Trưa 8/3, Công an huyện Đông Anh nhận tin báo về vụ án mạng chồng sát hại vợ và con nhỏ rồi tự tử tại phòng trọ trên địa bàn. Nạn nhân là chị Đ.T.H (SN 1983, quê tại huyện Phúc Thọ, tạm trú ở huyện Đông Anh) và con gái N.T.D.P (SN 2014). Do người chồng đang cấp cứu nên công an chưa thể làm việc, lấy lời khai.
Bước đầu xác định, sau khi ra tay sát hại dã man vợ và con gái, nghi phạm đã gọi điện thông báo sự việc cho người thân rồi tự tử nhưng được phát hiện, đưa đi cấp cứu ngay sau đó. Hiện các nạn nhân tử vong được đưa về quê tổ chức tang lễ theo phong tục.
Hiện trường vụ án mạng (ảnh TL)
Bình luận về vụ việc đau lòng này, luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh (Đoàn luật sư Hà Nội) khẳng định, dù cho với bất cứ động cơ mục đích nào hay do mâu thuẫn tình cảm thì việc nghi phạm đang tâm dùng dao tước đoạt đi tính mạng người vợ và cháu bé một cách dã man, tàn bạo đều không thể biện minh trước tội ác đã gây ra.
Trong vụ án này, nạn nhân cháu bé là người yếu thế, đối tượng đặc biệt được pháp luật bảo vệ. Mặc dù cháu không có lỗi gì nhưng lại phải gánh chịu hậu quả do mâu thuẫn của cha mẹ.
"Với việc dùng dao chém liên tiếp vào vợ và con cho thấy hành vi của người chồng rất liều lĩnh, côn đồ, cố ý tước đi mạng sống của người khác. Hành vi này có dấu hiệu của tội giết người theo quy định tại điểm a, b, n, (khoản 1, Điều 123, Bộ luật Hình sự 2015). Hành vi phạm tội của nghi phạm không những gây tang thương mất mát cho gia đình, gây phẫn nộ trong dư luận xã hội mà còn gây mất an ninh trật tự tại địa phương nên cần thiết phải xử lý nghiêm mới có tác dụng răn đe, phòng ngừa tội phạm bạo lực gia đình đang diễn ra trong xã hội hiện nay", luật sư Thơm phân tích.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm cho rằng, cần phải xử lý nghiêm minh hành vi tàn nhẫn của người chồng để răn đe
Nói về hành vi côn đồ của nghi phạm, luật sư Thơm phân tích, giết người có tính chất côn đồ là trường hợp giết người vô cớ (không có nguyên cớ) hoặc cố tình sử dụng những nguyên cớ nhỏ nhặt để giết người, thể hiện ý thức coi thường pháp luật, coi thường tính mạng người khác và những quy tắc trong cuộc sống. Khi xác định trường hợp giết người có tính chất côn đồ cần phải có quan điểm xem xét toàn diện mối quan hệ giữa người phạm tội với nạn nhân, thái độ của người phạm tội khi gây án, nguyên nhân nào dẫn đến việc người phạm tội giết người.
"Đây là một vụ án mạng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khi đối tượng đang tâm dùng dao sát hại vợ và con gái nhỏ tuổi một cách tàn nhẫn. Với tình tiết định khung trách nhiệm hình sự là "giết 2 người trở lên"; "giết người dưới 16 tuổi"; "giết người có tính chất côn đồ" nên nếu bị kết tội, người chồng sẽ đối diện với khung hình phạt cao nhất là tử hình.
Trường hợp nghi phạm bị bệnh tâm thần (không do tác dụng của việc sử dụng ma túy hay chất kích thích khác), làm mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi thì sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự và phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Nếu nghi phạm bị bệnh tâm thần hạn chế khả năng nhận nhận thức và điều khiển hành vi thì sẽ là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khi Tòa xét xử quyết định hình phạt", luật sư Thơm phân tích.
Luật sư Vũ Anh Tuấn (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng: "Dù chế tài của pháp luật như thế nào chăng nữa thì trước tiên việc người chồng đang tâm sát hại vợ và con gái 7 tuổi của mình sẽ bị cả cộng đồng lên án mạnh mẽ và sắp tới sẽ phải đối mặt với mức chế tài nghiêm khắc của pháp luật. Bên cạnh chịu sự phán xét của pháp luật, một bản án lương tâm sẽ theo người chồng, người cha ấy suốt quãng đời còn lại".
Điều 123. Tội giết người
1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết 02 người trở lên;
b) Giết người dưới 16 tuổi;
n) Có tính chất côn đồ;
Vui lòng nhập nội dung bình luận.