Học nghề miễn phí, nhiều lao động nắm bắt cơ hội trở thành ông chủ, bà chủ
Học nghề miễn phí, nhiều lao động nắm bắt cơ hội trở thành ông chủ, bà chủ
Thùy Anh
Thứ tư, ngày 28/08/2024 09:48 AM (GMT+7)
Từ chỗ thất nghiệp, mất việc làm, nhiều lao động đã vươn lên làm ông chủ, bà chủ khởi nghiệp thành công nhờ được hỗ trợ học nghề từ chính sách của bảo hiểm thất nghiệp. Tuy vậy, chính sách này vẫn có nhiều hạn chế.
Sau 6 tháng thất nghiệp, không thể tìm kiếm việc làm, chị Ngô Thị An, 42 tuổi (Cầu Giấy, Hà Nội) quyết định chuyển hướng sang học nghề pha chế đồ uống tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội.
Chị An chia sẻ, trước đây chị đi làm công nhân cho công ty may Đài Loan (Trung Quốc). Làm được 10 năm, kinh nghiệm nhiều nhưng cuối năm 2023, công ty khó khăn nên có chính sách giảm lao động. Tuổi nhiều sức khỏe yếu, công ty lại có chính sách cắt giảm lao động nên chị tự nguyện xin nghỉ việc luôn.
"Đang bơ vơ chưa biết xin việc làm ở đâu thì lúc đi đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp, tôi lại được nhân viên trung tâm dịch vụ việc làm tư vấn cho đi học nghề", chị An chia sẻ.
Sau 3 tháng học nghề, chị An xin đi làm cho một quán cà phê. Khi đã cứng nghề, chị quyết định về nhà tự khởi nghiệp kinh doanh. Hiện giờ chị mở tiệm bán hàng nước online tại chung cư và bán thêm trên các nền tảng mạng xã hội như: Grab, Shopee, Be. Trung bình mỗi ngày chị nhận được từ 50-60 đơn nước uống, có thời điểm đông khách, chị thuê thợ phụ và người ship hàng theo giờ để kịp trả hàng. Theo tính toán, trừ chi phí nguyên liệu, chi phí trả nhân công, mỗi tháng chị An cũng nhận khoảng từ 20-25 triệu đồng.
"So với công việc trước đây, công việc này phù hợp hơn, tôi vừa có thể làm việc tại nhà, vừa có thể chăm sóc, cơm nước cho các con. Quan trọng hơn, thu nhập cao gấp đôi so với trước đây. Đây là điều tôi chưa từng dám mơ tới", chị An kể.
Không riêng chị An, nhiều lao động thất nghiệp khác cũng được hỗ trợ học nghề để tái trở lại thị trường lao động. Từ thân phận làm công, sau học nghề trở thành làm chủ.
Anh Nguyễn Văn Nam (Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: "Thay vì mỗi tháng nhận gần 3 triệu đồng tiền BHTN, đăng ký học nghề, tôi được hỗ trợ mức 1,5 triệu đồng/tháng. Chính vì thế, tôi quyết định học khóa đào tạo nghề kỹ thuật chế biến món ăn 3 tháng".
"Theo thống kê, từ năm 2010 đến nay trung tâm đã tiếp nhận 690.256 người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng mới chỉ có 27.457 người đăng ký tham gia hỗ trợ học nghề".
Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội
Học xong, anh Nam được giới thiệu việc làm phụ bếp trong một nhà hàng trên Phố cổ với mức lương 9 triệu đồng/tháng, được bao ăn hai bữa, đi làm cũng gần nhà. Anh Nam tính toán sau một thời gian đi làm có kinh nghiệm, anh sẽ về tự mở quán ăn để kinh doanh.
Lao động thất nghiệp đăng ký học nghề vẫn rất ít, vì sao?
Luật Việc làm quy định, việc giải quyết hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp được thực hiện tại các trung tâm dịch vụ việc làm. Khi đến đây, những lao động có nhu cầu sẽ được tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề.
Các ngành nghề dành cho người lao động đăng ký tham gia học rất đa dạng, phù hợp với thị trường lao động như: Kỹ thuật chế biến món ăn, kỹ thuật pha chế đồ uống, tin học văn phòng, may công nghiệp, lái xe, làm bánh…
Bà Vũ Thanh Liễu - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, trung tâm đã liên kết với nhiều cơ sở dạy nghề trên địa bàn thành phố được cấp phép để tổ chức đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp.
Ngành nghề dành cho người lao động đăng ký tham gia học rất đa dạng, đáp ứng được nhu cầu của người học cũng như giảm thiểu thời gian đi lại.
Nhiều người lao động hưởng chính sách BHTN khi tham gia lớp đào tạo nghề ngắn hạn đã tìm được việc làm; nhiều người sau hoàn thành khóa đào tạo nghề đã bắt nhịp với nền kinh tế số, mở cửa hàng kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử như: Shopee, Facebook Zalo, Grabfood, Gojek...
“Chúng tôi tổ chức đào tạo theo quy định của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp về thời gian, tỷ lệ học lý thuyết - thực hành. Chương trình học cũng được điều chỉnh với nội dung đa dạng hơn để hấp dẫn người học và phù hợp với thị trường. Cùng với đó, chúng tôi còn gắn kết tạo việc làm cho học viên sau khi kết thúc khóa học.
Cụ thể, tại những buổi lễ tốt nghiệp khóa học nghề, chúng tôi thường mời các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động ở vị trí gắn với nghề người lao động đã học, để cung cấp thông tin về vị trí việc làm, mức lương và học viên có nhu cầu thì đăng ký”, bà Vũ Thanh Liễu cho biết.
Mặc dù đã đa dạng các ngành nghề đào tạo, hỗ trợ học viên tối đa nhưng không phải lao động thất nghiệp nào cũng mong muốn học nghề.
Theo bà Liễu, nguyên nhân là bởi các lớp học nghề thường ngắn, chủ yếu học trình độ sơ cấp. “Thêm vào đó, số tiền hỗ trợ học nghề cũng thấp. Quan trọng nhất, lao động khi thất nghiệp thường rất khó khăn, không có thu nhập lo cho gia đình nên mong muốn phải quay trở lại làm việc ngay… nên không muốn đi học nghề”, bà Liễu chia sẻ thêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.