Hỗ trợ làng nghề ở nông thôn TP.HCM vực dậy sau dịch Covid-19

Huyền Lan Thứ sáu, ngày 19/08/2022 09:37 AM (GMT+7)
TP.HCM đang nỗ lực vực dậy các làng nghề, ngành nghề nông thôn sau dịch Covid-19, nhằm bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống vùng nông thôn, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập người dân.
Bình luận 0

Vừa qua, TP.HCM đã ban hành Kế hoạch 1784 nhằm hỗ trợ phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022-2025. Trong đó, có tập trung bảo tồn và phát triển 6 làng nghề và 6 ngành nghề truyền thống.

Hỗ trợ làng nghề ở nông thôn TP.HCM vực dậy sau dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Sản xuất bánh tráng ở làng bánh tráng Phú Hòa Đông (Củ Chi, TP.HCM) là một trong những hoạt động đưa vào phát triển du lịch làng nghề. Ảnh: Trần Đáng

TP.HCM đã đặt ra nhiều nhiệm vụ để bảo tồn, phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn, như: Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, mặt bằng sản xuất; hỗ trợ vốn, tín dụng; hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể; hỗ trợ chuyển giao ứng dụng KHCN sản xuất; hỗ trợ đào tạo nhân lực; hỗ trợ tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm; hỗ trợ bảo vệ môi trường; hỗ trợ sản xuất gắn với hoạt động du lịch; hỗ trợ xúc tiến thương mại và hỗ trợ về khuyến công.

Trước đó, để khuyến khích người dân đầu tư phát triển sản phẩm thuộc làng nghề truyền thống trên địa bàn, đặc biệt gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm, thành phố đã triển khai Quyết định số 385. 

TP.HCM cũng đã ban hành và triển khai chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp (còn gọi là chính sách hỗ trợ lãi vay) theo Nghị quyết số 10 của HĐND TP.HCM nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp, hộ dân, hợp tác xã, thành viên hợp tác xã trên địa bàn thành phố khi có nhu cầu vay vốn từ các tổ chức tín dụng để đầu tư phát triển sản phẩm thuộc làng nghề truyền thống.

Cũng nhờ chủ trương bảo tồn làng nghề truyền thống thuộc Đề án bảo tồn và phát triển làng nghề theo Quyết định 3891 của TP.HCM, làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông (xã Phú Hòa Đông, Củ Chi) đã thoát khỏi tình trạng sản xuất lạc hậu, thay vào đó là tạo ra các sản phẩm chất lượng hơn, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông (huyện Củ Chi, TP.HCM) có 7 doanh nghiệp sản xuất bánh tráng xuất khẩu, 59 cơ sở sản xuất bánh tráng máy, 1 HTX làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông, 15 hộ sản xuất thủ công, 6 cơ sở thu mua bánh tráng. Tổng số lao động tham gia sản xuất thường xuyên trên 3.000 lao động, thu nhập bình quân đạt 6 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông có 02 hình thức sản xuất là tráng bánh thủ công (tráng tay) và tráng máy. Tuy nhiên, loại hình tráng tay chỉ còn để phục vụ mục đích du lịch trải nghiệm, trong hai năm 2020 và 2021 ảnh hưởng dịch Covid-19, loại hình du lịch này cũng bị đình trệ. 

Hỗ trợ làng nghề ở nông thôn TP.HCM vực dậy sau dịch Covid-19 - Ảnh 3.

Sản xuất nhang ở làng nhang Lê Minh Xuân (Bình Chánh, TP.HCM)

Để tiếp sức cho làng nghề này, thành phố đã trợ vốn, hỗ trợ xây dựng hệ thống xử lý nước thải, máy dập… cho các hộ của làng nghề phát triển sản xuất. Từ khi chuyển đổi lò thủ công sang tráng máy, HTX làng nghề này nâng công suất lên 350%, đạt khoảng 10 tấn bánh/tháng, đủ cung cấp cho hệ thống siêu thị Co.opmart và xuất khẩu ra nước ngoài. Từ đó, làng nghề đã tạo thu nhập ổn định cho hàng chục lao động thời vụ với mức lương từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng và được công nhận nhãn hiệu độc quyền, bước đầu có thương hiệu riêng.

Tương tự, chị Nguyễn Cát Bụi Thúy - Tổ trưởng Tổ hợp tác làng se nhang Lê Minh Xuân (xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh) cho biết, thời gian qua, chính quyền rất quan tâm đến làng nghề. Nhiều hộ thiếu vốn hay không có vốn được chính quyền hỗ trợ vốn. Ngoài ra, chính quyền còn hỗ trợ máy móc làm nhang cho bà con trong làng nghề để sản xuất, phát triển làng nghề. Nhờ đó, bà con trong làng nghề cũng có "đồng vốn lận lưng" vực dậy sản xuất sau dịch Covid-19.





Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem