Hỗ trợ phát triển làng nghề bánh tráng

Thứ tư, ngày 23/04/2014 10:06 AM (GMT+7)
Làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông (huyện Củ Chi) được xem là một trong những làng nghề nông thôn lâu đời tại thành phố.
Bình luận 0
Những năm qua, làng nghề luôn được các cấp hội cùng các đơn vị chức năng hỗ trợ xây dựng thương hiệu cũng như cơ sở vật chất để tạo điều kiện giữ gìn phát triển làng nghề.

Là một trong những làng nghề nông thôn truyền thống tại TP.HCM, tính đến năm 2013, làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông hiện có khoảng 400 hộ tham gia sản xuất. Về quy mô, hiện nay làng nghề có 358 lò bánh, trong đó có 65 lò sản xuất bằng máy, với tổng sản lượng 8.500 tấn/năm, giải quyết việc làm cho hơn 2.000 lao động tại địa phương.

Sản xuất bánh tráng tại làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông, TP.HCM.
Sản xuất bánh tráng tại làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông, TP.HCM.

Đại diện Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM huyện Củ Chi cho biết, thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng nông nghiệp đô thị, công tác phát triển làng nghề bánh tráng để phục vụ du lịch, tham quan đang được huyện chú trọng thực hiện. Trong đó huyện luôn khuyến khích các làng nghề tự dạy nghề, truyền nghề và tập trung các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đồng thời áp dụng các chính sách ưu đãi về khoa học công nghệ và môi trường làng nghề.

Bên cạnh đó huyện tiếp tục hỗ trợ kết nối thêm các đầu mối kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ, xúc tiến đầu tư và đổi mới, ứng dụng KHKT, công nghệ trong sản xuất. Riêng trong năm 2013, Sở NNPTNT đã phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ líp phơi bánh tráng cho 50 hộ, nâng cấp thiết bị máy tráng bánh cho 3 hộ có máy tráng tại làng nghề.

Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Việt Trường Vinh - Phó Trưởng ban Kinh tế, Hội Nông dân thành phố cho biết, để phát triển làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông, Hội cùng Sở KHCN và các đơn vị đã hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu tập thể Phú Hòa Đông cho HTX làng nghề sản xuất bánh tráng Phú Hòa Đông.

Các đơn vị còn hướng dẫn bà con nông dân áp dụng dây chuyền sản xuất bánh tráng bán tự động và sấy bánh tráng nhằm nâng cao năng suất cũng như đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. “Các đơn vị cũng vận động người dân áp dụng quy trình xử lý chất thải, đảm bảo điều kiện môi trường sản xuất cũng như sinh hoạt của người dân. Đến nay làng nghề hoạt động ngày càng đi vào ổn định, đã xuất hiện các tổ chức, cá nhân điển hình trong phát triển làng nghề” - ông Vinh cho biết.

Với việc hình thành HTX Làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông (năm 2006 – PV), thời gian qua HTX đã trở thành đầu mối thực hiện tốt đầu vào, đầu ra cho sản phẩm bánh tráng của làng nghề.

Ông Lê Thế Khải - Chủ nhiệm HTX Làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông cho hay, nhờ sự quan tâm của hội cũng như các ngành chức năng mà hoạt động của HTX ngày càng ổn định, đặc biệt đầu ra sản phẩm được đảm bảo.

Hiện nay, bánh tráng của HTX Phú Hòa Đông sản xuất đã có mặt ở các siêu thị của thành phố và xuất khẩu sang nhiều nước châu Âu, châu Á. Theo ông Khải cũng chính vì vậy mà bà con trong làng nghề có thu nhập ngày càng ổn định, yên tâm sản xuất, giữ nghề truyền thống.
Nguyễn Hữu (Nguyễn Hữu)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem