Cuộc vận động này được ngành giáo dục phát động từ năm 2006. Đi đến bất kì trường nào, sở giáo dục địa phương nào cũng thấy những khẩu hiệu và những lời phát biểu của các vị lãnh đạo, các thầy cô nhấn mạnh chỉ tiêu về chất lượng học sinh là phấn đấu để có 100% học sinh tốt nghiệp, nâng tỉ lệ học sinh giỏi lên, hạn chế tỉ lệ học sinh kém.
Chính vì mục tiêu này nên nhiều trường phổ thông ở TP.HCM đã nghĩ ra nhiều biện pháp để chuyển các học sinh yếu kém đi các trường khác. Còn ở Hà Nội, phong trào lớp chọn, trường chuyên vừa làm ngược lại phương châm giáo dục phổ cập phổ thông của nhà nước ta vừa khiến mất cân đối trong sự phân bố học sinh các vùng. Đây chính là điều kiện để gây ra những tiêu cực.
Năm 2010 ngành giáo dục còn có sáng kiến là chọn mỗi trường một giáo viên được tôn vinh danh hiệu “Nhà giáo được học sinh yêu quý nhất”.
Trong khi đó tiêu chí đưa ra không rõ ràng. Đó là chưa kể sau sự tôn vinh này sẽ diễn ra tâm lý phức tạp của đội ngũ giáo viên và học sinh, ảnh hưởng rất nhiều đến sự dạy và học.
Cũng vì bệnh thành tích ngành giáo dục còn áp đặt mỗi giáo viên phải đăng kí ít nhất một sáng kiến kinh nghiệm áp dụng trong giảng dạy. Để đáp ứng tiêu chuẩn này không ít giáo viên địa phương như ở Thanh Hoá đã đi mua các văn bản sáng kiến bán ở các cửa hàng photo để nộp một cách chiếu lệ.
Kì thi tốt nghiệp THPT của năm học 2009-2010 sắp đến, nhưng không hiểu căn cứ theo tiêu chuẩn nào mà ngành giáo dục đào tạo giảm đội ngũ thanh tra cấp ngành từ 9.000 người của mùa thi năm ngoái xuống chỉ còn 600 người. Số người giảm đi lại cộng thêm với lối thanh tra “cưỡi ngựa xem hoa” để phó mặc cho hội đồng thi “người nhà” đang tuân thủ “làm sao cho trường nhà tỉ lệ học sinh đỗ cao hơn trường bạn” thì thực chất của kì thi sẽ như thế nào…
Nhìn vào hình thức tỉ lệ học sinh đỗ cao hàng năm, nhìn số người có học vị cao ở nước ta thì quả là không kém mà còn hơn không ít quốc gia, nhưng thực chất chất lượng học sinh và các tấm bằng học vị thì quả là điều đáng lo ngại.
Bách Thành
Vui lòng nhập nội dung bình luận.