Là huyện đặc biệt khó khăn nên Bắc Yên luôn xác định công tác xóa đói giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Hàng năm, huyện xây dựng kế hoạch giảm nghèo cụ thể, triển khai sâu rộng đến từng địa bàn; trong đó ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất như: Điện lưới, đường giao thông, nước sinh hoạt, trạm xá, trường học… tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất, trao đổi hàng hóa và tiếp cận các dịch vụ xã hội.
Phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc đang tác động tích cực vào công tác xóa đói giảm nghèo ở vùng cao Bắc Yên.
Một trong những ưu tiên trong chính sách giảm nghèo của huyện đó là giúp người dân phát triển kinh tế. Huyện đã chỉ đạo các ngành chuyên môn phối hợp với các đơn vị xã, thị trấn tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nhận thức, xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại; phát huy tiềm năng, thế mạnh từng địa bàn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, nhất là thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu của người dân. Đồng thời, thông qua các chương trình dự án giảm nghèo như 30a, 135… hỗ trợ cây trồng và vật nuôi cho người dân, như: Xoài, nhãn, táo sơn tra, bò giống …Ngoài ra, tạo điều kiện cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận vốn vay phát triển sản xuất: Vay vốn ngân hàng Chính sách xã hội và ngân hàng NN&PTNT thông qua các tổ tiết kiêm, vay vốn.
Nhờ thay đổi tập quán sản xuất nhiều hộ nông dân từ thiếu cái ăn, cái mặc đã vươn lên khấm khá.
Trong phát triển kinh tế, vận động người dân chuyển đổi diện tích cây lương thực kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao, hợp với lợi thế của địa phương như: Triển khai, xây dựng có hiệu quả mô hình bò lai sind, mô hình đàn lợn, gà thả vườn... Hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa: Táo sơn tra, chè Tà Xùa, nhãn ghép chín muộn… đem lại hiệu quả kinh tế cao; bám sát phương châm: Sản xuất tập trung, hướng ra thị trường, liên kết với các doanh nghiệp thu mua, tạo đầu ra cho sản phẩm.
Đến nay, toàn huyện có 4.100 ha cây ăn quả các loại, sản lượng đạt 3.400 tấn. Tổng đàn gia súc ước đạt 333.270 con. Bước đầu hình thành một số vùng chăn nuôi gia súc tập trung theo quy mô gia trại tại nhiều địa phương. Thu nhập bình quân đầu người không ngừng tăng lên, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống còn 27,81% năm 2018.
Tiêu biểu như mô hình trồng táo sơn tra của anh Giàng A Chinh, ở bản Nậm Lộng (xã Hang Chú, Bắc Yên) cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Anh Chinh chia sẻ: Nhờ được hỗ trợ vốn vay, anh đã đầu tư cải tạo đất đồi bỏ hoang để trồng táo sơn tra. Hiện nay, anh đã có hơn 40 ha rừng táo, trong đó 10 ha đang cho thu hoạch hàng chục tấn quả mỗi năm. Kinh tế gia đình anh Chinh từ khó khăn đã vươn lên khấm khá. Cách làm giàu của anh Chinh còn mở lối cho bà con dân bản học và làm theo. Đến nay, nhà nào trong bản cũng có vài nghìn mét đất trồng táo sơn tra. Từ chỗ thiếu cái ăn, cái mặc, bà con đã có của ăn của để.
Nhiều mặt hàng nông sản ở vùng cao Bắc Yên đã trở thành hàng hóa, được bày bán trên thị trường.
Mô hình trồng xen ghép táo sơn tra và cây dong riềng của anh Sùng A Măng, ở bản Cáo A (xã Làng Chiếu, Bắc Yên) cũng mang lại thu nhập cao. Từ 5 ha đất trồng ngô, lúa hiệu quả thấp, anh Măng đã chuyển sang trồng táo sơn tra và kết hợp trồng dong riềng phía dưới. Nhờ cách làm này, từ hoàn cảnh gia đình khó khăn, anh Măng đã trở thành một trong những hộ giàu có.
Ông Lê Văn Kỳ, Chủ tịch UBND huyện Bắc Yên cho biết: Thời gian qua, công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn huyện tuy còn gặp không ít khó khăn nhưng đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trình độ dân trí không ngừng được nâng lên, cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư, giao thông đến các xã đều đã được cứng hóa thuận lợi cho người dân đi lại, trao đổi hàng hóa. Trong sản xuất, người dân đã biết ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, liên kết với thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, xóa đói giảm nghèo trên địa bàn huyện.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.