Hở hang... gợi cảm hay phản cảm?

Thứ tư, ngày 18/06/2014 10:10 AM (GMT+7)
Những cái gì gợi cảm, đẹp sẽ tồn tại mãi với nhân loại. Hở hang, hay khỏa thân phải hợp lý, hài hòa do yêu cầu nghệ thuật.
Bình luận 0

Giờ đây, làng giải trí Việt có thêm nhiều biệt danh gắn liền với những cái tên hotgirl, hotwoman: M.H hở đùi dài, E.Tr ngực khủng, N.T.V lộ rốn…

Người xem nhớ cô X là ngực khổng lồ, nhớ cô Y là chân dài, nhớ cô Z hở đùi, nhớ cô H là lưng trần... chứ ít người còn nhớ đến khả năng diễn xuất, hay chất lượng giọng ca của họ. Bởi như một tác giả đã rút tít bài báo “Khi tuyệt vọng tài năng, ắt sẽ lố lăng thể xác”.

“Người ta là hoa đất” (có nơi nói: Người ta là hoa đách), câu tục ngữ này tồn tại hàng trăm năm trong dân gian mà đến nay vẫn giữ nguyên giá trị. Tục ngữ mang tính so sánh và ẩn dụ. Hoa đất chính là cái đẹp tinh túy từ tích tụ của khí trời, mạch sống của đất. Người ta chính là con người.

Con người là sinh vật hoàn chỉnh, tuyệt hảo nhất, có hình dáng đứng thẳng, có trí tuệ và ngôn ngữ là chúa tể của muôn loài, là tinh túy của trời đất. Mọi tinh hoa của vũ trụ đều kết tinh vào con người và con người là biểu hiện sức sống, của trời đất, lại làm cho trời đất rạng ngời, mỹ lệ. “Người ta là hoa đất”, là cái đẹp hoàn hảo của vũ trụ, không chỉ ngợi ca mà còn khẳng định giá trị của con người.

Tiếc thay, trong thời đại ngày nay tiến tới văn minh, con người lại không biết tự mình làm cho “hoa đất” đẹp thêm, mà còn làm xấu đi hình ảnh cái đẹp hoàn hảo của tạo hóa. Vô tình lộ hàng, thực ra họ đang làm xấu hình ảnh của mình mà không hề biết; nhưng cũng có người biết mà cố tình hở hang vì mưu sinh tiền bạc, cố tình lộ hàng để nổi tiếng bằng mọi giá.

Từ xưa, khỏa thân, “lộ hàng” trong nghệ thuật hay ngoài đời sống không hẳn đã là điều cấm kị, hoặc không được xã hội chấp nhận. Dư luận xã hội chỉ quay lưng, phản đối với cái sự khỏa thân toàn bộ hay khỏa thân một phần mang tính phản cảm.

Thời phong kiến “nam nữ thu thụ bất thân”, “kín cổ cao giềm” nghiệt ngã mà sao ông cha ta vẫn chấp nhận một cách tự nhiên, gần gũi cái yếm thắm e ấp, dụt dè, kín hở, hững hờ che đôi gò bồng đảo, cố để vai lưng trần, eo thắt…, bởi vì “hoa đất” đạt đến độ gợi cảm, vẫn giữ được vẻ đẹp đầy sức sống.

Tranh tượng khỏa thân thời kỳ Phục hưng châu Âu chỉ để một tấm khăn lụa, hoặc một cái lá nho, hoặc một bàn tay che chỗ kín người con gái, thậm chí có bức họa, hình khối điêu khắc còn rõ chi tiết bộ phận sinh dục đàn ông, nhưng các kiệt tác ấy vẫn tồn tại cho đến ngày ngay và đắt giá nhiều triệu đô la. Bởi, cái sự “hở hang” ấy của “hoa đất” đã đạt đến nghệ thuật sâu sắc; nên những bậc thầy hội họa Phục hưng về tranh tượng khỏa thân như: Botticellivới kiệt tác “Ngày sinh của Thần vệ nữ”, Raphael với “Ba nữ thần duyên dáng”, Masaccio với “Adam và Eve bị đuổi khỏi địa đàng”, hay Michelangelo với “Tượng Đavit” bằng đá cẩm thạch… chưa bao giờ bị người đời nguyền rủa là dung tục mà vẫn cứ còn sống mãi với thời gian với tư cách là nghệ thuật vĩnh cửu.

Những cái gì gợi cảm, đẹp sẽ tồn tại mãi với nhân loại. Hở hang, hay khỏa thân phải hợp lý, hài hòa do yêu cầu nghệ thuật.

img

Những cuộc thi hoa hậu quốc gia hay thi hoa hậu quốc tế bao giờ cũng có màn trình diễn áo tắm. Thí sinh vận bikini hai mảnh rõ ràng là lưng trần, hở eo thắt, phô chân dài thẳng thớm, phô bộ ngực vun đầy…, không ai kêu la, ỉ eo, phản đối.

Bởi đó là cuộc thi sắc đẹp hình thể và tâm hồn trí tuệ. Ngoài cái sự “cân, đong, đo, đếm, soi, nhìn” trên từng “mi li mét” da thịt mỹ nữ của các nhà nhân trắc học trong phòng kín, thì rất cần để người xem chiêm ngưỡng sức sống thanh xuân ngời ngời của người đẹp.

Khi ấy, quyến rũ là cái eo thắt tạo đường cong xao xuyến, hấp dẫn là độ căng mẩy của đôi gò bồng đảo, ma mị là cái mông chắc gợi cảm…, đã là cái đẹp của tạo hóa trong một không gian nghệ thuật được phối cảnh có chủ định cho mọi khán giả chiêm ngưỡng “Rõ ràng trong ngọc trắng ngà/ Rày rày dúc sẵn một tòa thiên nhiên” và họ cũng cùng tham gia chấm cái đẹp.

Điều đó, hoàn toàn khác với sự hở hang phản cảm của giới giải trí Việt dù là vô tình hay cố ý trong ánh đèn màu đêm biểu diễn.

Sự cố xảy ra trước mắt bao nhiêu khán giả. Những hình ảnh phản cảm ấy lại được các phóng viên chộp lấy đưa lên báo, lên internet, các blogger hoặc người xem tiếp tục download nhân ra theo cấp số nhân nhan nhản trên mạng. Vô tình cái phản cảm được truyền thông một cách không ý thức.

Dân gian đã đúc kết như một điều khuyên bảo: “Ăn có nơi, chơi có chốn” là vậy. Cũng một hiện tượng khỏa thân ở chỗ này là cái đẹp, là hợp lý, chấp nhận được; chỗ khác thì trở thành cái thô thiển, lố bịch. Cũng một hình ảnh “lộ hàng” ở nơi kia thì dễ thông cảm, chia sẻ, nhưng nơi này thì bị la ó, phản đối.

Nghệ sĩ là người của công chúng, mọi hình ảnh, hành động, thậm chí cả đời tư của họ hầu như bị xã hội kiểm soát. Vì vậy, sử dụng hình ảnh trong mắt công chúng nhiều khi như con dao hai lưỡi, mà người lên sân khấu không hề biết.

Người làm nghệ thuật trung bình, hoặc “tài năng tuyệt vọng”, hay một thời oanh liệt giờ “hết duyên” sân khấu mới hay giở lắm chiêu trò, dùng da thịt, thân thể, hành động thay cho diễn xuất, thay cho giọng hát, mà hở hang, lộ hàng cũng là một mánh để khiến người đời không lãng quên mình.

Kiểm soát và điều chỉnh hành vi hở hang trong giới giải trí Việt vẫn là vấn đề nan giải, phức tạp, dường như là bất lực. Cái kiểu: “Tôi hở hang, chị (em) hở hang, cả làng hở hang… hở mãi rồi cũng đến hòa cả làng” vẫn cứ tiếp diễn. Ôi buồn nản thay!
(Theo Thế giới Điện ảnh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem