Hoàn thành sắp xếp bộ máy các Bộ, cơ quan ngang Bộ sẽ giảm được 17 Tổng cục, 8 Cục và hơn 100 Vụ
Hoàn thành sắp xếp bộ máy các Bộ, cơ quan ngang Bộ sẽ giảm được 17 Tổng cục, 8 Cục và hơn 100 Vụ
PVCT
Thứ ba, ngày 15/11/2022 08:32 AM (GMT+7)
Trong thông báo kết luận của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ (ngày 14/11) nêu rõ: Phấn đấu trong tháng 11/2022, hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Ngoài nội dung phấn đấu trong tháng 11/2022, hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, Thông báo còn nêu rõ: Tiếp tục nghiên cứu, thí điểm chuyển giao một số nhiệm vụ và dịch vụ hành chính công mà Nhà nước không nhất thiết phải thực hiện cho doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đảm nhiệm; đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ phân cấp, phân quyền theo Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ.
Trong tháng 11/2022, hoàn thành sắp xếp bộ máy các Bộ, cơ quan ngang Bộ
Đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức: Tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, bảo đảm đạt tỉ lệ tinh giản ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức và ít nhất 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2021- 2026 theo Kết luận số 40-KL/TW của Bộ Chính trị.
Hoàn thiện cơ chế, chính sách phát hiện, thu hút và trọng dụng nhân tài cho nền công vụ; Tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; (4) Tăng cường thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, công chức, viên chức.
Triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; tổ chức triển khai có hiệu quả thực hiện cơ chế tự chủ tài chính tại cơ quan hành chính và các đơn vị sự nghiệp công lập.
Thông báo còn nêu rõ một số nội dung khác như: Tập trung thực hiện các mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ còn lại trong năm 2022; Tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát quyền lực; Thực thi ngay các phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; Tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển Chính phủ số.
Trước đó, trong phiên Quốc hội chất vấn Thủ tướng Phạm Minh Chính vào chiều 5/11, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Anh (Bắc Ninh) nêu việc Quốc hội khóa XV đã quyết định cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ mới.
Tuy nhiên, đã hơn một năm trôi qua, nhiều Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ của các Bộ, ngành vẫn chưa được Chính phủ ban hành. Trong khi đó, các quyết định, quy định chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, ngành phải chờ nghị định.
Theo ĐBQH Kim Anh, việc chậm trễ này ít nhiều tác động tới tâm lý của cán bộ, công chức, người lao động. Bà đề nghị Thủ tướng chỉ rõ nguyên nhân của việc chậm trễ trên cũng như giải pháp căn cơ để chỉ đạo các Bộ, ngành sớm ổn định, tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ được phân công,
Trả lời vấn đề ĐBQH Kim Anh nêu, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết: Chính phủ đang tổ chức thực hiện và phấn đấu trong tháng 11 này, chậm nhất là nửa tháng 12/2022, sẽ hoàn thành các Nghị định quy định về chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành.
Thủ tướng nhấn mạnh, tinh thần bám sát Nghị quyết 18, 19 của Trung ương khoá XII là "tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức viên chức".
"Tinh thần là như vậy nên làm rất cẩn thận. Về thời gian thực hiện so với yêu cầu đúng là chậm nhưng lấy được chất lượng, hiệu quả bù lại. Đến nay Chính phủ dự kiến giảm được 17 Tổng cục, 8 Cục, hơn 100 Vụ và đây là kết quả đáng mừng", Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.