Hiệu thuốc ở Trung Quốc đang bán nhiều tã cho người lớn hơn trẻ em

Chủ nhật, ngày 02/04/2023 13:00 PM (GMT+7)
Dân số Trung Quốc năm 2022 giảm lần đầu tiên sau 6 thập kỷ, được cho là ảnh hưởng từ gánh nặng chi phí sinh hoạt gia tăng, tăng trưởng kinh tế yếu và tư duy về gia đình thay đổi.
Bình luận 0

 

Nằm ở cửa sông Trường Giang và Hoàng Hải, thành phố Nam Thông của Trung Quốc có nhiều cư dân cao tuổi đến nỗi thoạt nhìn có vẻ như đây là một cộng đồng hưu trí.

Những người cao tuổi của thành phố bảo vệ cổng nhà máy, bán tạp hóa, làm tạp vụ tại các quán ăn địa phương, làm việc cực nhọc trên cánh đồng hạt cải dầu và các công việc khác.

Theo Nikkei Asia, Nam Thông ngày nay là thành phố già nhất ở Trung Quốc, về mặt nhân khẩu học. Dựa trên tổng điều tra dân số quốc gia năm 2020, những người từ 60 tuổi trở lên chiếm 30% trong tổng số 7,7 triệu dân của Nam Thông, gần gấp đôi mức trung bình toàn quốc là 18,7%.

Nam Thông được biết đến là cái nôi của nền công nghiệp hóa hiện đại của Trung Quốc, nơi các nhà máy dệt đầu tiên của đất nước được xây dựng vào những năm 1890. Nhưng vinh quang của thành phố bắt đầu phai nhạt vào những năm 1990 khi quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng ở các thành phố Tô Châu và Thượng Hải lân cận, thu hút người dân địa phương rời đi.

Do đó, có thể nói Nam Thông là một cửa sổ nhìn về quá khứ của Trung Quốc nhưng cũng là một cái nhìn thoáng qua về tương lai của đất nước. Theo dự đoán chính thức của Trung Quốc, toàn bộ đất nước năm 2035 sẽ có hồ sơ nhân khẩu học giống như Nam Thông nếu các xu hướng hiện tại tiếp tục duy trì.

Nhiều trường học đã đóng cửa hoặc sáp nhập, và các hiệu thuốc bán nhiều tã cho người lớn hơn trẻ em.

Tại Rudong, một quận ở Nam Thông, xu hướng thậm chí còn gay gắt hơn, với 39% dân số trên 60 tuổi. Tại một quán ăn trong quận, một phụ nữ dọn dẹp tên Wang Qiao và đồng nghiệp của bà đều đã ngoài 70 tuổi. "Người trẻ không thích kiểu lao động khổ cực này. Họ thích làm việc ở các thành phố lớn hơn”.

gia hoa dan so anh 1
gia hoa dan so anh 1
gia hoa dan so anh 2
gia hoa dan so anh 2

Cư dân cao tuổi ở Nam Thông, Trung Quốc. Ảnh: CK Tan/Nikkei Asia.

Đến năm 2035, ước tính 400 triệu người ở Trung Quốc từ 60 tuổi trở lên, chiếm 30% dân số, theo dự đoán của chính phủ.

Tỷ lệ giữa người già và người trẻ dự kiến tiếp tục mất cân bằng trong những năm tới, sau khi Trung Quốc ghi nhận số ca tử vong vượt quá số ca sinh vào năm ngoái, lần đầu tiên kể từ năm 1961.

Hồi tháng 1, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc xác nhận dân số đất nước giảm 850.000 người trong năm 2022, đưa tổng dân số xuống còn 1,412 tỷ người. Nhưng khác với năm 1961, sự suy thoái dân số hiện tại được dự đoán kéo dài và có khả năng không thể đảo ngược.

Tiếng chuông cảnh báo

Trung Quốc đang theo xu hướng của một số nền kinh tế đáng quan tâm của châu Á. Nhật Bản và Hàn Quốc là những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất toàn cầu, trong đó Hàn Quốc có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới. Singapore, Thái Lan và Đài Loan cũng đang thu hẹp dân số, trong khi tốc độ tăng dân số đang chậm lại ở một số nền kinh tế châu Á khác.

Ở một số quốc gia, tình trạng già hóa dân số xảy ra khi đất nước tương đối thịnh vượng, nghĩa là nhiều người cao tuổi có thể hưởng chế độ hưu trí thoải mái. Chẳng hạn, Nhật Bản có mức thu nhập bình quân đầu người nằm trong nhóm hàng đầu thế giới vào cuối những năm 1980, trước khi biểu đồ dân số ổn định ở trạng thái già.

Lauren Johnston, phó giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Sydney, cho biết: “Nhật Bản già khi đã giàu”.

Nhưng ngược lại, Trung Quốc đang đối mặt với hoàn cảnh khác. Họ đang “già trước khi giàu”.

Hiệu thuốc ở Trung Quốc đang bán nhiều tã cho người lớn hơn trẻ em - Ảnh 2.

Mức tăng/giảm dân số hàng năm của Trung Quốc theo đơn vị triệu người, tính từ năm 1950.

Cho đến nay, dù là nền kinh tế đứng thứ 2 thế giới, Trung Quốc chưa phải là một quốc gia có thu nhập bình quân cao. Việc dân số giảm trong hoàn cảnh này có thể là lực cản đối với tăng trưởng kinh tế, vì lực lượng lao động của họ tiếp tục bị thu hẹp, số lượng người về hưu ngày càng nhiều, trong khi quỹ lương hưu cạn kiệt và hệ thống chăm sóc sức khỏe trở nên quá tải.

Tỷ suất sinh của Trung Quốc giảm xuống dưới 1,1 vào năm 2022, thấp hơn mức 2,1 tiêu chuẩn của một nước có dân số ổn định.

Zhai Zhenwu, Chủ tịch Hiệp hội Dân số Trung Quốc, cho biết: “Tổng tỷ suất sinh từ 1,3 trở xuống không phải là điều chúng tôi muốn thấy. Chúng tôi tin rằng nếu tỷ suất sinh có thể duy trì ở mức 1,5-1,6 thì sẽ có lợi hơn cho sự phát triển kinh tế và xã hội”.

Nguyên nhân

Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải dự đoán dân số Trung Quốc có thể bị đẩy xuống còn 587 triệu người vào năm 2100, chưa bằng một nửa so với hiện nay. Điều đó có nghĩa là cứ 100 người Trung Quốc trong độ tuổi lao động thì sẽ có 120 người già cần hỗ trợ.

Tình trạng thiếu trẻ em hiện nay một phần bắt nguồn từ chính sách một con kéo dài gần 4 thập kỷ của đất nước, được đưa ra vào năm 1980 và kết thúc vào năm 2016. Song song với cải cách kinh tế, chính sách một con nhằm hạn chế quy mô nhưng nâng cao “chất lượng” dân số Trung Quốc.

Ngày nay, tỷ lệ sinh ở Trung Quốc đang giảm vì những lý do tương tự ở hầu hết nền kinh tế lớn, như một tác dụng phụ của tăng trưởng kinh tế, tuổi thọ cao hơn, nhiều quyền tự do dân sự hơn và phụ nữ được tiếp cận giáo dục rộng rãi hơn.

Năm 2016, chính sách một con được nới lỏng, cho phép sinh hai con. Sau khi cuộc điều tra dân số năm 2020 gióng lên hồi chuông cảnh báo, nó đã được sửa đổi thêm để cho phép 3 con. Nhưng ngay cả như vậy, hầu hết cặp vợ chồng đều chọn sinh một con khiến tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên tiếp tục giảm.

Hiệu thuốc ở Trung Quốc đang bán nhiều tã cho người lớn hơn trẻ em - Ảnh 3.

Một viện dưỡng lão ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 26/5/2021. Ảnh: Reuters.

Các cặp vợ chồng cũng trì hoãn việc sinh con. Tuổi sinh con trung bình ở Trung Quốc đã tăng gần ba năm, tăng lên 28,8 vào năm 2021 từ 26,1 vào năm 2000.

Bất ổn kinh tế là một yếu tố khác dẫn đến tỷ lệ sinh giảm. Ít người kết hôn hơn do chi phí gia đình cao hơn và những thay đổi pháp lý khiến việc ly hôn trở nên khó khăn hơn.

Các giá trị gia đình truyền thống cũ vẫn chưa thực sự cởi mở với mẹ đơn thân và con ngoài giá thú, vì vậy việc có con ngoài giá thú vẫn còn hiếm. Theo một cuộc khảo sát năm 2016 của Đại học Bắc Kinh, trong số các ca sinh của phụ nữ sinh từ năm 1980 đến 1989, chỉ 1,2% là ngoài giá thú. Tỷ lệ thực tế có thể cao hơn do không khai báo đầy đủ.

Ngày càng nhiều thanh niên ở Trung Quốc đang chọn cách buông xuôi trước những áp lực của xã hội. Họ từ bỏ nỗ lực thăng tiến, mua nhà, tậu xe, kết hôn và sinh con. Đại dịch đã khiến điều này càng trầm trọng hơn.

Không thể đảo ngược

Năm 2000, Trung Quốc tính toán mức đỉnh dân số quốc gia sẽ là gần 1,6 tỷ người. Năm 2017, họ dự kiến dân số đạt đỉnh vào năm 2030 ở mức 1,45 tỷ người, theo tài liệu kế hoạch hóa dân số.

Nhưng các dự báo đến nay đã được chứng minh là sai lệch, với sự sụt giảm đến sớm hơn gần một thập kỷ so với dự kiến.

Bức tranh của các quốc gia già hóa dân số khác ở châu Á cho thấy Trung Quốc khó có thể cứu vãn dân số đang già đi của mình.

Hiệu thuốc ở Trung Quốc đang bán nhiều tã cho người lớn hơn trẻ em - Ảnh 4.

Dân số Trung Quốc giảm sớm hơn so với dự kiến một thập kỷ. Ảnh: Reuters.

Nhật Bản là quốc gia có dân số già nhất châu Á, với hơn 29% dân số từ 65 tuổi trở lên. Quốc gia này đã thử nhiều biện pháp để ngăn chặn sự suy giảm nhân khẩu học, từ chính sách nghỉ thai sản cho đàn ông đến hỗ trợ tài chính cho các cặp vợ chồng có con.

Các phương pháp đã không thành công cho đến nay. Nhật Bản năm ngoái đã công bố tỷ lệ sinh thấp kỷ lục, với 811.604 ca sinh vào năm 2021.

Các nhà chức trách Trung Quốc đang đưa ra nhiều chính sách hấp dẫn, bao gồm hỗ trợ tài chính và tăng thời gian nghỉ kết hôn có lương, để khuyến khích kết hôn và sinh con.

Một bài báo xuất bản vào tháng 8 năm ngoái trên tạp chí Qiushi của Trung Quốc đã nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của tình thế tiến thoái lưỡng nan, cho rằng việc giải quyết sự suy giảm dân số sẽ đòi hỏi "những nỗ lực lâu dài và gian khổ".

"Tiền hỗ trợ thậm chí không đủ để mua sữa bột", một người mẹ họ Yang ở Thâm Quyến cho biết. Yang có một cô con gái 4 tuổi và không có ý định sinh thêm con. "Các biện pháp này có thể khuyến khích một số gia đình thu nhập thấp hơn, nhưng đối với những bậc cha mẹ có học thức cao và mức sống cao, họ sẽ không sinh con chỉ với số tiền ít ỏi như vậy”.

Các nhà nhân khẩu học cũng hoài nghi. Tỷ lệ sinh ở Nhật Bản và Hàn Quốc không tăng bất chấp những ưu đãi tương tự.

 

Hồng Ngọc (zingnews.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem