Gần đây, dư luận đang xôn xao trước thông tin một số ruộng rau muống ở TP.HCM được tưới bằng dầu nhớt thải. Theo người dân trồng rau, việc tưới dầu nhớt thải nhằm mục đích diệt rầy mật phá hoại rau muống.
Một số chuyên gia cho rằng, việc dùng dầu nhớt thải tưới rau muống sẽ rất nguy hiểm cho sức khỏe con người. Bởi, chúng có chứa nhiều hàm lượng chì, kẽm và các kim loại nặng. Khi ăn rau muống này, các chất độc hại sẽ tích tụ trong người lâu ngày sinh ra bệnh tật, đặc biệt là bệnh ung thư.
Ở Hà Nội, theo khảo sát của phóng viên, chưa thấy tình trạng người dân dùng dầu nhớt thải tưới cho rau muống. Tuy nhiên, rau muống trồng tại các nghĩa địa lại rất phổ biến khiến nhiều người chứng kiến cảm thấy rùng mình.
Nghĩa địa nằm trên phường Cổ Nhuế (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) từ lâu đã được người dân tận dụng trồng rau muống. Tại đây, rau được trồng cạnh những ngôi mộ, khá xanh tốt.
Tại một nghĩa địa thuộc phường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội), cánh đồng rau muống bạt ngàn được trồng tại đây. Người dân vỡ đất, trồng rau ngay cạnh các ngôi mộ.
Những ruộng rau muống xanh tốt được chia làm nhiều khu. Nhiều ruộng xen kẽ cùng những ngôi mộ của người đã khuất. Những bờ bao đi lại được người dân phủ lên những tấm chăn, màn... của người chết sau khi chôn cất. Nước trong các ruộng rau có màu đen ngòm và nổi nhiều váng mỡ.
Bà Nguyễn Thị Thảo (phường Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) – một người trồng rau muống cho biết: “Từ đời cha ông chúng tôi đã trồng rau muống ở đây. Nhà nào có ít đất thì trồng để ăn, nhiều thì trồng bán buôn, bán lẻ tại các chợ trong khu vực. Chúng tôi chưa thấy ai phản hồi là ăn rau muống trồng gần nghĩa địa bị ngộ độc hay bị bệnh tật gì”.
Hằng ngày, người dân thường xuyên chăm bón, cắt tỉa để nhanh chóng được thu hoạch rau.
Trao đổi với PV, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho biết, xét về mặt khoa học, cây cối chỉ hấp thụ được các nguyên tố vô cơ. Những thành phần phân hủy của người chết là nguyên tố hữu cơ nên cây sẽ không thể hấp thụ được. Vì vậy, rau muống trồng quanh nghĩa địa, người dân có thể ăn bình thường. Chỉ có nguồn nước ở khu vực này thường có mỡ, nếu sử dụng để ăn uống hay sinh hoạt mới đáng lo ngại.
Tuy nhiên, GS Nguyễn Lân Dũng cũng khuyến cáo người dân không nên trồng rau tại những khu vực nghĩa địa vì nó tạo cảm giác ghê sợ cho người tiêu dùng và mất đi tính linh thiêng.
Một số hình ảnh phóng viên ghi nhận tại cánh đồng rau muống phường Cổ Nhuế (Bắc Từ Liêm, Hà Nội):
Những ngôi mộ được bao bọc bởi những ruộng rau muống xanh mơn mởn.
Nhiều người sẽ cảm thấy rùng mình khi biết rau muống trong các bữa ăn hàng ngày được trồng ngay gần mộ của người đã khuất.
Do nằm gần nghĩa địa nên nước tại các ruộng rau muống mang một màu đen ngòm và có nổi nhiều váng mỡ.
Những tấm chăn, màn... của người đã khuất sau khi được chôn cất xong được vứt la liệt bên vệ đường, cạnh các ruộng rau muống.
Người dân tận dụng chăn, màn... trải ra bờ ruộng để thuận tiện trong việc đi lại.
Những ruộng rau muống trồng gần các ngôi mộ xanh mơn mởn.
Thông thường, người dân sẽ không hái mà dùng liềm cắt rau muống.
Sau khi cắt xong, họ sẽ bón phân, phun thuốc trừ sâu... để nhanh chóng được thu hoạch vụ mới.
Vào các buổi sáng sớm, người dân thường ra ruộng hái rau để bán chợ sớm.
Những dụng cụ hái rau vẫn được để tại ruộng để ngày hôm sau hái tiếp.
Người dân ở đây vẫn hái rau từ những ruộng rau gần nghĩa địa này về nấu ăn.
Nhiều người bán cho các lái buôn rau để mang đi bán tại các chợ trong khu vực nội thành.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.