Hiệp định Geneve: Tận dụng mâu thuẫn nước lớn để đạt kết quả tốt nhất

V.N Thứ bảy, ngày 20/07/2024 10:40 AM (GMT+7)
Tại Hội nghị Geneve về chiến tranh Đông Dương năm 1954, lần đầu tiên Việt Nam tham gia một hội nghị quốc tế với sự tham dự của 5 cường quốc lớn nhất lúc đó. Đại sứ, PGS TS Dương Văn Quảng, Nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao trao đổi với báo chí nhân hội thảo kỷ niệm 70 năm Hiệp định Geneve.
Bình luận 0
Hiệp định Geneve: Tận dụng mâu thuẫn nước lớn để đạt kết quả tốt nhất- Ảnh 1.

Đại sứ, PGS TS Dương Văn Quảng, Nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao. Ảnh: MH.

Thưa Đại sứ, ông đánh giá sự can thiệp của các nước lớn vào Hội nghị Geneve lúc đó như thế nào?

- Hội nghị Geneve sẽ thảo luận về vấn đề Triều Tiên và Đông Dương. Phần đầu khi thảo luận về Triều Tiên không có kết quả, và đặc biệt với chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5/1954, các nước chuyển sang thảo luận vấn đề Đông Dương.

Các nước lớn dàn xếp, triệu tập và mời các bên tham gia hội nghị Geneve, phương thức giải quyết vấn đề do họ quyết định, những vấn đề cần giải quyết cũng do họ quyết và dàn xếp với nhau. Với sự can thiệp và quyết định của các nước lớn vào gần như toàn bộ các vấn đề của hội nghị như vậy mà chúng ta vẫn giành được hiệp định đình chiến ở 3 nước Đông Dương, với tuyên bố cuối cùng 13 điểm – là giải pháp chính trị trong đó tất cả các nước lớn thừa nhận độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, vĩ tuyến 17 chỉ là ranh giới quân sự, không phải ranh giới địa lý hay chính trị, sau 2 năm có tổng tuyển cử và đi đến thống nhất đất nước. Vì vậy đó là mốc lịch sử của nền ngoại giao Việt Nam và là kịch bản cao nhất mà chúng ta giành được tại hội nghị.

Ông nghĩ sẽ ra sao trong trường hợp Việt Nam ta không chấp nhận hội nghị mà tiếp tục đánh?

- Trường hợp chúng ta không đến hội nghị, không chấp nhận những gì đạt được thì ta rơi vào ý đồ của các nước lớn. Ta hiểu điều đó, ta biết các nước lớn mâu thuẫn với nhau nên ta đã tận dụng điều đó và dẫn đến kết quả đã nói. Nếu không chấp nhận, chắc chắn chiến tranh Đông Dương sẽ bị quốc tế hóa.

Trong bối cảnh mẫu thuẫn nước lớn đó liệu ta có thể tiếp tục đánh hay không? Theo quan điểm của tôi là khó. Nên tôi nói đó là kịch bản cao nhất mà chúng ta giành được.

Trong bối cảnh ta còn khó khăn về thiếu thông tin và các điều kiện khác nữa, những điều gì tạo nên kết quả như vậy?

- Đây là lần đầu tiên ta tham dự một hội nghị quốc tế, tập hợp 4 nước lớn nhất lúc đó trong quan hệ quốc tế là Anh, Mỹ, Pháp, Liên Xô, cộng cả Trung Quốc.

Hội nghị triệu tập trong bối cảnh rất đặc biệt. Cách đây 70 năm ngoại giao chúng ta từ chiến khu, từ trên rừng ra bàn đàm phán quốc tế, ta chưa hiểu thế giới. Qua đó mới thấy tầm vóc của thắng lợi, mà tôi gọi là một kỳ quan của ngoại giao Việt Nam.

Chúng ta đã tìm hiểu ý đồ của các nước lớn, kiên định việc giải quyết vấn đề bằng cả chính trị và quân sự, bằng mọi cách giữ đoàn kết quốc tế, tận dụng mâu thuẫn của các nước lớn.

Về nghệ thuật ngoại giao, chúng ta đã kiên trì về nguyên tắc, mềm dẻo về sách lược, tận dụng mâu thuẫn nước lớn, nhưng không để họ phá vỡ hội nghị gạt mình ra khỏi hội nghị. Nên giai đoạn cuối ta đã đàm phán trực tiếp các vấn đề cơ bản với Pháp như về vĩ tuyến, tổng tuyển cử. Các nước lớn không muốn nhưng ta đã tạo ra được cái thế để các nước lớn đàm phán với ta và đi đến Hiệp định Geneve.

Vậy hội nghị đem lại những bài học gì, thưa Đại sứ?

- Thứ nhất điều học được là tư duy độc lập tự chủ trong ngoại giao. Có tư duy đó mới thấy được chính ta, thấy được đối phương, thấy được các nước lớn, thấy được thế giới.

Thứ hai là bài học nghiên cứu, dự báo trong ngoại giao. Không nắm được tình hình thế giới thì vào đàm phán ta sẽ gặp rất nhiều khó khăn

Thứ ba phải hiểu quan điểm của Đảng, hiểu ta muốn gì ở hội nghị quốc tế, hiểu được xu thế thế giới. Thời kỳ hiện nay là hội nhập, về chính trị, kinh tế, văn hóa… mà không hiểu được xu thế thì không đàm phán được. Ta phải hiểu thế giới để đi theo dòng chảy của thế giới, ta không thể đi ngược, kể cả nước lớn cũng phải đi theo dòng chảy, làm sao đi theo dòng chảy mà không va đập vào đá, mà vẫn mang được lợi ích của chúng ta theo dòng chảy, đó là bài học khi đàm phán.

Xin ông nhận xét thêm về nguồn lực con người của chúng ta khi đến Hội nghị?

- Lúc đó chúng ta không có nhiều chuyên gia và các điều kiện khác. Nhưng những người tham dự đoàn là những tinh hoa của ngoại giao Việt Nam.

Nên nhớ từ hội nghị Fontainebleau song phương giữa Việt Nam và Pháp, khi Cách mạng Tháng Tám thành công, điều đặc biệt nhất về mặt con người là Cụ Hồ đã tập hợp được các tinh hoa về Việt Nam, họ có thể không theo đảng phái nào, là những nhân sĩ trí thức có chung lòng yêu nước, mong muốn Việt Nam độc lập, nên các nhà trí thức lớn đã chấp nhận theo Cụ Hồ về nước dù điều kiện kháng chiến khó khăn. 

Chúng ta đã được thừa hưởng những người như vậy, một đội ngũ tinh hoa từ năm 1946 đến kháng chiến chống Mỹ cứu nước, những nhà ngoại giao giỏi đều xuất phát là trí thức tinh hoa được đào tạo khắp nơi trên thế giới, tạo nên ngành ngoại giao Việt Nam.

Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem