Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển kinh tế tuần hoàn đang được ủng hộ

Thế ANh Thứ tư, ngày 07/09/2022 16:29 PM (GMT+7)
Ngày (7/9), tại Hội thảo "Chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển kinh tế tuần hoàn" do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức, các chuyên gia đã đưa ra nhiều vấn đề để thảo luận và đề xuất các phương án hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
Bình luận 0

Kinh tế tuần hoàn ngày càng nhận được sự ủng hộ

Chia sẻ về những hoạch định chính sách kích thích phát triển kinh tế tuần hoàn, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Võ Tuấn Nhân cho rằng: "Chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn (KTTH) đang là một xu hướng mạnh mẽ ở nhiều quốc gia trên thế giới như EU, Trung Quốc và cả các quốc gia ASEAN bởi chính những lợi ích về cả kinh tế và môi trường".

Thứ trưởng Nhân đã đưa ra các tính toán: "Ước tính đến nay, có khoảng 30 quốc gia trên thế giới đã và đang xây dựng các lộ trình để phát triển KTTH như Ủy ban Châu Âu và các quốc gia thành viên như Hà Lan, Đức, Pháp, Phần Lan…; Úc, Nhật Bản, Trung Quốc".

Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển kinh tế tuần hoàn đang được ủng hộ - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân. Ảnh: Trọng Hiếu

Theo Thứ trưởng Nhân, năm 2021 Hội Nghị Bộ trưởng ASEAN đã ký thông qua Khung Kế hoạch thực hiện KTTH cho Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Tín hiệu đó cho thấy, KTTH ngày càng nhận được sự ủng hộ trên cả phương diện khoa học, thực tiễn chính sách của các quốc gia trên thế giới.

Ở Việt Nam, KTTH đã sớm nhận được quan tâm của Đảng, Nhà nước với các định hướng, chỉ đạo theo hướng toàn diện, thống nhất trong văn kiện của Đảng hoặc định hướng chiến lược, đề án của Chính phủ, điển hình như: Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm giai đoạn 2021 - 2030 và Kế hoạch 5 năm 2021-2023; được cụ thể hóa trong các nghị quyết chuyên ngành về các vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn; năng lượng bền vững, kinh tế tập thể... Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các nghị quyết, chiến lược về tái cơ cấu nền kinh tế; phát triển của các ngành, lĩnh vực đã đề cập nhiều đến việc áp dụng KTTH.

Thứ trưởng Nhân cho biết, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành đề án phát triển KTTH ở Việt Nam với những quan điểm, định hướng và phân công rõ ràng trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương.

Năm 2021, Quốc hội đã thông qua Luật BVMT dựa trên định hướng chung là thúc đẩy chuyển đổi xanh, thúc đẩy thực hiện kinh tế tuần hoàn tại khoản 11 Điều 5 của Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020, chính sách của Nhà nước về BVMT khẳng định "lồng ghép, thúc đẩy các mô hình KTTH, kinh tế xanh trong xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội".

Tiếp đó, tại Điều 142 của Luật BVMT có quy định riêng về KTTH. Theo đó, "KTTH là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường".

Ngoài khái niệm về KTTH thì luật đưa ra trách nhiệm cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND cấp tỉnh trong việc thực hiện lồng ghép KTTH ngay từ giai đoạn xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển; quản lý, tái chế, tái sử dụng chất thải; cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm thiết lập hệ thống quản lý và thực hiện các biện pháp để giảm khai thác tài nguyên, giảm chất thải, nâng cao mức độ tái sử dụng và tái chế chất thải ngay từ giai đoạn xây dựng dự án, thiết kế sản phẩm, hàng hóa đến giai đoạn sản xuất, phân phối.

Đặc biệt, do KTTH là vấn đề mới, luật đã giao Chính phủ quy định tiêu chí, lộ trình, cơ chế khuyến khích thực hiện KTTH phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước.

Bên cạnh đó, so sánh các quy định hiện hành của Việt Nam trong pháp luật về BVMT với hệ thống các công cụ chính sách được các quốc gia tiêu biểu trên thế giới sử dụng để thúc đẩy thực hiện KTTH cho thấy, nhiều công cụ chính sách khác được quy định trong Luật có vai trò quan trọng để thúc đẩy áp dụng KTTH như nguyên tắc quản lý chất thải, quy định về phân loại chất thải tại nguồn, thuế, phí BVMT, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhãn sinh thái, mua sắm xanh, ưu đãi, hỗ trợ, tín dụng xanh, trái phiếu xanh…

Trên cơ sở luật giao, Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT đã cụ thể hóa tiêu chí, lộ trình và cơ chế khuyến khích áp dụng KTTH.

Theo đó, để phát triển KTTH Nghị định đã đưa ra các biện pháp đầu tư của Nhà nước cho phát triển KTTH như "đầu tư vào nghiên cứu khoa học, phát triển ứng dụng, chuyển giao công nghệ và sản xuất thiết bị, đào tạo nhân lực để thực hiện KTTH; cung cấp nền tảng chia sẻ thông tin, dữ liệu về KTTH".

Các chính sách ưu đãi, hỗ trợ được áp dụng theo quy định về ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của pháp luật về BVMT, pháp luật khác có liên quan.

Theo đó, các tổ chức, cá nhân thực hiện KTTH thuộc các hoạt động đầu tư công trình BVMT; hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ về BVMT thuộc dự án, ngành, nghề ưu đãi đầu tư được quy định trong Nghị định sẽ được hưởng các chính sách tương ứng về đất đai, vốn đấu tư, thuế, phí và lệ phí, trợ giá sản phẩm, dịch vụ, mua sắm công xanh. Cùng với đó, các tổ chức, cá nhân thực hiện KTTH thuộc danh mục dự án xanh được áp dụng chính sách cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh...

Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển kinh tế tuần hoàn đang được ủng hộ - Ảnh 2.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV. Ảnh: T.H

Cũng tại buổi hội thảo nói về nguồn tài chính cho doanh nghiệp phát triển KTTH, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng: "Doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong phát triển của KTTH và là đối tượng thụ hưởng lợi ích thiết thực từ các mô hình kinh tế sáng tạo".

Theo TS. Lực, nguồn tài chính cho doanh nghiệp để phát triển kinh tế tuần hoàn vẫn là thách thức lớn cần sự đồng hành, nỗ lực của Chính phủ, các tổ chức và doanh nghiệp với các giải pháp thiết thực hiệu quả. KTTH mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, nền kinh tế và xã hội.

Về thực trạng huy động nguồn lực tài chính cho KTTH, TS. Lực cho rằng: "Việt Nam đang bắt đầu bước vào kỷ nguyên kinh tế tuần hoàn với Quyết định 687/QĐ-TTg ngày 7/6/2022 về "Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam" là bước ngoặt quan trọng góp phần cụ thể hóa mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính, hướng tới mục tiêu phát thải ròng về "0" vào năm 2050; đẩy mạnh ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH) thúc đẩy xanh hóa các ngành kinh tế.

Để hỗ trợ thúc đẩy kinh tế xanh, KTTH, "các nguồn lực tài chính đã và đang được huy động một cách tích cực, hiệu quả cho các doanh nghiệp và các hoạt động sản xuất, kinh doanh "xanh" (chủ yếu hiện nay vẫn là các nguồn lực cho tài chính "xanh")", TS. Lực cho hay.

Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển kinh tế tuần hoàn đang được ủng hộ - Ảnh 3.

Bà Mạnh Thị Tuyết Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính). Ảnh: Trọng Hiếu

Dưới góc độ pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp phát triển kinh tế tuần hoàn, bà Mạnh Thị Tuyết Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính) cho rằng: "Các tổ chức, cá nhân thực hiện KTTH thuộc các hoạt động đầu tư và các công việc bảo vệ môi trường, hoạt động sản xuất kinh doanh bảo vệ môi trường, thuộc dự án được ưu đãi đầu tư sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi về đất đai, vốn đầu tư cũng như lệ phí, trợ giá".

Theo pháp luật thuế hiện hành, quy định các ngành nghề liên quan đến năng lượng tái táo, năng lượng sạch, năng lượng từ việc tiêu huy chất thải,… được coi là ngành đặc biệt ưu đãi đầu tư, hưởng ưu đãi thuế cao nhất là miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo và hưởng thuế suất 15% trong 15 năm.

Từ ý kiến của các chuyên gia, bà Mai cho hay: "Chúng tôi nắm được cụ thể hơn về KTTH tại Việt Nam để xây dựng chính sách, đặc biệt là chính sách thuế trong phát triển KTTH để đồng bộ các ngành, nghề được ưu đãi đầu tư".

"Để trả lời về chính sách thuế GTGT cụ thể đối với các trường hợp, cần phải có đầy đủ hồ sơ và tình hình trực tiếp của doanh nghiệp để có thể đưa ra đánh giá cụ thể, doanh nghiệp cần gửi hồ sơ trực tiếp cho Tổng cục Thuế...", bà Mai cho biết.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem