Thưa GS, liên quan đến việc rà soát công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hiện HĐCDGS ngành Y đã có kết quả cuối cùng như thế nào ạ?
- GS.TSKH Phạm Gia Khánh: Năm nay HĐCDGS ngành Y nhận được tổng cộng 219 hồ sơ ứng viên chức danh GS, PGS. Trong đó, có 27 hồ sợ bị đánh trượt, 192 hồ sơ còn lại đủ tiêu chuẩn, trong đó có 173 PGS và 19 GS. Sau khi rà soát lại theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ GDĐT, Hội đồng ngành Y quyết định giữ 19 hồ sơ trình HĐCDGS nhà nước và Thủ tướng Chính phủ xem xét lại. Trong đó có hồ sơ của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đang được dư luận quan tâm.
GS.TSKH Phạm Gia Khánh - Chủ tịch hội đồng chức danh giáo sư ngành Y
Trước đó, ông có khẳng định là hồ sơ của Bộ trưởng Tiến đầy đủ và đạt yêu cầu, vậy vì sao kết luận cuối cùng lại giữ lại xem xét hồ sơ này?
- Lần đầu, khi có Chỉ thị của Thủ tướng rà soát lại các hồ sơ xem chuẩn không thì Hội đồng ngành y đã tiến hành xem xét các đối tượng thuộc 3 nhóm sau: 1 là các ứng viên có đơn thư khiếu nại, 2 là các ứng viên trong quá trình làm việc tổ thanh tra của Bộ GDĐT thấy hồ sơ chưa chuẩn; 3 là tất cả các ứng viên thuộc diện là cán bộ quản lý như Bộ trưởng, Thứ trưởng, cục trưởng, cục phó… Bộ trưởng Tiến thuộc 2 diện vừa là cán bộ quản lý và vừa có đơn thư khiếu nại nên phải để lại hồ sơ và rà soát kỹ.
Trong quá trình rà soát, chúng tôi thấy 19 ứng viên phải xem xét lại này đều đủ các tiêu chí cả, kể cả những người có đơn thư khiếu nại chúng tôi cũng đã gửi lại các cơ quan quản lý cán bộ để làm rõ, có ý kiến. Vừa rồi, trong cuộc họp cuối cùng của Hội đồng nhà nước thì Hội đồng ngành y vẫn bảo lưu kết quả này. Lý do cũng bởi thời gian rà soát lại ngắn quá lại đúng dịp Tết nên chúng tôi sợ kết quả rà soát vẫn chưa được kỹ nên giữ lại để rà soát tiếp cho cẩn thận để không bỏ sót, nhất là những hồ sơ có đơn thư kiện cáo. Đó là ý kiến của hội đồng trình Thủ tướng và chờ Thủ tướng quyết định.
Đánh giá của ông và hội đồng về hồ sơ ứng viên chức danh GS của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến?
- Hồ sơ của Bộ trưởng Tiến rất đầy đủ những tiêu chuẩn của chức danh GS hiện hành và ở mức độ cao. Tiêu chí về mặt khoa học và đào tạo của chức danh GS hiện hành, Bộ trưởng đều đạt được ở mức cao.
Về tiêu chí giảng dạy Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đào tạo 3 tiến sĩ, 4 thạc sĩ lấy bằng và đang đào tạo 3 nghiên cứu sinh. Vị này cũng tham gia giảng dạy tại ĐH Y dược TP.HCM, kiêm chủ nhiệm 2 bộ môn, giảng dạy tại Viện Dinh dưỡng Quốc gia. Bộ trưởng có 2 cuốn chuyên khảo, 3 giáo trình, 3 sách tham khảo và 2 sách hướng dẫn.
Về nghiên cứu khoa học, bà Tiến chủ trì 2 đề tài cấp Nhà nước, số đề tài cấp bộ đã nghiệm thu là 6, cùng 15 đề tài cấp cơ sở. Bà Nguyễn Thị Kim Tiến có 91 bài báo khoa học, 14 bài đăng trong tạp chí quốc tế ISI, tổng điểm quy đổi cao (34,38). Trong khi đó, chức danh giáo sư chỉ yêu cầu 20 điểm.
Theo ông thì chức danh Bộ trưởng có cần học hàm GS và PGS không? Có nhiều người thắc mắc với cương vị đứng đầu ngành y tế thì Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến có thời gian đâu để nghiên cứu?
- Theo tôi chức danh này không cần phải là GS và PGS, tuy nhiên nếu đạt được thì rất tốt, rất quý và rất đáng hoanh nghênh. Bộ trưởng là người đứng đầu đương nhiên sẽ bận nhiều việc nhưng không phải việc nào Bộ trưởng cũng “xắn tay” vào làm. Bộ trưởng có rất nhiều người hỗ trợ và tham mưu giải quyết công việc nên nếu sắp xếp thời gian được thì vẫn có thể nghiên cứu và giảng dạy.
Dư luận cho rằng tiêu chí xét tuyển ứng viên GS, PGS của nước ta đang khá thấp và quy trình rà soát lại cũng có vấn đề, ông nói gì về điều này?
- Việc thực hiện xét tuyển hồ sơ các ứng viên theo tôi đã làm đúng, vấn đề là ở các tiêu chí. Tại Quyết định 174/2008/QĐ-TTg, Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư cũng đã có những tiêu chí nhất định. Các tiêu chí này đã được Nhà nước và Chính phủ phê duyệt và được đóng góp, xây dựng từ rất nhiều các nhà khoa học, nhà giáo và xã hội và được rút kinh nghiệm của bao nhiêu năm trước đây. Quan trọng là mình thực hiện thế nào cho đúng, không rời xa cái quy định này là được.
Hiện, quy trình và các tiêu chí này cũng đã được xem xét để bổ sung nhằm nâng cao chất lượng GS, PGS và cũng đang chờ quyết định của Thủ tướng Chính phủ để chỉnh sửa mới.
Cảm ơn ông!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.