Tháng 3 năm ngoái, khi CPI tăng 0,75%, mức tăng được đánh giá là “ngoài quy luật”, là “lần thứ 4 trong vòng 15 năm cao bất thường so với tháng 2”, Cục Quản lý Giá cho rằng nguyên nhân chính là do nhiều mặt hàng thiết yếu cùng tăng giá, trong đó có điện.
Ngày 1.3 năm ngoái, giá điện tăng “chỉ” 6,8%. Việc CPI tháng 3 năm ngoái tăng bất thường đã báo hiệu một năm lạm phát nóng bỏng mà chỉ tiêu 7% do Quốc hội đề ra chắc chắn không đạt được. Kết quả cuối năm, lạm phát lên đến 11,75%, “vượt xa” chỉ tiêu.
Năm nay, chưa đến tháng 3 nhưng việc nâng tỷ giá USD/VND 9,3%- một kỷ lục- đã khiến CPI tháng 2 đang được dự báo trước sẽ lên tới 2%. Giá xăng nhiều khả năng sẽ tăng trong tuần cuối cùng của tháng 2 với một mức tăng “được giữ kín”. Và giá điện đang được trình, sẽ phải tăng và nhiều khả năng tăng tới 18%.
Đã nổ ra cuộc tranh luận về việc nhiều-ít quanh con số 18%. Đã có những lời trấn an, rằng giá điện thực ra chỉ tăng 127 đồng/kWh. Rằng sẽ hỗ trợ cho người nghèo khi tăng giá điện… Đã có những lập luận rằng giá điện Việt Nam đang thấp nhất thế giới, cần có giá điện hợp lý để kéo các nhà đầu tư. Rằng không có vốn thì không khởi công được, lại sẽ chậm tiến độ… sẽ thiếu điện, sẽ cắt điện, sẽ tối tăm, sẽ nóng bức, sẽ đình trệ sản xuất…
Cũng như xăng dầu, điện là đầu vào của mọi ngành kinh tế, là nhu cầu của một cuộc sống. Điện “chỉ” tăng 6,8% năm ngoái đã khiến hàng hoá ào ạt tăng giá, đẩy nhau tăng và tăng một cách cộng hưởng. Chỉ một đồng điện, nhưng sẽ là nhiều đồng, của nhiều loại hàng hóa khác. Huống chi điện chưa tăng, các loại hàng hóa liên quan trực tiếp với điện, gián tiếp với điện, cũng tăng giá vù vù do hiệu ứng té nước theo mưa.
Vì thế, đừng đưa ra những lời kêu gọi dân chúng tiết kiệm tiền túi của mình trong việc sử dụng điện. Bởi lời kêu gọi tiết kiệm, thực chất là cách thức đổ lỗi cho dân chúng- như năm rồi ngành điện đã đổ lỗi cho ngành thép tiêu hao quá nhiều điện- không bao giờ là giải pháp đáp ứng nguồn điện.
Bởi việc các kỷ lục về nâng tỷ giá USD/VND và tỷ lệ phần trăm tăng giá điện được dồn vào cùng một thời điểm thì cần phải được xem xét nghiêm túc, bởi chuỗi dây chuyền giá hàng thiết yếu- CPI- lạm phát luôn tỷ lệ thuận chưa tính sự cộng hưởng và yếu tố tăng giá tâm lý. Và những dự báo về một năm lạm phát nóng bỏng là một cảnh báo cần được đưa ra.
Dân chúng cần được biết những ảnh hưởng của 127 đồng tăng thêm cho mỗi số điện- trong sự tác động tới nền kinh tế - sẽ ảnh hưởng thế nào đến cuộc sống của họ, hơn là những lời trấn an.
Đào Tuấn
Vui lòng nhập nội dung bình luận.