Họa sĩ Đỗ Đức: Vẽ đời sống bên trong đá

Thứ tư, ngày 31/10/2012 09:27 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ngày 1.11 tới, Triển lãm “Cao nguyên đá” của họa sĩ Đỗ Đức sẽ khai mạc tại Hà Nội với 50 bức tranh sơn dầu khắc họa đá và người Mông ở Hà Giang. Nhân dịp này, Dân Việt đã trò chuyện với họa sĩ.
Bình luận 0

Thưa ông, sinh sống ở thủ đô, không phải là người con của vùng cao nguyên đá Hà Giang, vậy nguyên cớ nào khiến ông chọn vùng đất này cho cảm hứng sáng tạo của mình?

- Bởi vì tôi mê vùng đất này và tôi rất có cảm tình với người Mông, đó là một dân tộc cương trực, cần cù và có một triết lý nhân sinh vô cùng thú vị. Tôi lên Hà Giang lần đầu tiên vào năm 1973. Hôm ấy vào phiên chợ, tan chợ, tôi thấy một người Mông say rượu nằm bên đường, cô vợ ngồi cạnh che ô.

Một người đi qua nói câu gì đó, người đang nằm vùng dậy, họ mắng mỏ nhau, tôi nhờ anh bạn phiên dịch lại thì biết, người kia nói: Mày đi bộ đội 3 năm rồi mà về nhà vẫn say rượu à, mày là người xấu... Người say cãi lại, tao là người tốt vì tao ra chợ, mỗi bạn mời một bát rượu tao mới được say; mày là người xấu bụng, chẳng có ai mời rượu mày nên không bao giờ được say. Tôi nghe thấy thú vị quá, đó là một “triết lý rượu”, rượu không còn là rượu mà là tình người, ấn tượng lắm.

img
Một tác phẩm trưng bày tại Triển lãm “Cao nguyên đá”.

Từ khi nào, ông quyết định sẽ vẽ về cao nguyên đá?

- Tôi đã từng quay đi quay lại vùng này nhiều lần nhưng thường là vẽ giấy dó, khắc gỗ, chưa vẽ sơn dầu. Năm 2006, trong một đợt lên nửa tháng sáng tác ở đây, trong đầu tôi bật ra một suy nghĩ, có lẽ mình phải vẽ về cao nguyên này, sẽ làm một phòng tranh rồi mang lên bày ở chợ Đồng Văn.

Tôi đầu tư hết khoảng 40-50 triệu đồng cho phòng tranh, xong mới bắt đầu tìm tài trợ, muốn đưa tranh lên bày ở chợ cho người Mông xem, vì họa sĩ, nhiếp ảnh lên đây rất nhiều, vẽ, chụp nhưng nếu không cho người Mông xem thì họ cũng đâu biết là đâu. Tôi mong muốn lắm nhưng không tìm được nơi đỡ đầu nên cuối cùng dự án không thành và cái triển lãm ấy ngày 1.11 này đành chỉ bày ở Hà Nội. Đó là điều tôi thấy đáng tiếc nhất.

img
Họa sĩ Đỗ Đức trong một chuyến đi sáng tác.

Với 50 bức tranh sơn dầu về đá, hẳn ông phải có một điều gì thật đặc biệt để thu hút người xem?

“Trong tranh tôi, đá như mơ, đá xôn xao khi nắng lên, đá hiên ngang, đá chịu đựng, nhẫn nhịn, con người sống dựa vào đá nên người là đá mà đá cũng hóa người”.

- Phần lớn các họa sĩ khác vẽ Đồng Văn toàn là vẽ cái bên ngoài, còn tôi muốn vẽ cái bên trong, đó là cuộc sống của người Mông trên đá. Cho đến giờ, cuộc sống của họ vẫn là tự cấp tự túc, cần cái gì thì tự trồng lấy mà ăn. Họ bình yên chỉ là vì vùng đất của họ chưa có dự án đụng tới. Ở cao nguyên đá bây giờ, người đàn bà Mông đi chợ vẫn 2 tay xe 2 sợi lanh, dường như họ chỉ ngơi tay lúc nằm ngủ và... lúc chết, còn thì lúc nào họ cũng làm việc, như một bản năng, ngồi, đứng ở đâu cũng xe lanh.

Vải lanh với người Mông rất quan trọng, vải lanh vào trong câu hát: “Đói đến mấy cũng không ăn thóc giống, rách đến mấy cũng phải có tấm vải lanh”. Bộ quần áo lanh là bộ lúc chết người Mông phải mặc vào, nếu không sẽ bị lạc mất tổ tiên. Trong tranh vẽ đá của tôi có người Mông, có cả những tấm vải lanh linh thiêng đó.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem