Những ngày cận Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, trên nhiều tuyến phố ở Hà Nội như Đại lộ Thăng Long, Lê Đức Thọ, Hoàng Quốc Việt, Lạc Long Quân… đào, quất được bày bán la liệt. Cùng với đó, người bán vẫn hằng đêm phải thức để trông và bán cây cho khách. Họ phải dựng lều, đốt lửa sưởi ấm chống chọi lại giá rét ở Hà Nội.
12 giờ đêm 6.2 (tức 28 Tết), anh Triệu Tiến Hội (26 tuổi, quê Lạng Giang, Bắc Giang) vẫn ngồi đốt lửa sưởi ấm trên đường Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội) để trông đào.
Anh Hội cho biết, gần Tết anh xuống Hà Nội để bán đào và trông coi hộ một gia đình bà con ở Nhật Tân. Do thời tiết về đêm lạnh nên anh thường xuyên phải đốt lửa để sưởi ấm.
“Hai chú cháu tôi mang hơn 200 cành đào từ trong vườn ở Nhật Tân ra vỉa hè này bán cũng được 4 ngày rồi. Hàng bán chậm nên số lượng vẫn còn nhiều. Buổi tối, 2 chú cháu thay phiên nhau ngủ để trông đào”, anh Hội chia sẻ.
Anh Triệu Tiến Hội (26 tuổi, quê Lạng Giang, Bắc Giang) vẫn ngồi đốt lửa sưởi ấm trên đường Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội) để trông đào.
Tại đường Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy, Hà Nội), anh Nguyễn Văn Tấn ở Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội) phải thiết kế một chiếc lều nhỏ để có chỗ nghỉ lấy sức bán hàng và chống chọi với cái rét về đêm ở Hà Nội.
“Mấy hôm trời rét, sợ sương xuống hại người nên tôi mua bạt ra đây dựng lều lấy chỗ chui ra chui vào tránh rét. Hai vợ chồng thay nhau ngủ và bán hàng. Ngủ ở đường nên cũng ngủ tranh thủ thôi chứ không bằng ở nhà được. Chợp mắt được một lúc lại tỉnh giấc trông cây vì sợ kẻ gian lấy trộm hoặc đập phá”, anh Tấn tâm sự.
Anh Tấn cho biết thêm, năm trước, buổi đêm anh ngủ thì bị trộm lấy mất mấy cây quất. Còn năm trước nữa, anh bị mấy thanh niên đi qua đường đập phá, vặt quả làm hỏng mất mấy cây bưởi và cây quýt cảnh.
“Cây quất thì không đáng ngại nhưng bưởi cảnh hay cam, quýt cảnh mà bị vặt mất một vài quả thì coi như không còn giá trị. Mà có chậu giá trị lên đến vài chục triệu đồng nên không trông coi cẩn thận là mất Tết như chơi”, anh Tấn chia sẻ.
Hơn 2 giờ sáng 7.2, tại ngã ba đại lộ Thăng Long giao với đường Lê Quang Đạo (Nam Từ Liêm, Hà Nội), chị Nguyễn Thị Huyền (Song Phương, Hoài Đức) cùng 2 người em ngồi ăn trứng luộc ở vỉa hè để trông coi đào quất.
“Nhà xa, hàng quán ăn uống thì đóng cửa hết rồi nên mấy chị em phải mang mì tôm, trứng luộc nên đây ăn qua bữa”, chị Huyền nói.
Chị Huyền cho biết thêm, năm nay, 3 chị em chị mang hơn 2.000 gốc đào, quất, quýt, bưởi lên Hà Nội bán. Tuy nhiên, lượng hàng tiêu thụ chậm nên hơn nửa số cây vẫn tồn.
“Dù đã giảm giá bán xuống gần nửa so với hôm trước nhưng khách hàng vẫn không mấy mặn mà. Mấy hôm nay, 3 chị em tôi cứ phải thay phiên nhau thức để chào hàng. Tối thì chị em thay phiên nhau 2 người ngủ, 1 người thức để trông cây”, chị Huyền chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Huyền ở Song Phương (Hoài Đức, Hà Nội) cùng 2 người em ngồi ăn trứng luộc ở vỉa hè để trông coi đào quất.
Chị đã dựng một túp lều để mấy anh chị em tranh thủ ngủ lấy sức trông và bán hàng.
Đang ngồi hút điếu thuốc lào trước cửa lều ở chợ hoa xuân quận Nam Từ Liêm (trước cửa sân vận động Mỹ Đình), anh Nguyễn Văn Hùng (32 tuổi, Song Phương, Hoài Đức) cho biết, anh mang hơn 300 cây quất và 100 cây cam cảnh vào chợ hoa xuân đã 3 ngày. Số lượng bán ra đến nay mới được gần 100 cây quất và hơn 30 chậu cam.
“Do chợ hoa xuân này mới mở nên khách hàng chưa quen. Nơi đây, ngày Tết cũng ít người qua lại nên số lượng bán ra rất chậm. Hai vợ chồng tôi phải gửi con nhỏ ở nhà cho ông bà để thay phiên nhau bán và trông cây ở trên này. Sáng mai, đắt rẻ gì thì tôi cũng cố bán hết để về ăn Tết với gia đình”, anh Hùng cho hay.
Căn lều của hai vợ chồng anh Nguyễn Văn Hùng (32 tuổi, Song Phương, Hoài Đức) thay nhau ngủ trông quất và bán hàng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.