|
Nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở Đại Lộc (Quảng Nam) nhận quà của nhà hảo tâm trong một chương trình từ thiện. |
Khó xác định nạn nhân
Theo Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, hiện Việt Nam có hơn ba triệu nạn nhân chất độc da cam/dioxin, hầu hết đều đang sống nghèo khổ, chịu đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần. Thế hệ thứ 3 của các nạn nhân chất độc da cam, có người bị ảnh hưởng về sức khoẻ, có người không, nhưng tất cả đều bị tác động rất lớn về tinh thần và phải chèo chống để giúp đỡ gia đình.
Từ năm 2009, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin VN đã có kiến nghị với Bộ LĐ-TB&XH về việc bổ sung chính sách hỗ trợ thế hệ thứ 3 của nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Tuy nhiên, nghị định mới nhất về quy định mức trợ cấp ưu đãi người có công (Nghị định 35/2010) chưa bổ sung đối tượng này. Theo Thượng tướng Rinh: "Việc xác định đối tượng này rất nhiều vấn đề, bởi không phải thế hệ thứ 3 nào cũng có biểu hiện bệnh lý, dù trong gia đình có ông và bố (hoặc mẹ) bị nhiễm chất độc da cam".
Cô bé Nguyễn Thị Nết, học sinh lớp 9A, Trường THCS Cẩm Văn (huyện Cẩm Giàng, Hải Dương) là một ví dụ điển hình. Ông ngoại Nết bị nhiễm chất độc da cam khiến mẹ Nết mắc bệnh thần kinh và chân tay còng queo. Bà ngoại già yếu, mình em phải cáng đáng việc đồng áng, chăm sóc cho cả mẹ và ông. Bản thân em sức khoẻ không tốt, nhưng điều đau đớn nhất là em thường xuyên bị trêu ghẹo là con của người tâm thần. "Nếu nói những cô bé như Nết là nạn nhân thì cũng đúng về thực tế, nhưng để chứng minh là rất khó"- Thượng tướng Rinh nói.
Cần lắm sự hỗ trợ
Ngày 10- 8 được chọn là "Ngày da cam - Orange day", ngày vì nạn nhân chất độc da cam. Đây là lần đầu tiên, Ngày da cam được tổ chức tại Việt Nam với rất nhiều hoạt động. Nhân ngày này, Hội Nạn nhân chất độc da cam phát động cuộc vận động quyên góp 60 tỷ đồng giúp đỡ các nạn nhân. Số tiền trên sẽ xây dựng 55 trung tâm nuôi dưỡng, phục hồi chức năng bán trú cho trẻ em da cam, 550 nhà tình thương, cấp 1.100 suất học bổng và tạo việc làm cho 1.100 nạn nhân chất độc da cam...
Huyện Đại Lộc (Quảng Nam) là một trong bốn huyện của cả nước thực hiện điểm chính sách điều tra và thống kê về nạn nhân chất độc da cam. Hiện nay toàn huyện có hơn 3.000 hộ gia đình có nạn nhân bị ảnh hưởng chất độc da cam, đa phần đều thuộc diện hộ khó khăn. Ông Mai Anh Súy - Phó Chủ tịch UBND kiêm Trưởng ban Tôn giáo huyện Đại Lộc cho biết: "Điều đáng nói ở đây, những nạn nhân bị ảnh hưởng phần lớn là thế hệ trẻ - tương lai của đất nước". Tuy nhiên, những nạn nhân này thường thuộc thế hệ thứ 3. Theo Nghị định 35, các em không thuộc diện được hỗ trợ nên tương lai cũng sẽ rất khó khăn.
Ông Vũ Anh Đào - nạn nhân chất độc da cam ở Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, hiện ông đang được hưởng chế độ 1,27 triệu đồng/tháng, con trai ông không bị bệnh nhưng tới cháu trai lại bị tâm thần nhẹ. Ông bày tỏ: "Tôi không biết cháu tôi bị bệnh do di chứng chất độc hay do nguyên nhân nào. Nếu có cơ chế chứng minh và hỗ trợ cho cháu thì tôi cũng an lòng".
Hiện tại, tỉnh Thái Bình đã ghi nhận thế hệ thứ 4 của nạn nhân nhiễm chất độc da cam bị ảnh hưởng sức khoẻ. Thượng tướng Ring cho biết, nhân Ngày da cam/dioxin Việt Nam 10-8, Hội Nạn nhân chất độc da cam có kế hoạch tới thăm gia đình các nạn nhân để tìm hiểu thực tế và có những đề xuất thêm về việc hỗ trợ cho thế hệ thứ 3, 4.
Được biết, Dự thảo mà Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và Bộ Y tế đang xây dựng đã đưa thêm ba loại bệnh vào danh mục các bệnh liên quan tới chất độc da cam/dioxin, là bệnh suy giảm hệ miễn dịch, bệnh tim mạch và pakison. Nếu được phê duyệt, dự kiến số nạn nhân sẽ tăng lên 20 - 30%.
Trần Sơn
Vui lòng nhập nội dung bình luận.