Hoàn thiện đầu vào để gỡ khó đầu ra cho giáo dục nghề nghiệp

Thùy Anh Thứ bảy, ngày 28/04/2018 17:24 PM (GMT+7)
Để tháo gỡ công tác giáo dục nghề nghiệp, nhiều chuyên gia lao động cho rằng, cần gắn chặt đào tạo với nhu cầu lao động của các doanh nghiệp, nâng cao kỹ năng mềm cho học viên.
Bình luận 0

Thuận lợi song hành với khó khăn

Ông Vũ Xuân Hùng - Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐTBXH) cho biết, theo đánh giá chung năm 2017, công tác tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trong cả nước mặc dù đã có cải thiện so với năm trước nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn.

img

Một khoá học thực hành An toàn lao động của học sinh lớp Công nghệ ô tô – Trường CĐ Công nghiệp Hà Nội). Ảnh: Nguyệt Tạ

"Hiện nay việc tuyển sinh, đào tạo giáo dục nghề nghiệp còn bất cập. Chủ yếu vẫn “nặng” về đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng. Tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp khó khăn, đặc biệt ở những ngành, nghề nặng nhọc”.

Ông Nguyễn Hồng Minh –
Tổng Cục trưởng
Tổng cục GDNN (Bộ LĐTBXH)

“Nhiều địa phương, bộ, ngành đã chủ động hơn trong việc phổ biến quy chế để các trường trên địa bàn chủ động thực hiện công tác tuyển sinh. Nhưng thuận lợi nhiều mà khó khăn cũng không ít. Nhiều nhất phải kể tới chuyện tuyển sinh, cơ chế phối hợp doanh nghiệp để tạo đầu ra cho học viên” – ông Hùng nói.

Đại diện Bộ Xây dựng cho hay, nhờ có sự quan tâm và thống nhất chỉ đạo từ các bộ ngành, từ lãnh đạo Bộ Xây dựng nên công tác tuyển sinh và giải quyết việc làm được coi trọng, dần định hình trong một hệ thống chung của GDNN. Đó là cơ sở quan trọng để các trường chủ động trong triển khai công tác tuyển sinh cả năm. Việc đầu tiên các trường làm là thay đổi cách tuyển sinh theo hướng chủ động, lấy nguyện vọng của học sinh làm trọng tâm.

Theo ông Nguyễn Hồng Minh – Tổng cục Trưởng Tổng cục GDNN, thời gian qua, công tác phối hợp tuyên truyền, tư vấn về GDNN nói chung và học nghề nói riêng được làm tốt. Nhờ vậy, nhận thức của nhân dân về học nghề và việc làm đã chiều có hướng tích cực. Nhiều trường chi cả trăm triệu đồng, huy động cả doanh nghiệp vào cuộc xuống từng trường trung học cơ sở, THPT để tư vấn và tuyển sinh. Thêm vào đó, nhiều trường cũng mở rộng đối tượng tuyển sinh, đặc biệt chú trọng đến học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên cơ sở mở rộng vùng miền tuyển sinh.

Giáo dục nghề theo hướng mở

Một trong nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý, cũng như đơn vị dạy nghề đưa ra nhằm tháo gỡ khó khăn trong công tác dạy nghề chính là cần tăng cường sự phối hợp của nhiều đơn vị.

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Quân cho rằng, các cơ sở đào tạo nên chủ động xin hỗ trợ hoặc phối hợp với các dự án nước ngoài, từ các doanh nghiệp trong và ngoài ngành trên các lĩnh vực có thế mạnh của từng trường nhờ vậy công tác tuyển sinh đào tạo đạt được nhiều thành tựu.

“Bên cạnh các chương trình phối hợp, theo tôi bản thân các trường, cơ sở đào tạo cũng cần nâng cao chất lượng theo hướng đa dạng hoá hình thức và phương pháp giảng dạy. Tăng thời gian đào tạo thực hành so với lý thuyết. Chú trọng hơn vào các kỹ năng mềm trong hoạt động nghề nghiệp” - ông Lê Quân nhấn mạnh.

Mặc dù nhận thấy việc kết hợp hay liên kết với các doanh nghiệp trong đào tạo là một điểm yếu, nhưng thực tế không phải cơ sở đào tạo nào cũng khắc phục được nhược điểm.

Ông Tào Bằng Huy - Cục Phó Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH) cho biết qua khảo sát cho thấy, hơn 90% doanh nghiệp không hợp tác với cơ sở GDNN. Số gần 10% doanh nghiệp có sự hợp tác với cơ sở GDNN, chủ yếu thuộc nhóm doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI.

Nhiều đơn vị dạy nghề cho rằng, Bộ LĐTBXH, Tổng cục GDNN cần tạo cơ chế, tạo điều kiện để tăng cường đầu tư phát triển cho các mục tiêu chương trình, cơ sở vật chất, trang thiết bị để các trường có tiền đề phát triển bền vững.

Về phía địa phương, các sở LĐTBHX các tỉnh thành cho biết, bản thân các ngành cũng đang nỗ lực trong việc truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân. Thêm vào đó, phối hợp với Sở GDĐT thực hiện phân luồng cho học sinh khi tốt nghiệp THCS và THPT.

Quan trọng hơn, để hoàn thiện đẩy mạnh hoạt động dạy nghề trúng hướng, các cơ sở đào tạo cần hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, tăng khả năng dự báo. Đồng thời các trường cần thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm, nhất là nâng cao năng lực hoạt động của trung tâm dịch vụ việc làm đây là cơ sở để kết nối thông tin cung - cầu lao động giữa cơ sở đào tạo với cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp sử dụng lao động và người lao động, gắn đào tạo với giải quyết việc làm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem