Hiệp sĩ Sài Gòn bị nhóm trộm SH đâm chết có được phong Liệt sĩ?

Đình Việt Thứ hai, ngày 14/05/2018 11:35 AM (GMT+7)
Sau khi sự việc xảy ra, nhiều người thắc mắc đặt câu hỏi, với sự dũng cảm, quên thân để giúp người dân, liệu hiệp sĩ và người dân bị thiệt mạng có phong Liệt sĩ không?
Bình luận 0

Tối qua (13.5), công an quận 3 phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ công an TP.HCM phong tỏa hiện trường, lấy lời khai các nhân chứng để điều tra, truy xét nhóm trộm đâm chết 2 “hiệp sĩ” xảy ra trên địa bàn.

Nhiều giờ sau khi vụ án xảy ra, người dân trên đường Cách Mạng Tháng Tám (phường 10, quận 3) vẫn chưa hết hoảng sợ. Bên cạnh đó, rất nhiều người phẫn nộ, bức xúc vì trộm cướp lộng hành khắp nơi ở Sài Gòn.

img

Hiện trường vụ việc.

Sau khi sự việc xảy ra, nhiều người cũng thắc mắc đặt câu hỏi, với sự dũng cảm, quên thân để cứu giúp người dân, liệu hai hiệp sĩ và một người dân có phong Liệt sĩ không?

Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), hướng dẫn của TAND Tối cao quy định: “Người thi hành công vụ là người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan nhà nước hoặc tổ chức xã hội thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình và cũng có thể là những công dân được huy động làm nhiệm vụ (như tuần tra, canh gác...) theo kế hoạch của cơ quan có thẩm quyền, phục vụ lợi ích chung của Nhà nước, của xã hội”.

Tại khoản 1 điều 3 Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước quy định: “Người thi hành công vụ là người được bầu cử, phê chuẩn, tuyển dụng hoặc bổ nhiệm vào một vị trí trong cơ quan nhà nước để thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính, hoặc người khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ có liên quan đến hoạt động quản lý hành chính...”.

Như vậy, các hiệp sĩ tham gia phòng chống tội phạm cũng như mọi công dân nói chung đều có quyền bắt giữ người có hành vi phạm tội quả tang và áp giải ngay đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp này, các hiệp sĩ, người dân đang thực hiện một công việc vì nghĩa vụ công dân (bắt giữ kẻ phạm tội đang chạy trốn) tuy không phải là người thi hành công vụ, nhưng vì làm công việc đó mà bị thiệt mạng, vẫn có thể được hưởng chính sách bảo hiểm xã hội như đối với người thi hành công vụ.

Trước những ý kiến cho rằng, nên đề xuất phong Liệt sĩ cho những hiệp sĩ trên, luật sư Thơm cho rằng, hành động dũng cảm của những hiệp sĩ trên là nghĩa cử rất cao đẹp và đáng trân trọng. Tuy nhiên, để được phong Liệt sĩ là rất khó vì chưa có quy định cụ thể cho trường hợp này.

Trong khi đó, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cũng cho rằng, nhóm hiệp sĩ rất khó được phong Liệt sỹ. Vị luật sư này thông tin, theo Điều 11, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng quy định, Liệt sĩ là người đã hy sinh vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế hoặc vì lợi ích của Nhà nước, của nhân dân được Nhà nước truy tặng bằng "Tổ quốc ghi công” thuộc một trong các trường hợp sau đây:

Chiến đấu hoặc trực tiếp phục vụ chiến đấu; Trực tiếp đấu tranh chính trị, đấu tranh binh vận có tổ chức với địch; Hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tra tấn vẫn không chịu khuất phục, kiên quyết đấu tranh hoặc thực hiện chủ trương vượt tù, vượt ngục mà hy sinh.

Như vậy, hoạt động của nhóm hiệp sĩ không thuộc các trường hợp của quy định trên nên rất khó để được công nhận là Liệt sĩ.

“Nếu là lực lượng vũ trang hy sinh trong khi làm nhiệm vụ, việc phong Liệt sĩ là đương nhiên. Nếu nhóm hiệp sĩ hy sinh trong lúc thực hiện nhiệm vụ được nhà nước phân công, chắc chắn cũng sẽ được phong nhưng ở đây họ thực hiện trên tinh thần tự nguyện”, luật sư Hòe thông tin.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem