Hoàng Phi Hồng, võ sư nổi danh hào hiệp trượng nghĩa trong làng võ thuật Trung Hoa. Ảnh: Sohu.
Đại hiệp nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Hoa cận đại là Hoàng Phi Hồng, theo Sohu. Ông sinh năm 1847 tại thành phố Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông, khi hoàng đế Đạo Quang trị vì nhà Thanh. Bố ông là Hoàng Kỳ Anh, một người rất giỏi võ và được gọi là một trong 10 "con hổ" của Quảng Đông. Hoàng Phi Hồng học võ từ năm 5 tuổi, được nhiều sư phụ giỏi dạy dỗ. Ngoài võ thuật, ông còn tinh thông y thuật. Năm 1886, Hoàng Phi Hồng mở y quán Bảo Chi Lâm, chuyên chữa bệnh cứu người.
Hoàng Phi Hồng sinh ra và trưởng thành trong thời kỳ loạn lạc, khi đất nước liên tục trải qua các cuộc nổi dậy của nông dân nhằm chống lại sự cai trị của nhà Thanh và sự xâm lăng của các thế lực phương Tây, Nhật Bản, và hai cuộc chiến tranh nha phiến.
Cuộc đời Hoàng Phi Hồng gắn liền với nhiều trận đấu. Năm 1875, Hoàng Phi Hồng một mình đánh bại hàng chục tên cướp mò vào một cửa tiệm trong đêm ở thành phố Phật Sơn, trở thành giai thoại truyền kỳ ở địa phương. Năm 1876, một người nước ngoài ở Hong Kong mang một con chó béc-giê lớn thách đấu người Trung Quốc. Không chịu nhục, ông sang Hong Kong, dùng đòn "Hầu hình quải cước" đánh chết con chó. Năm 1878, Bành Ngọc, một người bán hàng rong ở Hong Kong bị một nhóm lưu manh ức hiếp, đánh bị thương, Hoàng Phi Hồng đã ra tay, đánh bại nhóm lưu manh hàng chục tên. Hoàng Phi Hồng sau đó trở thành võ sư ở nhiều võ đường và tổ chức dân quân tại Quảng Đông.
Hoàng Phi Hồng được người Trung Quốc nhớ đến là người ái quốc. Khi chiến tranh Trung - Nhật nổ ra năm 1895, ông đi theo tướng Lưu Vĩnh Phúc, một quân nhân nhà Thanh đến Đài Loan dạy võ và hành nghề y. Tháng 6.1885, Lưu Vĩnh Phúc thất thủ ở Đài Loan, nhà Thanh phải cắt Đài Loan cho Nhật Bản, Hoàng Phi Hồng quay về Quảng Đông, chuyên tâm vào chữa bệnh cứu người. Năm 1911, khi Cách mạng Tân Hợi của giới tri thức Trung Quốc lật đổ nhà Mãn Thanh bùng nổ, ông được Lưu Vĩnh Phúc mời làm "giáo luyện dân đoàn tỉnh Quảng Đông".
Hoàng Phi Hồng luôn đề cao tư tưởng "lấy đức tập võ", không bắt nạt kẻ yếu, dùng đức phục nhân, bài trừ trọng nam khinh nữ, truyền dạy võ thuật cho các nữ đệ tử và các đoàn võ thuật nữ. Ông có nhiều đệ tử thành danh như Lương Khoan, Lâm Thế Vinh, Mạc Gia Lan, Đặng Tú Anh... Hoàng Phi Hồng qua đời năm 1924, thọ 77 tuổi, sau khi quá tức giận vì Quảng Đông Thương Đoàn (đoàn tự vệ vũ trang Quảng Đông) tổ chức bạo loạn chống chính quyền Tôn Trung Sơn, cướp phá khắp nơi và thiêu rụi y quán Bảo Chi Lâm. Sau này, các đệ tử đã đem những thế võ của ông viết thành sách, mở võ đường khắp Trung Quốc và Đài Loan rồi từ đó, tiếp tục phát triển ở Đông Nam Á, châu Âu, châu Mỹ.
Nhà lưu niệm Hoàng Phi Hồng ở thành phố Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông. Ảnh: Sohu.
Trong bài báo khoa học có tên "Văn hóa hiệp sĩ ở Trung Quốc và pháp luật" xuất bản trên Tạp chí Văn hóa Pháp luật Trung Quốc năm 2011, tác giả Lý Hiểu Thanh nhận định Trung Quốc ngày nay không còn những con người gắn liền với tổ chức hiệp nghĩa thay trời hành đạo như Hoàng Phi Hồng.
Theo tác giả, văn hóa hiệp sĩ có từ lâu trong xã hội Trung Quốc. Trong cuốn "Hiệp khách sử" do Nhà xuất bản Văn nghệ Thượng Hải phát hành năm 1999, tác giả Trịnh Xuân Nguyên nhận định chữ "hiệp" xuất phát từ quan niệm đạo đức và là một đặc điểm của nhân cách con người.
Khái niệm về "hiệp sĩ" lần đầu được nhắc tới trong sách vở Trung Quốc là trong cuốn Sử Ký của quan Thái sử Tư Mã Thiên thời Hán Vũ Đế, viết từ năm 109-91 trước Công nguyên, ghi lại lịch sử Trung Quốc trong hơn 2.500 năm từ thời Hiên viên Hoàng đế thần thoại (tổ tiên của người Hán) cho tới thời Hán Vũ Đế, ca ngợi tấm lòng chính nghĩa, thủ tín, hào hiệp giúp người gặp nạn của các đại hiệp hành tẩu giang hồ, theo Rulcc.com.
Trải qua biến động lịch sử và thời gian, sau khi Trung Quốc độc lập năm 1949 và trong xã hội đề cao "thượng tôn pháp luật" ngày nay, với tình hình trị an ổn định, văn hóa "hiệp sĩ" ở Trung Quốc đã thay đổi hình thức xuất hiện, không còn là những con người bằng xương thịt mà chỉ còn là những nhân vật trong tiểu thuyết, phim ảnh và trò chơi võ hiệp, hay thể hiện tinh thần "hiệp sĩ" qua một số hành vi bột phát cứu người của cá nhân đơn lẻ.
Tác giả Lý Hiểu Thanh kết luận về thể chế, văn hóa hiệp sĩ mâu thuẫn với xã hội pháp trị ngày nay. Trong quá trình xây dựng đất nước xã hội chủ nghĩa pháp trị, cần áp dụng tinh thần hiệp nghĩa, nhưng cần sử dụng luật pháp để điều chỉnh hành vi và kết hợp nó vào hệ thống pháp luật hiện đại. Đồng thời, để duy trì tư tưởng thượng tôn pháp luật, cần loại bỏ các hình thức tự ý thay mặt pháp luật để thực thi những hành vi "thay trời hành đạo".
Hồng Hạnh (VnExpress)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.