Hỗ trợ xây nhà cho gia đình người có công: Lo nợ lãi vì nhà mới

Thanh Xuân Thứ sáu, ngày 29/08/2014 07:44 AM (GMT+7)
Triển khai Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ xây nhà cho gia đình người có công, nhiều gia đình ở Bắc Giang đã vay tiền sửa chữa, xây mới nhà, nhưng hơn 1 năm nay vẫn mòn mỏi ngóng chờ tiền hỗ trợ.
Bình luận 0

Vay lãi ngân hàng để xây nhà

Ông Nguyễn Hữu Hán, 78 tuổi, ở thôn An Lập, xã Ngọc Lý (Tân Yên) cho biết, tháng 7.2013, chi bộ thôn An Lập và UBND xã thông báo có chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho gia đình thuộc diện người có công sửa chữa và xây mới nhà. “Sau khi cán bộ xã tới xác minh, chụp ảnh đã đánh giá nhà của gia đình tôi quá dột nát, phải xây mới và sẽ được hỗ trợ 40 triệu đồng. Tôi đã vay của người thân, vay lãi ngân hàng 60 triệu đồng để xây nhà, nhưng chờ mãi chẳng thấy có tiền hỗ trợ” - ông Hán nói.

“Ông ấy thương binh hạng 2/4, 15 năm nay không làm gì được, còn tôi thì mới đi mổ túi mật về, giờ hàng tháng chỉ trông vào số tiền chế độ thương binh của ông ấy là 2.470.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, từ năm ngoái do xây nhà vay ngân hàng nên mỗi tháng phải trả hơn 500.000 đồng lãi ngân hàng rồi” - bà Chương Thị Luyên, vợ ông Hán cho biết. Nhiều lần, gia đình lên xã hỏi thì UBND xã chỉ bảo hiện chưa có tiền về. “Mong mỏi của hai thân già là sớm nhận được tiền đền bù để trả ngân hàng, nếu không cứ mỗi tháng phải trả lãi ngân hàng thì đời sống chúng tôi quá eo hẹp” - ông Hán nói.

Cùng chung hoàn cảnh như ông Hán, ông Nguyễn Văn Bắc ở thôn Cầu Đồng, xã Ngọc Lý cho biết, gia đình ông có căn hộ xây từ năm 1984 nên đã dột nát, tường bong tróc lả tả, cần phải sửa lại. “Cán bộ xã, huyện về thẩm định và cho biết gia đình tôi nếu sửa chữa sẽ được hỗ trợ 20 triệu đồng. Tôi đã sửa xong nhà từ tháng 12.2013 nhưng đến nay vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ”.

Bà Hoàng Thị Lập - vợ ông Bắc cho biết, ông Bắc từ chiến trường trở về bị mất sức, bị chất độc da cam lại thêm bệnh khô bì nên chân tay cứng lại, từ 2 năm nay không còn khả năng lao động. Hiện gia đình vẫn còn con trai út đang học đại học, thu nhập chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng và đồng lương hưu của ông Bắc nên rất khó khăn, chỉ mong sớm nhận được tiền hỗ trợ của Nhà nước.

Chính quyền cũng… lắc đầu

Trao đổi với NTNN, ông Vũ Thế Sự - Chủ tịch UBND xã Ngọc Lý cho biết: “Nhiều người có công chống nạng lên tận xã hỏi nhưng chúng tôi cũng đem những thắc mắc này hỏi Phòng Kinh tế hạ tầng của huyện thì được trả lời là chưa có tiền. Nếu có chúng tôi giải ngân cho người dân ngay”.

Tại huyện Tân Yên có tới 552 gia đình người có công thuộc diện được hỗ trợ nhà ở và đang phải chờ đợi. Bà Nguyễn Thị Lan – Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng (UBND huyện Tân Yên) cho biết:

“Có trường hợp như gia đình bà Tài ở xã Tân Chung, sau khi xây dựng xong, gia đình không đủ tiền để trả, cai thầu còn dọa khóa cửa không cho vào nhà. Huyện đã phải ứng trước ngân sách để gia đình bà Tài trả tiền cai xây dựng. Hiện có 6 hộ chính sách quá khó khăn huyện phải ứng trước tiền ngân sách để thực hiện theo đúng chế độ ở Quyết định 22 nhưng không biết khi nào ngân sách trung ương theo quyết định này sẽ về tỉnh”.

Theo thống kê của Sở Xây dựng Bắc Giang, toàn tỉnh có 3.108 hộ chính sách có nhà tạm, dột nát cần được hỗ trợ theo Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ với nguồn kinh phí cần hỗ trợ là hơn 97,3 tỷ đồng. Thực tế sau hơn 1 năm triển khai Quyết định 22, rất ít gia đình chính sách ở Bắc Giang được hưởng chính sách này, hầu hết đều ở trong tình trạng “dở khóc dở cười” vì lỡ vay tiền để xây mà chưa nhận được tiền hỗ trợ.

Ông Nguyễn Tiến Hữu – Trưởng phòng Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản, Sở Xây dựng Bắc Giang lý giải: Trong tổng số 71.000 hộ người có công trên cả nước trong diện được hỗ trợ xây nhà với kinh phí được phê duyệt là 2.400 tỷ đồng không có một hộ nào của Bắc Giang.

“Qua tìm hiểu tôi được biết, danh sách đợt đầu được phê duyệt không phải do Sở Xây dựng gửi đi, cũng không phải do Sở LĐTBXH mà lại là số liệu do Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội qua rà soát đưa ra” - ông Hữu nói. Cũng theo ông Hữu, để triển khai Quyết định 22, UBND tỉnh Bắc Giang đã giao cho Sở Xây dựng thực hiện. Sở đã có văn bản đề nghị các địa phương rà soát từng hộ chính sách để báo cáo lên Sở, tập hợp gửi ra Trung ương nhưng thực tế, danh sách phê duyệt lại có từ trước và không có tỉnh Bắc Giang.

 Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ban hành ngày 26.4.2013 về việc hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở. Theo đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình có một hoặc nhiều người có công với cách mạng mà nhà ở bị hư hỏng, dột nát. Có 2 mức hỗ trợ: 40 triệu đồng/hộ đối với xây mới, còn sửa chữa là 20 triệu đồng/hộ.

Tỉnh chưa thống kê, Bộ đã có số liệu

Tại buổi làm việc của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Bộ Xây dựng về tình hình thực hiện Nghị quyết số 494/NQ-UBTVQH 13 về hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng vào đầu tháng 8 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, qua thống kê, số lượng người có công với cách mạng thuộc diện được hỗ trợ về nhà ở mà các địa phương báo cáo lại tăng khoảng 4,6 lần so với số lượng mà các địa phương báo cáo năm 2012. Một số địa phương có số lượng thống kê tăng nhiều như Hòa Bình tăng hơn 45 lần, Nghệ An tăng hơn 13 lần, Thanh Hóa tăng hơn 17 lần, Phú Thọ tăng hơn 8 lần, TP.Hà Nội tăng 17 lần… Tổng số hộ người có công cần hỗ trợ nhà ở theo đó vọt lên 330.000 căn, số tiền cần huy động theo đó cũng tăng gấp 5 lần, lên mức trên 10.000 tỷ đồng. 

Theo tìm hiểu của phóng viên NTNN, năm 2012, một số địa phương chưa rà soát hộ chính sách cần hỗ trợ về nhà ở nên chưa có trong danh sách 71.000 nhà cần hỗ trợ, đến khi có văn bản chỉ đạo của Bộ Xây dựng, các địa phương này mới tiến hành rà soát và báo cáo, vì vậy mới có danh sách mới nhất tăng lên 330.000 căn. Trong đó có tỉnh Bắc Giang. Vì thế, các tỉnh rất cần bổ sung danh sách và ngân sách thực hiện quyết định, tránh tình trạng người có công ở trong nhà mới mà nhấp nhổm vì… nợ.
Xuân Thanh



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem