14/6, mưa lớn kéo dài gần 2 tiếng đồng hồ xảy ra ở nhiều quận, huyện tại TP.HCM. Tại khu vực các quận 5, 3, 10, 1 xuất hiện mưa đá, hạt mưa cứng, có kích thước bằng đầu ngón tay. Đây là một trong những lần hiếm hoi ghi nhận mưa đá xảy ra tại trung tâm TP.HCM.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem