Ông Lê Thụy Hải trong chuyến làm khách gặp CLB Kashiwa Reysol (Nhật Bản) tại vòng loại AFC Champions League đã hỏi một thành viên đội bóng này thông tin về HLV Miura thì nhận được đánh giá: "HLV trưởng của ĐTQG nước ông (ám chỉ HLV Miura-PV) còn kém xa HLV trưởng của một CLB của chúng tôi", và tìm hiểu thêm thì biết HLV Miura chưa bao giờ cầm quân một đội bóng của Nhật tham dự AFC Champions League và các đội do ông này huấn luyện chỉ trình độ làng nhàng, chẳng có thành tích gì cả. Và từ những thông tin trên cùng với quan sát của mình trong thời gian qua, ông Lê Thụy Hải cho rằng người hâm mộ không nên quá kỳ vọng quá nhiều vào Olympic Việt Nam.
Đầu tiên, cần phải nhắc lại ngày nhậm chức, HLV Miura đã bị đặt dấu hỏi lớn về năng lực khi bản lý lịch trích ngang của ông kém thuyết phục. Thế nhưng sau gần một năm làm việc, ông Miura đã giúp ĐTQG Việt Nam (dự AFF Cup 2014), Olympic Việt Nam (dự ASIAD 2014) và nay là U23 Việt Nam dự vòng loại châu Á thay da đổi thịt thấy rõ.
Ông Miura đã giúp các tuyển thủ tiến bộ thấy rõ, cả về chuyên môn lẫn độ chuyên nghiệp.
Dưới thời Miura, thể lực tuyển thủ tăng rõ rệt, chiến thuật đa dạng hơn và thắng thuyết phục các đối thủ mạnh, điển hình như trận thắng 4-1 trước ứng viên vô địch Olympic Iran tại ASIAD 2014 tại Hàn Quốc.
Dưới thời Miura, cầu thủ được trải nghiệm các giáo án chuyên nghiệp, được huấn luyện trở thành cầu thủ chuyên nghiệp từ thứ nhỏ nhất (đơn cử như trong lúc ăn không được dùng điện thoại, Ipad), và quan trọng nhất là họ được tôn trọng. Sự tôn trọng thể hiện ở việc ông thầy coi tất cả đều bình đẳng, cơ hội ngang nhau chứ không phải tập lười vẫn được trọng dụng chỉ vì có quen biết, có "dây" ở đội tuyển như đã từng xảy ra trong quá khứ. Cơ chế công bằng được ông Miura thiết lập đã tạo tính cạnh tranh lành mạnh và quyết tâm trong mỗi tuyển thủ, kích thích sự phát triển.
Dưới thời Miura, đội tuyển bắt đầu lấy lại được niềm tin nơi người hâm mộ - điều cực kỳ quan trọng mà rất nhiều HLV tiền nhiệm muốn làm nhưng thất bại.
HLV Miura đã và đang khơi dậy niềm tin nơi người hâm mộ - điều rất cần thiết với bóng đá Việt Nam lúc này.
Quay trở lại thông tin mà ông Lê Thụy Hải cung cấp, HLV Miura chỉ là HLV làng nhàng ở Nhật Bản và các CLB ông này dẫn dắt thành tích không có gì cả.
Nhật Bản là nền bóng đá số 1 châu Á, tuyển nữ là ĐKVĐ thế giới nên tất nhiên, năng lực cầm quân của các HLV nước này phải đạt đẳng cấp châu lục và thế giới mới được thuê, và những người nhỉnh hơn phần còn lại mới có thành tích.
Còn trình độ bóng đá Việt Nam thì sao? Trình độ các HLV ở V-League đã đạt tầm khu vực chưa (chứ chưa so sánh với Nhật Bản). Một ví dụ, ĐTQG Việt Nam - đại diện cho năng lực của một nền bóng đá, thường xuyên đá giao hữu với đội Sinh viên Hàn Quốc - nền bóng đá xếp sau Nhật Bản, và rất ít khi thắng được. Đó mới là đội sinh viên, còn nếu đá với U23, với ĐTQG nước này chắc chắn là khoảng lớn về đẳng cấp. Nói thế để thấy, trình độ của bóng đá Nhật Bản và bóng đá Việt Nam cách xa nhau thế nào.
Ở Nhật Bản, ông Miura là HLV xoàng và không thể hiện được gì nổi bật so với các đồng nghiệp đẳng cấp cao hơn. Điều này đúng. Sang Việt Nam, ông thầy sinh 1963 đã giúp các ĐTQG tiến bộ thấy rõ. Đó cũng là sự thật hiển nhiên.
Trong lịch sử hơn 10 lần tuyển thầy ngoại, VFF đã nhận vô số bản lý lịch hoành tráng của các HLV đến từ khắp 5 châu và thực tế đã chọn vài người trong số họ. Mới nhất là HLV Falko Goetz, cựu tuyển thủ quốc gia Đức, từng huấn luyện CLB Hertha Berlin ở giải VĐQG nước này. Thế nhưng khi dẫn ĐTQG của một nền bóng đá vùng trũng như Việt Nam, cũng không giúp khởi sắc hơn. HLV Falko Goetz là điển hình cho những HLV có bản lý lịch đẹp đòi lương khủng nhưng làm việc không hiệu quả ở ĐTQG Việt Nam.
Vấn đề đặt ra: Bóng đá Việt Nam hiện tại cần HLV có bản lý lịch màu mè hay cần HLV làm việc hiệu quả như Miura?
Có thể, sau những viên gạch móng đầu tiên, đến giai đoạn nào đó, trình độ của HLV Miura không còn đủ để giúp bóng đá Việt Nam vươn tầm cao mới thì lúc đó, tự khắc ông Miura sẽ bị đào thải. Nhưng đó là tương lai, còn hiện tại, HLV Miura vẫn cho thấy mình là người phù hợp.
Và nếu đã chọn được người phù hợp thì nên tin tưởng và cho họ thời gian, thay vì chê bai và đi mơ tưởng về những ông thầy tầm cỡ thế giới, giỏi "đốt" ngoại tệ nhưng lại chẳng giúp bóng đá Việt Nam tiến bộ.
(Theo ANTĐ)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.