Học giả quốc tế đến Hà Nội "bắt mạch" biển Đông

Thứ hai, ngày 11/11/2013 20:59 PM (GMT+7)
"Đường lưỡi bò của Trung Quốc không thể dựa trên học thuyết quyền lịch sử và Trung Quốc cần phải làm rõ cơ sở pháp lý của đường lưỡi bò", học giả quốc tế chia sẻ quan điểm về biển Đông khi tham dự hội nghị tại Hà Nội ngày 11.11.
Bình luận 0
Chiều 11.11, kết thúc ngày làm việc đầu tiên của Hội thảo khoa học quốc tế về biển Đông lần thứ 5 với 4 phiên thảo luận gồm 19 tham luận được trình bày về các chủ đề: “Những diễn biến gần đây trên Biển Đông”, “ASEAN và Biển Đông”, Quan hệ giữa các nước lớn và Biển Đông”, và “Luật quốc tế, Công ước Luật Biển 1982 và Biển Đông”.

Tham dự Hội thảo có hơn 200 đại biểu là những học giả, nhà nghiên cứu, chuyên gia, trong đó có hơn 100 đại biểu quốc tế gồm học giả và quan chức chính phủ đến từ hơn 30 nước và vùng lãnh thổ; hơn 20 đại diện Ngoại giao đoàn tại Việt Nam; và các học giả, đại biểu Việt Nam.

Về các diễn biến gần đây, nhiều học giả đánh giá Biển Đông vẫn tiềm ẩn nguy cơ bất ổn, mặc dù trong năm 2013 tình hình đã có phần được cải thiện.

Học giả Dong Manyan (Trung Quốc) cho rằng trong năm 2013 Trung Quốc đã có nhiều nỗ lực ổn định quan hệ với các nước láng giềng, đã đạt thỏa thuận với Ấn Độ kiểm soát tốt hơn đường biên giới, đạt bước tiến tích cực trong hợp tác trên biển với Việt Nam, làm ấm quan hệ với ASEAN, và đã xây dựng Khuôn khổ đối tác nước lớn kiểu mới với Mỹ. Học giả Dong Manyan tin rằng các tranh chấp biên giới lãnh thổ trong khu vực sẽ dịu đi trong thời gian tới.

imgGiáo sư Clive Symmons đưa ra những quan điểm phản đối mạnh mẽ yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc.


Học giả Clive Symmons(Anh Quốc) nhấn mạnh học thuyết quyền lịch sử không có cơ sở trong luật quốc tế hiện đại. Đường lưỡi bò của Trung Quốc không thể dựa trên học thuyết quyền lịch sử và cho rằng Trung Quốc cần phải làm rõ cơ sở pháp lý của đường lưỡi bò.

Học giả Carl Thayer (Australia) cho rằng ASEAN đã có động thái tích cực khi củng cố được đoàn kết nội khối và khởi động tham vấn với Trung Quốc về Bộ Quy tắc ứng xử Biển Đông. Indonesia, Brunei và Thái Lan đã có vai trò quan trọng giúp ASEAN lấy lại được đoàn kết và uy tín trong vấn đề Biển Đông.

Học giả Ralf Emmers cho rằng cạnh tranh Trung – Mỹ ở Biển Đông sẽ tiếp tục trong những năm tới. Trong bối cảnh đó, ASEAN cần duy trì đoàn kết, nếu không sẽ mất vai trò ngay chính tại các diễn đàn mà ASEAN lâu nay vẫn chủ đạo.

Nhà báo kỳ cựu Kavi Chongkitttavorn (Thái Lan) cho rằng Thái Lan đã và sẽ tiếp tục cố gắng phát huy vai trò của một nước sáng lập ASEAN và có quan hệ tốt với Trung Quốc để vừa duy trì tiếng nói chung của ASEAN, vừa làm cầu nối ASEAN với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Theo ông, Thái Lan sẽ đóng vai trò tích cực thúc đẩy ASEAN nghiêm túc xem xét đề xuất của Trung Quốc về việc ký kết một Hiệp ước Thân thiện với ASEAN.

Thảo luận về vai trò của Công ước luật biển LHQ trong tranh chấp Biển Đông, các học giả đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế nói chung và Công ước nói riêng.

Học giả Robert Beckman (Singapore) nhấn mạnh tầm quan trọng của việc làm rõ các vùng biển tranh chấp tại Biển Đông. Vùng tranh chấp chỉ được xác định phù hợp với các quy định của Công ước Luật biển 1982 về xác định đường cơ sở và các vùng biển phải tạo ra từ lãnh thổ đất liền cũng như các đảo.

Học giả Nguyễn Đăng Thắng (Việt Nam) cũng nhấn mạnh cơ sở luật pháp quốc tế là yếu tố cần thiết để phát triển mô hình khai thác chung tại Biển Đông, trong đó, Trung Quốc cần làm rõ đề xuất khai thác chung cũng như yêu sách đường lưỡi bò. Các bên trong tranh chấp tại Biển Đông nên nhờ một cơ quan thứ ba khách quan giúp giải thích quy chế pháp lý của đảo theo Công ước Luật biển áp dụng vào các đảo tại Biển Đông. Tuy nhiên các học giả cho rằng quy định của luật pháp quốc tế điều chỉnh hành vi của các bên trong vùng biển tranh chấp vẫn chưa chưa đầy đủ, vì vậy, việc xây dựng một Bộ luật ứng xử tại Biển Đông là một yêu cầu cấp thiết để quản lý tranh chấp và phòng ngừa xung đột.

Đặc biệt, học giả Donald Rothwell (Australia) cho rằng việc ban hành văn bản pháp luật và thực thi quyền tài phán đang trở nên xu hướng chủ đạo để các bên thực thi yêu sách ở Biển Đông.

Ngày 12.11 hội thảo sẽ tiếp tục thảo luận các chủ đề: “Những diễn biến pháp lý gần đây và Biển Đông”, “Kinh nghiệm quốc tế và khu vực trong giải quyết tranh chấp biển”, “Đánh giá Tuyên bố Ứng xử của các Bên ở Biển Đông (DOC) và việc thực thi DOC”, “Quản ý căng thẳng và tương lai của Biển Đông” và “Khuyến nghị chính sách và Thảo luận tự do”.

Đăng Thúy (Đăng Thúy)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem