Dù báo cáo tài chính quý 3.2017 của các ngân hàng chưa chính thức được công bố song đến thời điểm hiện tại, kết quả kinh doanh 3 quý đã được nhiều ngân hàng “bật mí” với mức tăng trưởng trung bình khoảng 40% - 60%, thậm chí có ngân hàng lên tới gần 80% so với cùng kỳ năm trước.
Cổ phiếu "vua" đang mang lại trái ngọt cho nhiều nhà đầu tư (Ảnh: IT)
Hồ hởi báo lãi nghìn tỷ
Mới đây nhất, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - mã VPB) đã công bố kết quả kinh doanh quý 3 năm 2017 với mức tăng trưởng ấn tượng. Cụ thể, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của VPBank tính tới ngày 30 tháng 9 năm 2017 đạt 5.635 tỷ đồng, tăng 79% so với cùng kỳ năm trước và đạt 78% kế hoạch đề ra trong cả năm.
Theo lãnh đạo VPBank, lợi nhuận mà ngân hàng này đạt được chủ yếu đến từ việc tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng đã tăng 48% so với cùng kỳ năm trước, đạt 17.574 tỷ đồng. Thu nhập lãi thuần trong 9 tháng đầu năm tăng 41%, đạt 14.944 tỷ đồng. Nguồn thu từ phí dịch vụ cũng là một điểm sáng khi tăng tới 84%, đạt 1.035 tỷ đồng.
Đặc biệt, nguồn thu từ các khoản nợ đã xử lý rủi ro tại VPBank đạt 735 tỷ đồng, tăng 62% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, tốc độ tăng của chi phí hoạt động (33%) thấp hơn rất nhiều so với mức tăng của tổng thu nhập hoạt động. Tỷ lệ chi phí trên thu nhập cũng giảm từ mức 39% cuối năm 2016 xuống còn 36% vào thời điểm cuối tháng 9 năm 2017. Tỷ lệ nợ xấu của riêng ngân hàng ở mức 2,60%.
Cũng gây chú ý với kết quả kinh doanh tăng trưởng vượt bậc là Ngân hàng Bưu Điện Liên Việt (LienVietPostBank, mã LPB). Theo báo cáo từ ngân hàng này, lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm đạt 1.450 tỷ đồng, gần chạm mục tiêu 1.500 tỷ đồng của cả năm. Hoặc, Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) cũng cho hay, lợi nhuận lũy kế tính đến hết quý 3.2017 của TPBank đã đạt 807 tỷ đồng, vượt mục tiêu lợi nhuận đặt ra cho cả năm nay là 780 tỷ đồng.
Trong khi đó, tại Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, mã STB), ước tính lợi nhuận trước thuế 9 tháng của ngân hàng này đạt 900 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất 1.100 tỷ đồng, cao gấp đôi so với năm ngoái và vượt xa chỉ tiêu của cả năm (585 tỷ đồng). Đây cũng là ngân hàng đình đám trong vòng vài tuần trở lại đây khi HĐQT nhà băng này đang có kế hoạch đổi mã chứng khoán từ STB sang SCM và chuyển sàn giao dịch từ HoSE sang HNX.
Một loạt các ngân hàng khác thì chưa công bố con số cụ thể về tăng trưởng lợi nhuận trong 9 tháng đầu năm 2017 nhưng theo ước tính của các công ty chứng khoán thì sự tăng trưởng này rất khả quan. Chẳng hạn, Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) dự báo lợi nhuận của Vietcombank (mã VCB) 9 tháng ước đạt 7.500 tỷ đồng, tăng khoảng 18-19% so với cùng kỳ năm ngoái. Tương tự, SSI cũng dự báo Ngân hàng BIDV (mã BID) tăng trưởng lợi nhuận khoảng 4% do phải đẩy mạnh trích lập dự phòng rủi ro, song con số đạt được vẫn lên tới khoảng 6.000 tỷ đồng.
Một số ngân hàng khác cũng được SSI dự báo tăng trưởng khả quan, chẳng hạn lợi nhuận trước thuế ước tính của Ngân hàng Á Châu (mã ACB) ước trên 2.000 tỷ đồng, tăng hơn 60% so với cùng kỳ; lợi nhuận của Ngân hàng Quân đội (MBBank, mã MBB) đạt khoảng 3.900 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ; của Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (mã SHB) 9 tháng đầu năm ước đạt 1.246 tỷ đồng.
Cổ phiếu “vua”... dậy sóng
Trong vài phiên liên tiếp gần đây, các mã cổ phiếu vua liên tiếp tăng mạnh cả về giá lẫn thanh khoản. Tại phiên giao dịch ngày hôm qua 17.10, dòng cổ phiếu ngân hàng có tới 5 “đại diện” trong top 10 cổ phiếu dẫn dắt sàn chứng khoán TP.HCM. Trên sàn HNX, hai mã cổ phiếu SHB và ACB cũng không kém cạnh khi thuộc top 3 cổ phiếu dẫn đầu. Kết thúc phiên giao dịch ngày 17.10, trừ cổ phiếu STB của Sacombank và NVB, VIB, còn lại sắc xanh phủ kín dòng cổ phiếu ngân hàng. Trong đó đáng chú ý là VCB tăng tới 4,99% lên 41.000 đồng, trở thành cổ phiếu thứ hai có giá trên mức 40.000 đồng/CP, cùng với VPB.
Bước sang phiên giao dịch sáng nay 18.10, các mã cổ phiếu “vua” gồm ACB, BID, CTG, EIB, SHB, VPB, LPB... tiếp tục là động lực giúp thị trường tăng điểm. Bức tranh sáng màu về lợi nhuận quý 3 và lũy kế 9 tháng đầu năm tiếp tục là động lực để nhóm cổ phiếu ngân hàng bứt phá. Đồng thời, cũng phần nào cho thấy “tiềm năng” của nhóm cổ phiếu vua trong thời gian tới khi có các yếu tố hỗ trợ như: tín dụng đang trên đà tăng trưởng tốt, việc các ngân hàng mạnh tay trích lập dự phòng rủi ro trước đây cũng khiến áp lực trích lập dự phòng những tháng đầu năm nay giảm hẳn, giúp lợi nhuận không bị “ăn mòn”...
Dù vậy, liên quan đến việc đầu tư vào nhóm cổ phiếu vua trong thời gian tới, đại diện Công ty Chứng khoán Rồng Việt cũng nhận định, chính sách nới lỏng tiền tệ theo đuổi tăng trưởng của Chính phủ sẽ cải thiện lợi nhuận của các doanh nghiệp, trong đó có ngân hàng. Đồng thời, Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu đang đi vào cuộc sống. Đặc biệt, nếu thị trường mua bán nợ xấu hoạt động sôi động, ngân hàng bán được tài sản đảm bảo để thu hồi nợ, một lượng lớn nợ xấu sẽ biến thành lợi nhuận cho các ngân hàng.
“Tuy nhiên, chính sách nới lỏng tín dụng có thể gây ra tác dụng phụ là nợ xấu nên nhà đầu tư cũng cần cân nhắc khi quyết định đầu tư mạnh vào nhóm cổ phiếu vua”, đại diện này nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.