Hoại tử mỏm xương đùi, người đàn ông phải thay 2 khớp háng cùng lúc
Hoại tử mỏm xương đùi, người đàn ông phải thay 2 khớp háng cùng lúc
Bạch Dương
Chủ nhật, ngày 27/08/2023 18:26 PM (GMT+7)
Hoại tử chỏm xương đùi là một bệnh lý nguy hiểm, có diễn tiến âm thầm và thường dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, người bệnh sẽ đối mặt với nguy cơ tàn tật rất cao.
Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn vừa tiến hành phẫu thuật thay 2 khớp háng thành công cho ông L.B.Đ (59 tuổi, ngụ quận 1, TP. HCM). Ông Đ. đã điều trị bệnh thoái hóa khớp và hoại tử chỏm xương đùi 2 bên được 2 năm.
Chia sẻ về tình trạng của bản thân, ông Đ. cho biết mình bị đau háng 2 bên, sử dụng thuốc vẫn không hết đau, đi lại rất khó khăn, bất tiện. Bản thân ông Đ. và gia đình đã tìm đến tư vấn nhiều nơi nhưng đa số đều tư vấn phẫu thuật lần lượt từng chân.
ThS.BS. Nguyễn Tấn Lãm – Trưởng Khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn cho biết, bệnh nhân D. bị hoại tử cả 2 chỏm xương đùi trái và phải khá nặng. Kết quả chụp X quang cho thấy bệnh nhân bị hoại tử ở giai đoạn IV -V. Nếu phẫu thuật lần lượt từng chân thì bệnh nhân sẽ phải trải qua 2 cuộc phẫu thuật lớn. Đó sẽ là một trải nghiệm không hề dễ chịu.
Sau khi phân tích tình trạng, bệnh nhân đã đồng ý phẫu thuật thay 2 khớp háng cùng lúc. Sau ca mổ, người bệnh được tập luyện với kỹ thuật viên vật lý trị liệu để sớm phục hồi chức văng vận động.
Điều bất ngờ là chỉ 3 ngày sau mổ, bệnh nhân đã có thể đi lại nhẹ nhàng, không thấy đau như trước.
Bác sĩ Lãm cho biết, kỹ thuật thay khớp háng cùng lúc giúp bệnh nhân giải quyết triệt để tình trạng hoại tử chỏm xương đùi với duy nhất một lần phẫu thuật. Điều này không những giúp tiết kiệm về mặt thời gian, khi người bệnh không phải đối mặt với hai lần phẫu thuật (thông thường lần phẫu thuật thứ hai phải cách lần phẫu thuật đầu tiên ít nhất 1-2 tháng), đồng thời tiết kiệm chi phí điều trị, giúp tâm lí người bệnh ổn định và lạc quan hơn.
Hoại tử chỏm xương đùi là tình trạng thiếu máu nuôi dưỡng, dẫn đến hoại tử xương và sụn. Ban đầu, vùng chỏm xương thưa dần, hình thành những nang xương, lâu dần sẽ gây gãy xương dưới sụn, xẹp chỏm xương đùi, mất chức năng khớp háng. Người bệnh nếu không có phương pháp điều trị kịp thời có thể đối mặt với nguy cơ tàn phế rất cao.
Nguyên nhân gây ra bệnh hoại tử chỏm xương đùi rất đa dạng, có thể xuất phát từ các chấn thương như trật khớp, gãy cổ xương đùi, sử dụng thuốc glucocoticoides, thói quen sử dụng nhiều bia rượu, ảnh hưởng từ các bệnh lý mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa lipid; viêm hoặc tổn thương động mạch. Nam giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nữ giới và có xu hướng gia tăng theo tuổi.
Hoại tử chỏm xương đùi là một biến chứng nguy hiểm với những bệnh lý xương đùi do chấn thương và không chấn thương. Việc phát hiện sớm và điều trị bằng thuốc lẫn vật lý trị liệu có thể không tác động được nhiều do các tế bào xương và sụn đã bị hoại tử hoàn toàn. Do đó, để phòng ngừa nguy cơ tàn phế, người bệnh cần được can thiệp phẫu thuật thay khớp háng kịp thời.
Dấu hiệu của hoại tử chỏm xương đùi:
- Đau nhức khớp háng: Cơn đau xuất hiện ở một hoặc cả hai bên khớp háng, tăng nặng khi người bệnh vận động hoặc đứng lâu.
- Hạn chế tầm vận động của khớp háng: Cơn đau gây nên những khó khăn khi người bệnh vận động khớp háng dù chỉ với những động tác đơn giản như dạng hoặc khép. Đặc biệt, người bệnh gần như không thể thực hiện được tư thế ngồi xổm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.