Ông Đinh Ngọc Thiên - Chủ tịch UBND xã Hòa Khương chia sẻ: “3 năm qua, chúng tôi đã vận động các hộ gia đình chuyển đổi được 60ha diện tích nuôi cá truyền thống năng suất thấp sang nuôi cá trê lai, cho thu nhập gấp 5 lần. Ngoài ra, bà con còn thành lập các tổ hợp tác để hỗ trợ nhau về kỹ thuật, vốn sản xuất, đầu ra cho nông sản”.
Theo báo cáo, trong 3 năm qua, toàn huyện Hòa Vang đã triển khai nhân rộng 50 mô hình cho hiệu quả kinh tế cao như nuôi dê, gà Ai Cập ở xã Hòa Sơn; trồng dưa hấu hắc mỹ nhân ở Hòa Khương; nuôi heo siêu nạc ở Hòa Phú, Hòa Khương, Hòa Tiến; trồng nấm rơm, nấm sò ở Hòa Châu, Hòa Tiến, Hòa Bắc...
Tại xã Hòa Tiến, trước đây bà con chủ yếu cấy lúa dựa vào nguồn lúa giống do chính họ sản xuất hoặc mua từ các công ty, xí nghiệp nên thường bị động khâu giống. Từ chương trình xây dựng NTM, xã đã triển khai Dự án “Xây dựng vùng sản xuất lúa giống tại xã Hòa Tiến”, kinh phí đầu tư gần 500.000USD. Tới đây, dự án sẽ giúp cải thiện khả năng sản xuất lúa giống của hơn 4.000 hộ nông dân xã Hòa Tiến, nâng cao khả năng xử lý lúa giống sau thu hoạch.
Nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nên đến nay, thu nhập bình quân đầu người của huyện Hòa Vang đã đạt 20,6 triệu đồng/năm, tăng 32% so với năm 2010. Toàn huyện không còn nhà tranh, 100% số hộ có điện sinh hoạt, nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh, hệ thống đường giao thông nông thôn được bê tông hóa, nhựa hóa đạt chuẩn…
Ông Đặng Phú Hành-Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết: “Năm 2013, huyện có 2 xã cán đích NTM là Hòa Châu và Hòa Tiến. Chúng tôi đang tiếp tục nỗ lực để đưa 3 xã Hòa Phong, Hòa Khương và Hòa Phước đạt chuẩn vào cuối năm 2014, phấn đấu hết năm 2015 sẽ hoàn thành xây dựng NTM”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.