Học cả năm mới biết mặt chữ

Thứ năm, ngày 23/09/2010 09:46 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Do tiếng Việt của các em học sinh DTTS còn hạn chế, nên xuất hiện tình trạng thầy nói trò không hiểu và ngược lại.
Bình luận 0
img
Cô Nguyễn Thị Lệ Hằng, Trường Tiểu học Phước An A dạy tiếng Việt cho các em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số lớp 1. Ảnh Đông Điền

Nghe tốt nhưng... không hiểu

Lớp 1 của điểm trường ấp Tổng Cui, Trường Tiểu học Phước An A (xã Phước An, huyện Hớn Quản, Bình Phước) có 100% học sinh là người DTTS. Hầu hết các em học sinh chưa được học qua mẫu giáo nên việc hiểu tiếng phổ thông rất hạn chế, làm chất lượng đầu vào của học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Phước An A thấp. Cô Nguyễn Thị Lệ Hằng, nhân viên hỗ trợ giáo viên Trường Tiểu học Phước An A cho biết: "Nhiều em mất cả năm mới nhận diện được con chữ. Nhiều em nghe tốt nhưng không hiểu gì".

Do trình độ tiếng Việt yếu nên các em khó tiếp thu các môn học khác và cũng khó tiếp tục học lên các lớp trên. Năm học 2009- 2010, Trường Tiểu học Phước An A có 126 học sinh lớp 1 thì 32 em ở lại lớp. Năm học 2010-2011, trường tuyển sinh được 102 học sinh lớp 1 thì chỉ có 33 em đã được học qua mẫu giáo.

img Việc dạy tiếng Việt cho các em đã khó, nhưng khó hơn là vận động phụ huynh để các em bám lớp. img

Cô Đinh Thị Diến, giáo viên Trường Tiểu học Quang Minh

"Để khắc phục tình trạng trên, Ban giám hiệu nhà trường đã bố trí nhân viên hỗ trợ tiếng Việt cùng với giáo viên chủ nhiệm tăng cường dạy tiếng Việt cho các em; vận động phụ huynh cho các em thường xuyên giao tiếp tiếng Việt khi ở nhà"- cô Nguyễn Thị Kim Loan - Hiệu phó Trường Tiểu học Phước An A, cho biết.

Tương tự, Trường Tiểu học Quang Minh (xã Quang Minh, huyện Chơn Thành), năm học này có 48 em lớp 1, trong đó 27 em DTTS. Nhà ở xa trung tâm nên hầu hết các em không được học mẫu giáo và hầu như không có khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt. Cô Đinh Thị Diến - giáo viên của trường cho biết: "Việc dạy tiếng Việt cho các em đã khó, nhưng khó hơn là vận động phụ huynh để các em bám lớp. Các em đi học rồi mà nhà trường vẫn lo vì đến ngày mùa nhiều gia đình lại bắt con em mình ở nhà phụ giúp việc đồng áng".

Giáo viên phải học tiếng dân tộc

Thầy Huỳnh Thanh Hùng - Hiệu phó Trường Tiểu học Quang Minh cho biết: "Để tăng cường chất lượng học sinh lớp 1 cần phải đầu tư cơ sở vật chất cho ngành học mầm non, làm sao 100% các em phải được qua mẫu giáo trước khi vào lớp 1. Mặt khác, cần tăng cường trang thiết bị đồ dùng học tập cho lớp 1, bồi dưỡng, đào tạo chuyên môn cho đội ngũ giáo viên, nhất là ngôn ngữ đồng bào các DTTS".

Về nguyên nhân gây trở ngại trong công tác giáo dục, đào tạo cho con em đồng bào DTTS, ông Nguyễn Văn Hùng- Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Phước cho biết: Do đời sống của một bộ phận đồng bào còn nghèo, cư trú phân tán, ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới; giao thông đi lại khó khăn đã ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh.

Các em trước khi đến trường thường hụt hẫng về vốn tiếng Việt, giáo viên đứng lớp không biết tiếng dân tộc... nên dẫn đến tình trạng cô nói trò không hiểu. Để "gỡ" gánh nặng cho giáo viên, thời gian qua Sở đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện đẩy mạnh công tác dạy tiếng Việt cho học sinh DTTS; nhất là những em chuẩn bị vào lớp 1.

Năm học 2009 - 2010, toàn tỉnh đã tổ chức được 61 lớp cho hơn 1.300 học sinh DTTS. Một số vùng sâu, vùng xa chưa có điểm trường mẫu giáo, các em 5 tuổi được huy động ra học chung lớp 1 để làm quen tiếng Việt, hoặc cho các em học lớp làm quen với tiếng Việt (36 buổi) trước khi vào lớp 1.

Đồng thời, ngành giáo dục tổ chức dạy tiếng dân tộc cho cán bộ, giáo viên. Hiện 2/5 trường phổ thông dân tộc nội trú đã tổ chức dạy tiếng dân tộc cho giáo viên, nhân viên. Năm học 2010-2011 sẽ tổ chức dạy cho các trường còn lại.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem