Trả thù cho mẹ
Đến trại Xuân Phổ Văn năm 1972, chị Huỳnh Thị Triết (16 tuổi) ở thôn Văn Trường, xã Phổ Văn khẩn khoản: “Cháu xin đi bộ đội cùng với các chị để đi đánh trận, cực cỡ nào cháu cũng chịu”.
Đầu năm 1968, địch ùa vào làng Văn Trường. Cô bé Triết 12 tuổi và 2 người em đã gào khóc khi chứng kiến người mẹ (nuôi giấu 3 cán bộ chủ chốt trong nhà) bị tra tấn dã man ngay trước mặt. Cuối cùng, chúng đạp bà ngã xuống một cái hố và rút chốt lựu đạn ném theo. Sau này, bà con trong làng phải nhặt từng mảnh thịt bà để chôn cất.
Căm thù giặc, khát khao trả thù cho mẹ, ra chiến trường, hình ảnh Huỳnh Thị Triết - người con gái trẻ măng, càng trở nên dũng mãnh, không lùi bước trước kẻ địch. Đồng đội của chị giờ vẫn nhớ đến hình ảnh cô y tá vai phải khoác khẩu AK báng gập, vai trái mang túi thuốc, ngực đeo 3 băng đạn, nách kẹp đôi nạng để băng bó cho thương binh. Và mỗi khi khẩu súng căm hờn này nhả đạn, mỗi tiếng nổ giòn tan là bóng một tên giặc ngã gục xuống đền mạng.
Khi đi đánh trận, tác phong của chị em không thua gì nam giới. Thế nhưng, thói quen của con gái thì không thể bỏ qua - trong ba lô của chị và đồng đội luôn có hộp kim với những cuộn chỉ màu. Mỗi khi ra rừng cảnh giới, chị em như bầy chim sẻ, tụm vào để thêu thùa và ngắm nghía. Trên mũ và áo của chị em đại đội Lê Thị Hồng Gấm thường có hình bông hoa, đôi chim và dòng chữ: “Kỷ niệm”.
Chân núi Chóp Vung có cây xoài được đặt tên là xoài Bà Hát. Cây xoài này cao như cây tre. Chị và các cô gái luôn có mặt trên ngọn cao chót vót, vừa cảnh giới cho bộ đội, vừa quan sát địch bố phòng trên đỉnh núi Chóp Vung. Anh em đặc công luôn nheo mắt tỏ ý phục tài leo cây thoăn thoắt của các cô gái đôi mươi.
Tháng 5.1972, trong lần chị Triết đi tác chiến với đơn vị 219 để phục kích địch tại cầu Nước Mặn, đơn vị bị lộ, đại liên địch bắn xối xả. Vừa bay người ra khỏi chỗ ẩn nấp, hoa khôi của đại đội Lê Thị Hồng Gấm - Huỳnh Thị Triết đã bị trúng đạn. Mảnh đạn găm vào bụng, máu tuôn lai láng. Anh Thạnh định cởi áo băng vết đạn, chị Triết co rúm người lại lắc đầu, mặc cho máu từ vết thương chảy đỏ làn da trắng nõn.
“Thôi không băng thì để anh cõng? - anh Thạch khẩn khoản. Nghĩ mình là con gái, chị lại lắc đầu: “Thôi để em ráng đi, con gái trèo lên lưng con trai nằm thì ngại lắm”. Đi được một đoạn, người lả dần, đồng đội phải khiêng về.
Hồi ức bất tử
Ở cái tuổi 55, giờ đã lên chức bà ngoại, thế nhưng, trên khuôn mặt của người chiến sĩ Huỳnh Thị Triết năm xưa giờ vẫn hiện ra vẻ đẹp mặn mà. Kể lại chuyện cùng chị em đi chiến đấu, chuyện người mẹ ruột thịt giờ đã được phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng, chị bật khóc khi trái tim không thể kìm nén.
Nhìn ra cánh đồng lúa rộng hút tầm mắt đang vào mùa gặt, chị tâm sự: Sau ngày giải phóng, đơn vị giải thể và tạo điều kiện cho chị em chuyển về đơn vị mới. Chị công tác tại Tiểu đoàn 83, Trung đoàn 94 đóng tại Gia Lai, Kon Tum. Chị lập gia đình với anh Trần Thanh Hòe - cán bộ Tiểu đoàn 83. Năm 1989, theo nguyện vọng của gia đình, chị chuyển ngành về làm thương nghiệp của huyện Đức Phổ.
Đại đội Lê Thị Hồng Gấm có 8 chị anh dũng hy sinh. Đơn vị đã hai lần được Nhà nước tặng Huân chương Chiến công hạng Ba, hai lần nhận cờ Thi đua Quyết thắng của Hội Phụ nữ Quân khu 5. Ngày 23.3.2010, đại đội đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng danh hiệu cao quý - Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.
Năm 1989, cơ chế thị trường thay đổi, ngành thương nghiệp quy định chị em đóng góp cổ phần để kinh doanh theo kiểu hạch toán thu, chi độc lập. Với 2 bàn tay trắng, chị không thể góp vốn. Vậy là, mỗi ngày đến cơ quan, hoa khôi đại đội Lê Thị Hồng Gấm năm xưa lại gò lưng trên chiếc xe đạp cũ nát chở 30 lít dầu đi khắp miền quê rao bán.
Nếu một ngày bán hết can dầu, chị được ghi vào sổ 1 ngày lương. Hôm nào không bán hết, coi như làm công không. Năm 1989, hoa khôi của đại đội Lê Thị Hồng Gấm xin về hưu, rồi lặn lội với 2,5 sào ruộng và sống nhờ vào cuốn sổ thương binh 55%.
Rút chiếc ví đeo bên hông, chị cẩn thận lấy ra những tấm ảnh đen trắng chụp các cô gái trẻ măng của đại đội Hồng Gấm một thời. Những lúc ấy, chuyện thời cầm súng đánh giặc, chuyện những đồng đội đã ngã xuống chợt ùa về. Thời gian đã trôi đi, mái đầu xanh của chị Triết giờ đã điểm bạc nhưng chị vẫn giữ mãi hồi ức tuổi 20.
(Còn nữa)
Lê Văn Chương
Vui lòng nhập nội dung bình luận.