Học làm "Ninja" 600 nông dân Sơn La thu trăm triệu/năm

Tố Loan - Trần Quang Thứ ba, ngày 09/04/2019 13:30 PM (GMT+7)
Đó là cách nói vui của bà con huyện Yên Châu (Sơn La) khi được hỏi về việc tham gia mô hình sử dụng thuốc BVTV trách nhiệm, an toàn, hiệu quả suốt 2 năm qua.
Bình luận 0

Thay đổi thói quen

Những ngày nay, về các xã trọng điểm trồng cây ăn quả của huyện Yên Châu (Sơn La) như: Tú Nang, Chiềng Hặc, Lóng Phiêng… không khó để bắt gặp hình ảnh những “vật thể lạ”, đó chính là nhưng bể chứa bao thuốc BVTV năm ngay ngắn, gọn gàng ở mỗi góc vườn. Còn người dân thường gọi đùa nhau "trông như Ninja” mỗi khi phun thuốc vì họ phải mặc đồ bảo hộ lao động, đeo khẩu trang, găng tay kín mít từ đầu tới chân.

img

Lãnh đạo Cục BVTV (Bộ NNPTNT) và lãnh đạo tỉnh Sơn La thăm vùng trồng nhãn xuất khẩu ở  xã Lóng Phiêng, huyện  Yên Châu (Sơn La). Ảnh: Trần Quang   

Cởi bỏ bộ đồ bảo hộ, găng tay, anh Nguyễn Văn Hừa ở bản Hua Đán, xã Lóng Phiêng cho hay: “Mỗi lần phun thuốc mồ hôi lại túa ra như tắm, khó chịu vô cùng, nhưng muốn an toàn thì phải mặc thôi”. Anh Hừa cũng thừa nhận: anh phải rất cố gắng mới thay đổi được thói quen sử dụng đồ bảo hộ, găng tay, khẩu trang khi phun thuốc. “Trước đây, pha thuốc xong là chỉ đội mũ, đeo khẩu trang rồi cứ thế là phun luôn” – vừa nói anh Hừa vừa luôn tay gom vỏ bao thuốc cho gọn gàng vào túi và đem tới bể chứa.

Sở hữu tới 4ha nhãn, thời điểm này nhãn đã ra hoa, chuẩn bị đậu quả nhưng anh Hừa khá nhàn nhã trong khi các vườn bên cạnh phải đau đầu xử lý sâu đục quả. Anh Hừa khoe “đó là do áp dụng đúng thuốc BVTV. Trước đây cứ thấy sâu hay bệnh trên cây thì tôi cũng mua thuốc về phun, nhưng chỉ làm theo kinh nghiệm chứ cũng không hiểu rõ cách dùng, cách phun sao cho đúng. Thế nhưng, 2 năm nay thì tôi tự tin là mình đã làm chủ được cách sử dụng các loại thuốc BVTV rồi. Nhờ làm đúng cách nên năng suất, lợi nhuận cũng tăng theo, 2 năm nay tôi đều đặn thu 200 triệu/ha/năm”.

Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN&PTNT): Từ trước tới nay phần lớn nông dân sử dụng phân bón vô cơ được tổng hợp từ các loại hóa chất và khoáng chất do có ưu điểm nhanh, tiện lợi, với suy nghĩ “bón phân càng nhiều thì cây càng tốt” cho nên lượng phân bón hóa học thường được bón tăng gấp 2-3 lần so với nhu cầu, chưa chú trọng đến cân bằng của các loại dinh dưỡng trong đất bằng các chất hữu cơ.

img

Nông dân phun thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng cho các diện tích nhãn xuất khẩu ở xã Lóng Phiêng, huyện  Yên Châu (Sơn La). Ảnh: Trần Quang 

"Thói quen sử dụng thuốc BVTV theo kinh nghiệm, lạm dụng thuốc; không tuân thủ nguyên tắc 4 đúng và hướng dẫn trên bao bì; không trang bị bảo hộ lao động khi dùng thuốc; vỏ thuốc còn vứt bừa bãi tại nương rẫy… đã gây nhiều vụ ngộ độc do thuốc BVTV, thậm chí ảnh hưởng rất nặng nề đến môi trường sống của cộng đồng” – ông Dương nhấn mạnh.

Trước những vấn đề trên, nhằm hỗ trợ cho các vùng sản xuất cây ăn quả có giá trị xuất khẩu nâng cao năng lực trong quản lý, sử dụng thuốc BVTV hướng đến xây dựng vùng sản xuất an toàn, Croplife Việt Nam phối hợp với Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN&PTNT), UBND tỉnh Sơn La đã triển khai Chương trình sử dụng thuốc BVTV an toàn, trách nhiệm, hiệu quả tại huyện Yên Châu. Theo đó, các nội dung chính của chương trình là: xây dựng mô hình thu gom vỏ bao bì thuốc BVTV sau sử dụng; Tập huấn sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả.

Đưa cả vào hương ước, quy ước

Qua 2 năm thực hiện, chương trình đã hỗ trợ các hộ dân xây dựng và lắp đặt 75 bể chứa bao thuốc BVTV sau khi sử dụng, tổng lượng vỏ bao thu gom đạt hơn 200kg mỗi năm. Tổ chức các lớp tập huấn cho 30 cán bộ chính quyền và 600 nông dân (tương đương 25 lớp) nắm rõ các quy trình hiện hành trong công tác quản lý về thuốc BVTV. Qua đó nâng cao năng lực quản lý, phương thức tuyên truyền, hướng dẫn, vận động nhân dân thực hiện đúng nguyên tắc “4 đúng” trong sử dụng thuốc; có trách nhiệm thu gom bao thuốc BVTV.

img

Nông dân bỏ vỏ bao, lọ thuốc BVTV sau khi sử dụng vào các thùng chứa taị các khu vườn trồng nhãn xuất khẩu ở Yên Châu (Sơn La). Ảnh: Trần Quang

Ông Lò Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La: “Chắc hẳn nhiều người vẫn còn nhớ vụ ngộ độc thuốc BVTV khiến hơn 70 người phải nhập viện ở Sơn La năm ngoái, đó là chuyện đau lòng mà không ai muốn nhắc lại, nhưng cũng chính là bài học lớn khiến chúng ta phải nghiêm túc nhìn nhận và “học” cách dùng thuốc BVTV sao cho đúng cách.

Chính vì thế, chúng tôi đánh giá cao chương trình sử dụng thuốc BVTV an toàn, trách nhiệm, hiệu quả. Dù thời gian triển khai chưa lâu nhưng đến nay đã có rất nhiều hộ dân nhận thức được sự nguy hại khi lạm dụng hoặc sử dụng không đúng cách thuốc BVTV, thậm chí ở nhiều địa phương đã đưa cả quy định dùng thuốc BVTV đúng cách vào hương ước, quy ước của thôn, bản. Tôi hy vọng và mong muốn Cục BVTV, Tổ chức Croplife Việt Nam quan tâm hơn nữa để có thể nhân rộng các mô hình này tới nhiều hộ dân trong huyện Yên Châu nói riêng và tỉnh Sơn La nói chung”.

Cũng theo ông Nguyễn Quý Dương: Việc sử dụng thuốc BVTV có trách nhiệm chỉ là bước đầu cho 1 dự án dài hơi hơn, đó là cấp mã số vùng trồng nhằm đẩy mạnh xuất khẩu các trái cây đặc sản của tỉnh Sơn La. Đây mới chính là mục tiêu lâu dài của ngành nông nghiệp mà chúng ta cần hướng tới và nhân rộng ở hầu hết các vùng trồng trái cây trọng điểm của Việt Nam”.

Ông Nguyễn Trường Vương, đại diện Croplife Việt Nam đánh giá: Qua 2 năm thực hiện chúng tôi nhận thấy hoạt động của dự án có tính ứng dụng cao, thự tế, hiệu quả, cần thiết đối với nông dân, đặc biệt chú trọng đào tạo, tập huấn cho nông dân tuân thủ nguyên tắc 4 đúng, không làm dụng thuốc BVTV… Tuy nhiên, đối tượng hưởng lợi từ dự án còn ít, chỉ mới 600 người so với 2.000 nông dân trong vùng trồng xuất khẩu.

Do đó, sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục có những hoạt động hỗ trợ, nâng cao về sử dụng thuốc BVTV, năng lực quản lý, hoạt động của tổ dịch vụ BVTV tại vùng dự án đã thực hiện.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem