Hỗ trợ nhà nông liên kết sản xuất

TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn Thứ tư, ngày 07/10/2015 14:25 PM (GMT+7)
Trong giai đoạn tái cơ cấu nông nghiệp hiện nay, nhất thiết phải xóa mọi rào cản để thu hút các doanh nghiệp (DN) khu vực tư nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, tích cực hỗ trợ để nông dân liên kết hợp tác sản xuất hàng hóa đồng đều trên quy mô rộng, đủ sức cạnh tranh...
Bình luận 0

Doanh nghiệp nông nghiệp chỉ chiếm hơn 1%

Theo kết quả điều tra DN năm 2012 của Tổng cục Thống kê, năm 2012 cả nước có hơn 346.700 DN, trong đó có 3.517 DN nông lâm thủy sản - chỉ chiếm 1,01% tổng số DN cả nước. DN hoạt động trong lĩnh vực nông lâm thủy sản chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ (chiếm khoảng 93%).

Số DN chế biến, nhất là chế biến sâu – chất lượng cao, DN cung ứng dịch vụ, DN khoa học công nghệ trong nông nghiệp rất ít. Hơn nữa, mới có rất ít DN liên kết với các hộ nông dân bao tiêu sản phẩm có gắn với hỗ trợ cung cấp các dịch vụ đầu vào và đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, cùng hưởng thụ kết quả sản xuất kinh doanh và chia sẻ rủi ro.

img

Đóng gói thanh long tại Tổ hợp tác thanh long Lương Hòa Lạc (huyện Chợ Gạo, Tiền Giang).     Ảnh: T.L

Sự phụ thuộc của hệ thống phân phối nông sản vào lực lượng thương lái dẫn tới tình trạng thông tin giữa nông dân, người kinh doanh và người tiêu dùng không được truyền tải chính xác và kịp thời. Tình trạng thiếu thông tin hạn chế cả sản xuất và kinh doanh nông sản.

Nông dân không cải thiện được thu nhập vì sản xuất không được cải thiện, không đáp ứng tốt nhu cầu thị trường nên khó bán hoặc bán với giá thấp. Người tiêu dùng không có cơ hội sử dụng nông sản chất lượng cao phù hợp nhu cầu và DN cũng bị thiệt hại do không kết nối được trực tiếp với nông dân. Tình trạng này diễn ra với hàng loạt các nông, thủy sản như cá tra, gạo, gia cầm, sữa, cà phê…

Nguyên nhân của tình trạng này là do: Trình độ sản xuất hàng hóa của hộ nông dân còn thấp, quy mô canh tác nhỏ - phân tán; hơn nữa còn là hệ quả của một quá trình dài phát triển nền nông nghiệp theo chiều rộng, chế biến thô là chủ yếu, do đó không thúc đẩy mạnh nhu cầu phát triển hệ thống DN nông nghiệp đồng bộ cho phát triển theo chiều sâu.

Thiếu cơ chế chính sách hỗ trợ phù hợp cho hợp tác xã. Điển hình là hợp tác xã khó tiếp cận vốn do chưa đủ điều kiện vay vốn ngân hàng, nhất là vay không phải bảo đảm bằng tài sản, chưa có dự án vay vốn khả thi, hoạt động kém hiệu quả, khả năng tài chính yếu. Thêm vào đó, tinh thần doanh nhân và khả năng quản trị của lãnh đạo hợp tác xã yếu là thách thức cơ bản cho phát triển kinh tế hợp tác trong thời gian tới.

Tóm lại, lao động nông thôn không rút ra khỏi nông nghiệp  một cách chính thức, khiến đất đai tiếp tục manh mún, bị sử dụng lãng phí và không tích tụ được khiến mức độ áp dụng cơ giới hóa, cải tiến công nghệ, thay đổi kỹ năng trình độ quản lý và tự chuyển đổi cơ cấu rất giới hạn. Mức độ phân tán nhỏ lẻ của kinh tế hộ làm tăng chi phí giao dịch với các đơn vị cung cấp dịch vụ như tín dụng, khuyến nông, vật tư đầu vào… Thu nhập thấp nên các hộ không có tích lũy để tái đầu tư sản xuất mở rộng, ruộng đất tiếp tục phân tán, manh mún, khả năng ứng dụng khoa học công nghệ cho sản xuất hàng hóa và liên kết chuỗi giá trị kém.

Nông nghiệp vẫn là lợi thế của Việt Nam

Việt Nam là một quốc gia có lợi thế so sánh về nông nghiệp, có hai đồng bằng lớn ở hai đầu đất nước, rất thuận lợi cho sản xuất lúa nước, có vùng cao nguyên ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ thuận lợi cho sản xuất cây công nghiệp, có dải duyên hải miền trung thuận lợi cho sản xuất thủy sản.

Để thực hiện quá trình chuyển đổi thành công, trở thành một nước công nghiệp phát triển, trong giai đoạn tới, Việt Nam cần tiếp tục phát huy lợi thế về sản xuất nông nghiệp và lao động của mình mạnh hơn nữa. Giai đoạn dân số vàng chỉ còn 20 năm nữa để Việt Nam tận dụng. Năng suất lao động thấp của Việt Nam chỉ có thể được cải thiện nếu như lao động được rút mạnh ra khỏi nông nghiệp. Với xu hướng phát triển công nghệ tiết kiệm lao động, công nghiệp càng ngày càng thâm dụng vốn thì phát triển một nền kinh tế dịch vụ mạnh có thể là lối thoát cho lao động đang tắc lại trong nông nghiệp.

Đến cuối giai đoạn 3- nền kinh tế chuyển đổi và đô thị hóa, lao động nông nghiệp chỉ còn chiếm khoảng 10-15% tổng số lao động. Như vậy ít nhất 2/3 số lao động nông nghiệp hiện nay cần được chuyển sang ngành nghề khác. Tuy nhiên thị trường lao động không phát triển cộng với những rào cản về di cư nông thôn – đô thị khiến cho lao động từ nông nghiệp chuyển sang phi nông nghiệp hầu hết là tham gia thị trường lao động phi chính thức.

Cần phát triển thị trường lao động lành mạnh để tận dụng được lợi thế dân số vàng của Việt Nam thông qua xóa bỏ những rào cản gắn với tiếp cận dịch vụ cho người di cư ở đô thị, đăng ký lao động, bảo hiểm lao động, đảm bảo để người lao động tham gia thuận lợi vào các hoạt động sản xuất, dịch vụ ở các khu vực đô thị và công nghiệp…

Những người ở lại làm nông nghiệp cần được chuyên nghiệp hóa. Chỉ có nông dân có đủ trình độ tay nghề chuyên môn mới được đăng ký chính thức trở thành hội viên Hội Nông dân và được hưởng các quyền lợi nhà nước ưu tiên cho nông dân (như sử dụng đất nông nghiệp, được tích tụ đất phục vụ sản xuất nông nghiệp, được bảo hiểm nông nghiệp, được vay vốn phát triển sản xuất, được trợ cấp sản xuất đối với các hoạt động sản xuất công ích như sản xuất lương thực, trồng rừng bảo vệ môi trường...).

Hỗ trợ nông dân liên kết hợp tác sản xuất hàng hóa đồng đều trên quy mô rộng, đủ sức cạnh tranh và tiếp tục tăng thu nhập từ nông nghiệp trong tương lai thông qua việc tổ chức các hình thức hợp tác sản xuất và liên kết giữa sản xuất với chế biến kinh doanh, tạo điều kiện để nông dân tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, kết nối với thị trường, tiếp cận với dịch vụ hỗ trợ sản xuất, liên tục thay đổi cơ cấu sản phẩm theo nhu cầu của thị trường và từng bước đổi mới công nghệ.

Ưu tiên hỗ trợ xây dựng hệ thống HTX kiểu mới (theo đúng nguyên tắc tự nguyện, tự nuôi, tự quản; cung cấp dịch vụ phục vụ kinh tế hộ). Ban hành chính sách đặc biệt ưu tiên khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác (vay vốn, đào tạo, thuê đất, ưu đãi kinh doanh trong một số lĩnh vực) để đảm bảo tham gia hợp tác xã, hộ nông dân sẽ được hưởng những ưu đãi hơn hẳn…

  Chỉ có nông dân có đủ trình độ tay nghề chuyên môn mới được đăng ký chính thức trở thành hội viên Hội Nông dân và được hưởng các quyền lợi nhà nước ưu tiên cho nông dân (như sử dụng đất nông nghiệp, được tích tụ đất phục vụ sản xuất nông nghiệp, được bảo hiểm nông nghiệp, được vay vốn phát triển sản xuất, được trợ cấp sản xuất...). 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem