Học nghề để giữ làng nghề

Chủ nhật, ngày 09/01/2011 07:14 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Dù đã được học nghề và đang làm nghề trồng hoa, nhưng nông dân thôn Cầu Cháy (Vĩnh Lợi, Sơn Dương, Tuyên Quang) vẫn có nhu cầu học tiếp để có thể sống khỏe bằng nghề.
Bình luận 0

Hiện Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang đang lên kế hoạch dạy nông dân kỹ thuật trồng các loại hoa mới, giữ hoa tươi lâu, tìm kiếm thị trường.

Thời oanh liệt…

Cách đây 4 năm, Hội Nông dân Tuyên Quang tổ chức dạy nghề trồng hoa cho 35 lao động ở thôn Cầu Cháy với hy vọng biến nơi đây thành vùng chuyên canh hoa. Đến năm 2007, cả thôn Cầu Cháy đã có hơn 90% gia đình trồng hoa. Nhà trồng ít cũng 4.000 – 5.000 gốc hoa, cho thu nhập gần 10 triệu đồng/vụ. Tuy nhiên, đến thời điểm này số gia đình sống bằng nghề trồng hoa chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay.

img
Bà Hoàng Thị Bình (Cầu Cháy, Vĩnh Lợi) chăm sóc hoa chuẩn bị thu hoạch.

Bà Hoàng Thị Bình, thôn Cầu Cháy tâm sự: “Khi Hội Nông dân tiến hành mở lớp dạy kỹ thuật trồng hoa, gia đình tôi và nhiều gia đình trong thôn rất phấn khởi vì nó đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo người dân. Thấy thu nhập cao, chúng tôi quyết định mở rộng diện tích trồng hoa”.

Tuy nhiên, cũng theo bà Bình, trước đây, ít người trồng thì thương lái còn vào tận nơi để thu mua. Từ khi nhà nhà đua nhau trồng hoa thì thương lái không còn vào tận nơi thu mua nữa, mà các gia đình trồng hoa phải tự đem sản phẩm đi bán lẻ hoặc bán buôn cho các thương lái. Vì vậy, việc người dân bị ép giá thường xuyên xảy ra.

Cùng quan điểm với bà Bình, anh Tạ Ngọc Cầu cho biết, năm 2007, gia đình anh còn trồng được 4.000 – 5.000 gốc hoa/vụ. Nhưng những năm gần đây số lượng giảm hẳn, mỗi vụ trồng nhiều nhất cũng không quá 3.000 gốc. Giảm như thế mà vẫn không thể bán hết hoa. Đến giờ người dân vẫn phải tự tìm nơi tiêu thụ. Nhưng do thị trường hẹp, phải bán kiểu nhỏ lẻ tại địa phương nên sản phẩm làm ra bị ép giá… Những nguyên nhân này đã khiến diện tích, số hộ gia đình tham gia trồng hoa ngày càng ít và nghề có nguy cơ biến mất.

Hội và nông dân cùng làm

Ông Tạ Xuân Tiễn - Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Lợi cho biết: “Muốn cho người học nghề sống khỏe bằng nghề thì điều quan trọng nhất là phải đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Với nghề trồng hoa, việc tìm đầu ra cho sản phẩm lại đặc biệt quan trọng vì hoa không phải là sản phẩm có thể để lâu, bán lúc nào cũng được. Hội Nông dân đã cố gắng để đưa thương lái về thôn mua hoa cho nông dân nhưng không bền vững”.

img Thu hút được đông đảo nông dân tham gia là điều đáng quý. Tuy nhiên, học xong mà người dân vẫn trồng hoa một cách ồ ạt, thiếu kiến thức khoa học, chất lượng hoa kém… thì tình trạng không nơi nào chịu đứng ra bao tiêu sản phẩm là điều không thể tránh khỏi. img

Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Minh Đức - Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề Hội Nông dân Tuyên Quang cho rằng, hiện nay, dù đã được học, nhưng đa phần nông dân thôn Cầu Cháy vẫn trồng hoa theo cách truyền thống.

Người trồng hoa chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất dẫn đến hoa mau tàn, giá cao, hình thức kém hẳn so với hoa ở các vùng khác. Để phục hồi và phát triển nghề trồng hoa ở đây, trong thời gian tới Hội Nông dân sẽ tiến hành mở thêm một số lớp dạy kỹ thuật trồng hoa mới cho nông dân.

Bên cạnh đó, Hội Nông dân sẽ tiếp tục liên hệ với các cá nhân, tổ chức có nhu cầu về hoa tươi để đảm bảo đầu ra. Đặc biệt, nếu đảm bảo sản phẩm chất lượng cao thì hoa ở Cầu Cháy hoàn toàn có thể “tiến quân” xuống Hà Nội và các thành phố lớn khác. Tuy nhiên, ông Đức cũng nhấn mạnh: “Đây là một việc làm không hề đơn giản. Nếu chỉ dựa vào Hội Nông dân thì không thể làm được, muốn đảm bảo đầu ra cho sản phẩm thì người trồng hoa cần phải thật sự nghiêm túc trong việc học nghề và sản xuất”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem