Theo quyết định mới được ban hành, ngoài các dự án đầu tư xây dựng kho dự trữ 4 triệu tấn lúa, ngô, kho lạnh bảo quản thủy sản, rau quả và kho tạm trữ cà phê đã được quy định tại Quyết định 63/2010/QĐ-TTg thì các dự án đầu tư chế tạo máy móc, thiết bị nông nghiệp nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch cũng sẽ được áp dụng lãi suất tín dụng đầu tư phát triển.
Quyết định sửa đổi cũng nêu rõ, doanh nghiệp mới thành lập để thực hiện dự án đầu tư xây dựng kho dự trữ 4 triệu tấn lúa, kho lạnh bảo quản rau quả, thủy sản, kho tạm trữ cà phê theo quy hoạch, tại địa bàn có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn được áp dụng mức thuế suất 20% trong 10 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm và giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 4 năm tiếp theo.
Đối với dự án thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn thì được áp dụng mức thuế suất 10% trong 15 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm và giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Quyết định 65 cũng quy định, Bộ NNPTNT có trách nhiệm công bố danh mục máy móc, thiết bị nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch có tỷ lệ giá trị sản xuất trong nước trên 60% và các cơ sở sản xuất các loại máy móc, thiết bị thuộc danh mục nêu trên, làm cơ sở để các ngân hàng thực hiện cho vay.
Về đơn vị thực hiện việc cho vay vốn (có hỗ trợ lãi suất) đối với các khoản vay dài hạn, trung hạn bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân để mua máy móc, thiết bị sản xuất trong nước nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, thay vì chỉ có Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam thực hiện việc cho vay thì theo Quyết định 65, các ngân hàng thương mại nhà nước thực hiện việc cho vay theo quy định.
Hà Khang
Vui lòng nhập nội dung bình luận.