Hiệu trưởng trộm xe máy của giáo viên đối diện với mức án nào?

Bảo Linh Thứ năm, ngày 28/02/2019 14:24 PM (GMT+7)
Mới đây, cơ quan điều tra huyện Duy Tiên (Hà Nam) vừa bắt khẩn cấp hiệu trưởng một trường mầm non trên địa bàn về hành vi trộm cắp tài sản. Nữ hiệu trưởng trộm xe máy sẽ phải đối diện với mức án nào?
Bình luận 0

Cơ quan điều tra huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam vừa bắt giữ khẩn cấp đối với Hà Thị Thắm - Hiệu trưởng trường mầm non song ngữ HAPPY KIDS để điều tra hành vi trộm cắp.

Vào ngày 23.1, Thắm thấy chùm chìa khóa xe mô tô nhãn hiệu Lead màu đỏ, của chị Đào Thị Hà (SN 1994), là giáo viên cùng trường để tại bệ cầu thang tầng 1 của trường. Thắm đã lấy chìa khoá rồi mở xe của Hà mang đi cắm tại hiệu cầm đồ.

Chiếc xe được bán với giá 23.000.000 đồng. Thắm đã tiêu xài hết 20.000.000 đồng và đưa lại cho Hà 3.000.000 đồng với danh nghĩa nhà trường hỗ trợ cho chị Hà mua xe khác.

img

Nữ hiệu trưởng đã nổi lòng tham đem chiếc xe máy của giáo viên trường mình đi cầm cố lấy 23.000.000 đồng để tiêu xài cá nhân. (Ảnh minh hoạ)

Nữ hiệu trưởng trộm xe máy sẽ phải đối diện với mức án nào?

Trao đổi với Dân Việt về vấn đề này luật sư Nguyễn Tuấn Anh – Đoàn luật sư Hà Nội cho biết: “Dựa theo Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 tội trộm cắp có 4 khung hình phạt: Phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm; phạt tù từ 2 năm đến 7 năm; phạt tù từ 7 năm đến 15 năm; phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tùy thuộc vào giá trị tài sản. Trong trường hợp này, giá trị của tài sản là chiếc xe máy đó sẽ được định giá không liên quan đến giá bán cô hiệu trưởng.”

Theo luật sư, đối với trường hợp hiệu trưởng trộm xe máy của giáo viên bán được 23.000.000 đồng có thể rơi vào khoản 1 Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Đó là “Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

đ) Tài sản là di vật, cổ vật.

“Thế nhưng, khi cơ quan điều tra định giá ra tài sản chiếc xe máy có giá trị hơn 50.000.000 đồng thì mức xử phạt đối với cô hiệu trưởng sẽ theo Khoản 2, Điều 173.” – Luật sư Tuấn Anh cho biết.

Cụ thể: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;

đ) Hành hung để tẩu thoát;

e) Tài sản là bảo vật quốc gia;

g) Tái phạm nguy hiểm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem