Cụ thể, Chỉ thị nêu rõ, tổng lượng mưa từ nay đến cuối năm 2019 của khu vực Nam Trung Bộ và Nam Bộ thấp hơn trung bình nhiều năm từ 10 - 30%; dòng chảy trên các sông suối từ tháng 11/2019 đến tháng 4/2020 các khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 20 - 50%.
Đến cuối mùa mưa, các hồ chứa thủy lợi khả năng sẽ không tích được đầy nước, phổ biến thiếu hụt từ 10-20% so với dung tích thiết kế. Các hồ chứa thủy điện cũng ở mức thấp hơn dung tích thiết kế phổ biến từ 20-40%; trong đó, các hồ chứa thủy điện cung cấp nguồn nước phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân cho khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ thiếu hụt khoảng 40-50% dung tích thiết kế.
Do thiếu nước tưới, nhiều diện tích lúa hè thu của huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế) mất trắng.
Với thực trạng nguồn nước hiện tại và thông tin nhận định khí tượng, thủy văn, Bộ NNPTNT dự báo khả năng sẽ xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2019-2020 ở nhiều vùng trên cả nước; đặc biệt, xâm nhập mặn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ ở mức sớm và nặng hơn so với trung bình nhiều năm.
Để bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh, trong Chỉ thị 8008, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch tổng thể phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020; trong đó, cần xác định khả năng bị ảnh hưởng đến từng vùng, từng khu vực để có giải pháp cụ thể
Các tỉnh thường xuyên kiểm kê nguồn nước trong công trình thủy lợi, thực hiện tiết kiệm nước ngay từ đầu mùa khô, có kế hoạch phân phối nước hợp lý từ đầu vụ sản xuất và điều chỉnh hợp lý khi nguồn nước bị thiếu hụt để bảo đảm cung cấp đầy đủ cho các nhu cầu thiết yếu và sản xuất nông nghiệp cho cả mùa khô năm 2019 - 2020.
Các địa phương bố trí cơ cấu sản xuất phù hợp với khả năng nguồn nước, tránh gieo trồng ở vùng không bảo đảm chủ động về nguồn nước trong cả vụ sản xuất; khuyến khích chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng từ lúa sang canh tác nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thị trường; bố trí vùng sản xuất cây trồng có cùng khả năng chịu mặn và nhu cầu dùng nước để thuận tiện cho việc điều tiết nước.
Ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp các hệ thống thủy lợi, công trình cấp nước tập trung, đặc biệt là công trình cấp nước, ngăn mặn; tăng cường nạo vét các cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, đắp đập ngăn mặn, trữ ngọt; thực hiện các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nước tối thiểu vào các thời kỳ nhạy cảm về nước của cây trồng, đặc biệt với cây ăn quả, cây trồng có giá trị kinh tế cao.
Hồ Hòa Mỹ, xã Phong Mỹ (Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) cạn trơ đáy.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT cũng yêu cầu Tổng cục Thuỷ lợi theo dõi chặt chẽ diễn biến khí tượng, thủy văn, nguồn nước, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, kịp thời cảnh báo cho các địa phương và cơ quan liên quan; hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
Tổng cục Thủy lợi rà soát, đánh giá năng lực, hiệu quả của các công trình thủy lợi do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, công trình quan trọng đặc biệt, công trình liên tỉnh và một số công trình lớn; lập bản đồ cảnh báo hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn để phục vụ xây dựng kế hoạch cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh, hạn chế thiệt hại do hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn gây ra.
Các đơn vị rà soát, đánh giá thực trạng, năng lực công trình cấp nước sạch nông thôn, đề xuất các giải pháp duy trì, nâng cao hiệu quả hoạt động công trình, bảo đảm cấp nước cho người dân, nhất là tại các khu vực thường xuyên xảy ra thiếu nước sinh hoạt ở Trung, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, vùng núi, hải đảo.
Tổng cục Thủy lợi chủ trì, phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các cơ quan và địa phương liên quan tổ chức điều hành việc điều tiết nước các hồ chứa thủy điện Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà và Tuyên Quang phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân ở khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ và các hồ chứa thủy điện ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam bộ khi xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
Với Cục Trồng trọt, Bộ trưởng chỉ đạo xuống giống sớm lúa Đông Xuân ở các địa phương khả năng bị ảnh hưởng xâm nhập mặn ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long; khuyến cáo ưu tiên sử dụng các giống chất lượng cao, ngắn ngày, nhóm giống chịu hạn, mặn để thuận tiện cho việc cung cấp nước tưới, bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; bố trí thời vụ và diện tích xuống giống phù hợp với điều kiện nguồn nước, tránh xuống giống vượt quá khả năng cung cấp nước tưới.
Thực tế, hiện nay, ở rất nhiều hồ thủy điện, lượng nước về ở mức rất thấp so với trung bình nhiều năm. Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trên lưu vực sông Đà, lượng nước về các hồ chứa lớn ở phía Bắc (Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình) và nhiều hồ thủy điện tại khu vực Nam Trung Bộ ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Tính đến đầu tháng 10/2019, mức nước của 26/37 hồ chứa thủy điện của EVN ở mức thấp hơn cùng kỳ năm 2018. Tổng dung tích hữu ích hiện có ở các hồ chứa thủy điện khoảng 19,67 tỷ m3, thấp hơn cùng kỳ năm 2018 khoảng 7,67 tỷ m3 (tương đương gần 2 tỷ kWh điện).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.