"Hồ sơ Panama” biết để làm gì?

Trương Anh Ngọc (từ Rome, Italy) Thứ ba, ngày 19/04/2016 15:22 PM (GMT+7)
Khi những cú sốc từ rò rỉ thông tin đi qua, người ta hiểu rằng, tất cả những điều đó không có gì ngẫu nhiên, mà là một "infowar" (cuộc chiến thông tin).
Bình luận 0

20 năm trước, trong phim "The Net", Angela Bennet (nữ diễn viên Sandra Bullock đóng), một chuyên viên mạng, đã trở thành đối tượng của cuộc truy lùng từ một nhóm sát thủ, do cô vô tình trở thành người nắm giữ một bí mật quan trọng liên quan đến một tập đoàn lớn và cái chết của một nhân vật VIP.

Tên tuổi của cô trong các file hồ sơ trên mạng bị chúng thay đổi để trở thành một tội phạm, và chúng tìm cô để lấy lại bí mật trong chiếc đĩa mềm bị mất. Nhưng nhờ phát hiện được một lỗ hổng phần mềm, Angela đã đưa được chúng ra ánh sáng và chứng minh mình vô tội.

Những gì được mô tả trong "The Net" chỉ là một cảnh báo nho nhỏ, một ví dụ rất giản dị theo cách nghĩ của thời buổi ấy về nguy cơ thông tin nói chung và internet nói riêng bị sử dụng cho mục đích xấu sẽ tác động mạnh lên cuộc sống của chúng ta như thế nào.

img

Cuộc chiến thông tin

Bây giờ, trong hơn 10 năm của thế kỉ 21, những vụ "leak" (rò rỉ thông tin) nổ ra liên tiếp. Khi những cú sốc đi qua, người ta hiểu rằng, tất cả những điều đó không có gì ngẫu nhiên, mà là một "infowar" (cuộc chiến thông tin).

"Hồ sơ Panama", vụ rò rỉ thông tin lớn nhất từ trước tới là một minh chứng cho thấy mức độ tác động của nó lớn đến mức nào, khi nó gây ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều nền chính trị (Thủ tướng Iceland đã từ chức, Thủ tướng Anh đang mất uy tín, hơn 70 nguyên thủ quốc gia cả cựu và đương kim khác có tên). Nó cũng tạo ra một ấn tượng rằng: Thông tin, được cung cấp qua các hacker hoặc nguồn nặc danh, đã trở thành một thứ vũ khí hạng nặng trong những cuộc chiến giữa các quyền lực.

Những gì mà Julian Assange và Edward Snowden đã làm khi công bố hàng loạt tài liệu liên quan đến những hoạt động ngoại giao và tình báo của Mỹ là một cú sốc đối với thế giới. Nhưng trên thực tế, đấy chỉ là sự công khai hóa để làm rõ một vấn đề mà trước nay ai cũng biết: Các đồng minh Phương Tây cũng do thám nhau.

Vụ Vatileaks lại cho thấy một khía cạnh khác của thế giới nhà thờ: Những cuộc đấu đá trong nội bộ Tòa thánh, những khoản chi đáng ngờ, những tài khoản ma mà đằng sau nó có những dấu hiệu rửa tiền. Vụ LuxLeaks năm ngoái, với việc rò rỉ danh sách hơn 130 nghìn khách hàng của ngân hàng HSBC Private Bank ở Geneva, Thụy Sĩ, trên thực tế chỉ là một trong số rất nhiều những vụ tiết lộ thông tin liên quan đến tài chính đang làm rung chuyển thế giới những năm qua, đương nhiên không chỉ nhắm đến việc cảnh báo cho các sở thuế về những người trốn thuế.

Cho đến trước vụ "Hồ sơ Panama", thỉnh thoảng lại xuất hiện những bài báo, những con số, những thông báo về tài sản của các chính trị gia, các nhà độc tài không nằm trong diện "yêu thích" của Phương Tây, với mục đích không gì khác hơn là hạ uy tín của họ.

Herve Falciani, nhân vật chính của scandal LuxLeaks gây chấn động dư luận, phơi bày một số lượng rất lớn các nhân vật nổi tiếng đã trốn thuế, cho rằng, thông tin đã trở thành một thứ quý giá hơn vàng trong thời điểm toàn cầu hóa và ai sở hữu được thông tin, người đó chiến thắng.

Ai quan tâm đến thông tin? Các tập đoàn tư bản công nghiệp, các đối thủ chính trị, các cơ quan tình báo và cả các tổ chức khủng bố quốc tế. Tất cả đều quan tâm đến việc sở hữu thông tin, càng nhiều càng tốt, bởi trong đó ẩn chứa không chỉ cơ hội làm giàu, mà còn cả bí mật an ninh quốc gia và nguy cơ dẫn đến những cuộc "cách mạng".

Ai được lợi?

Ai sẽ được lợi trong việc công bố "Hồ sơ Panama"? Falciani nói thẳng, người được lợi nhất là Mỹ, khi vụ này không chỉ là để nhắm vào những đối thủ của Washington như Putin hay Tập Cận Bình. Trên thực tế, không khó để nhận ra sự liên quan giữa vụ "Hồ sơ Panama" với những tiết lộ của Snowden về hoạt động do thám của Mỹ đối với các đồng minh, vốn đã gây chấn động thế giới phương Tây 3 năm về trước. Bản thân Snowden hiện đang sống ở Moscow, và ngay cả khi anh ta công khai ca ngợi vụ "Hồ sơ Panama" và luôn phủ nhận mọi sự dính líu của mình tới tình báo Nga, thì những người theo thuyết âm mưu vẫn tin rằng, đất nước của anh ta không thể không có liên quan trong vụ "Hồ sơ Panama".

img

Và nữa, theo Falciani, đằng sau câu chuyện này còn là chiến tranh kinh tế. "Panama, cũng như nhiều thiên đường thuế khác, không còn là nơi trú ẩn an toàn cho những ai muốn giấu giếm tài sản của mình", anh nói trên nhật báo Ý La Repubblica.

"Do đó, nhiều người tin rằng, chỗ giấu tiền tốt nhất sắp tới sẽ là Mỹ, tới các bang Delaware, Florida hay Nevada. Sau scandal này, rất nhiều tỉ USD sẽ được bí mật chuyển tới Mỹ, làm giàu cho nước Mỹ". Nước Mỹ, nơi có những tập đoàn công nghệ thông tin lớn nhất thế giới, cũng là nước đi đầu trong việc kiểm soát và xử lí thông tin dưới nhiều dạng thức khác nhau.

Bạn có ngạc nhiên khi tập đoàn được định giá cao nhất trên thị trường chứng khoán New York là Alphabet (tiền thân là Google)! Công việc chính của họ là quản lí thông tin và công nghệ thông tin. Và nữa, khi Apple nhất định không đồng ý mở khóa một chiếc iPhone của một tên khủng bố tự sát cho FBI với lí do cần bảo mật, chẳng ai ở FBI nao núng. Với sự giúp đỡ của hacker, họ đã mở được máy. Một kết luận được rút ra: Thời buổi này, không có gì là không thể, với thông tin trong tay.

Chỉ có điều, biết để làm gì mà thôi!

                                                                        

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem