Theo số liệu tổng hợp của Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Hà Nam), tính đến hết năm 2023 toàn tỉnh có 262 trang trại (theo quy định Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT ngày 28/2/2020 của Bộ Nông nghiệp & PTNT) và khoảng 500 gia trại hoạt động theo mô hình trang trại (những gia trại này đạt một trong hai tiêu chí theo Quy định của Thông tư số 02/TT-BNNPTNT về diện tích hoặc doanh thu).
Trong đó, có 4 trang trại trồng trọt; 148 trang trại chăn nuôi; 21 trang trại nuôi trồng thủy sản; 89 trang trại tổng hợp với tổng diện tích đất của các trang trại là 1.001,26 ha; giá trị vốn đầu tư và vốn sản xuất kinh doanh bình quân một trang trại là 2.545 triệu đồng; tổng số lao động thường xuyên của các trang trại là 1.021 người; tổng giá trị sản xuất của các trang trại là 1.119.200 triệu đồng.
Thực tiễn đã chứng minh, phát triển kinh tế trang trại là hướng đi đúng của phát triển kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất sản phẩm nông nghiệp hàng hoá, khai thác, sử dụng hiệu quả đất đai, vốn, kỹ thuật và kinh nghiệm quản lý, điều hành.
Tất cả hướng đến tăng năng xuất, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống của người dân, thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo ở nông thôn nói riêng và toàn xã hội nói chung, đảm bảo an ninh lương thực, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Qua kết quả rà soát các trang trại trong toàn tỉnh Hà Nam cho thấy, nhiều chủ trang trại đã áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất như chăn nuôi gia súc, gia cầm hướng thịt, lấy sữa, con nuôi đặc sản; chăn nuôi gà lấy trứng; lựa chọn bố trí cây trồng, vật nuôi có tính thị hiếu thị trường đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.
Một số chủ trang trại có nguồn vốn lớn đã đầu tư mua sắm trang thiết bị, mở rộng sản xuất, từng bước thực hiện cơ giới hoá vào quá trình sản xuất như: xe oto tải, máy kéo, máy làm đất, máy bơm, hệ thống cung cấp thức ăn, uống nước tự động, xây dựng kiên cố chuồng trại…vào sản xuất.
Từ đó góp phần tăng năng suất lao động, tăng năng suất cây trồng vật nuôi, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm làm giảm chi phí, hạ giá thành nâng cao tính cạnh tranh.
Chưa dừng lại, nhiều trang trại có hợp đồng liên kết với doanh nghiệp, HTX để tổ chức sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nên đã chủ động được sản phẩm đầu ra, giá cả ổn định, đem lại hiệu quả tương đối cao từ đó tạo yên tâm trong tổ chức sản xuất, chăn nuôi của chủ trang trại; nhiều trang trại đã làm tốt công tác BVMT trong sản xuất như áp dụng công trình khí sinh học, sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải để đảm bảo yếu tố môi trường…; nhiều trang trại đã có sản phẩm OCOP được công nhận.
Giải pháp phát triển kinh tế trang trại thời gian tới
Từ thực tiễn phát triển kinh tế trang trại của tỉnh Hà Nam trong thời gian qua cho thấy phát triển kinh tế trang trại là giải pháp hữu hiệu nhằm đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế trong nông nghiệp, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 15/9/2021 của Tỉnh uỷ Hà Nam về cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Theo ông Nguyễn Hải Đăng - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, cần tập trung thực hiện đồng bộ 8 nhóm giải pháp để phát triển hơn nữa kinh tế trang trại.
Một là công tác tuyên truyền: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế trang trại. Tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện dồn đổi, tích tụ và tập trung đất đai phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng trang trại, tạo các vùng sản xuất hàng hóa tập trung đáp ứng nhu cầu phát triển trang trại từ các gia trại. Tuyên truyền các trang trại tiếp tục mở rộng phát triển sản xuất, kinh doanh, liên kết sản xuất theo chuỗi; khuyến khích các gia trại hiện có (khoảng 500 gia trại) đang hoạt động theo mô hình trang trại và đã đáp ứng được 01 trong 02 Tiêu chí Quy định của Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT (tiêu chí về diện tích hoặc doanh thu) để các gia trại sớm trở thành trang trại.
Hai là công tác quy hoạch: Mỗi huyện, thị xã, thành phố cần phải xây dựng quy hoạch vùng phát triển kinh tế trang trại (hoặc điều chỉnh quy hoạch để phù hợp với điều kiện thực tế của đại phương) để phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của địa phương để sản xuất ra nhiều sản phẩm hàng hoá phù hợp với yêu cầu của thị trường, có lợi thế so sánh, khắc phục tình trạng phát triển tự phát, kém bền vững.
Ba là về đất đai: Thực hiện giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các chủ trang trại khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của Luật đất đai; Việc cho thuê đất cần tạo điều kiện thời gian để các chủ trang trại yên tâm đầu tư phát triển sản xuất.
Bốn là về thị trường: Nhà nước cần thường xuyên dự báo nhu cầu, thị hiếu thị trường, phát huy tối đa vai trò của các Sở, ngành trong tỉnh như: Sở Nông nghiệp & PTNT, Sở Công thương, Sở Thông tin truyền thông…nhằm giúp các trang trại chủ động trong định hướng SXKD; tiếp tục quan tâm đẩy mạnh công tác XTTM, thương mại điện tử thông qua các sàn giao dịch điện tử để giới thiệu sản phẩm với các doanh nghiệp chế biến tiêu thụ, liên kết trong sản xuất. Quan tâm hướng dẫn, tạo điều kiện để tăng số lượng sản phẩm của trang trại được công nhận là sản phẩm OCOP.
Năm là về đầu tư, tín dụng: Phát triển kinh tế trang trại cần nguồn vốn tương đối lớn, cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ. Vì vậy Nhà nước cần tiếp tục quan tâm đầu tư hạ tầng thiết yếu phục vụ cho việc phát triển KTXH nông thôn, với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm nhằm huy động tổng hợp các nguồn lực để xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng. Từ đó tạo tiền đề phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá quy mô lớn. Đồng thời cần ban hành chính sách tín dụng riêng cho phát triển kinh tế trang trại để các trang trại tiếp cận nguồn vốn tín dụng để mở rộng, đầu tư PTSX.
Sáu là tổ chức sản xuất: Các trang trại cần chủ động tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, hình thành các câu lạc bộ trang trại để cùng nhau chia sẻ, học tập, trao đổi thông tin về KHCN, kinh nghiệm sản xuất, quản lý, điều hành, thị trường giá cả; quan tâm đến chế biến, bảo quản nông sản, thực phẩm sạch, an toàn theo tiêu chuẩn; lựa chọn xây dựng thương hiệu nông sản nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu.
Bảy là về khoa học kỹ thuật: Tăng cường phối hợp giữa Sở Nông nghiệp & PTNT với các Sở ngành liên quan trong tỉnh, các viện KH, các trường trong trong tác khuyến nông để hướng dẫn, chỉ đạo các trang trại xây dựng các mô hình sản xuất điển hình; quy trình sơ chế, chế biến và bảo quản sản phẩm.
Tám là về bảo vệ môi trường: Kiên quyết không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế. Do vậy cơ quan quản lý Nhà nước cần thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường của trang trại. Trường hợp trang trại gây ô nhiễm môi trường cần có biện pháp tháo gỡ, xử lý kịp thời.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.