Bộ trưởng LĐTBXH giải thích vì sao học nghề chủ yếu là con em nông dân, người nghèo

Nguyệt Tạ Thứ ba, ngày 06/06/2023 10:09 AM (GMT+7)
Bức tranh đào tạo học nghề đang có sự mất cân đối, đa số người học nghề là con nhà nghèo, người nông thôn, trong khi hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn lại chậm, hiệu quả chưa cao.
Bình luận 0

Đây là một trong những vấn đề “nóng” được các đại biểu chất vấn Bộ trưởng tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, vào sáng nay (6/9).

Công tác giáo dục nghề nghiệp đạt nhiều thành tựu

Chia sẻ tại phiên chất vấn, ông Đào Ngọc Dung – Bộ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết, thời gian qua, công tác tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp (GDNN) có những tiến bộ nhất định, mỗi năm trung bình tuyển sinh được hơn 2 triệu học sinh, tăng gấp 4 lần so với 5 năm trước đây. Cách đây 5 năm, GDNN chỉ tuyển sinh được hơn 500 nghìn người. Tỷ lệ lao động học cao đẳng đã tăng lên tới 56%, trước đây khá thấp chỉ trên dưới 10%.

Về vấn đề GDNN, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyện chia sẻ và đặt câu hỏi: Năm 2022, tỷ lệ lao động qua đào tạo có chứng chỉ tăng không đáng kể so năm trước. Nhưng đáng chú ý tỷ lệ lao động qua đào tạo nông thôn thấp hơn so với thành thị. Đại biểu chất vấn Bộ trưởng đâu là nguyên nhân, giải pháp gì nâng tỷ lệ lực lượng nông thôn, tìm kiếm việc làm?

lao động

Ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ LĐTBXH trả lời chất vấn về các nhóm vấn đề liên quan tới lao động - việc làm - an sinh xã hội. Ảnh: Phạm Thắng

Đáp lại, Bộ trưởng Dung cho biết, tỷ lệ đào tạo năm 2022 so với năm 2021 tăng không nhiều, tăng nhanh hơn ở khu vực đô thị, rất đúng với thực tiễn.

Sau dịch Covid-19, gần 3 triệu người di chuyển từ thành phố về địa phương, tạm dừng công việc đơn vị cũ. Một bộ phận quay trở lại để phục hồi, tuy nhiên không nhiều. Phần đông lao động chuyển công việc mới, đào tạo cho trường hợp này gia tăng, nhiều hơn.

Ông Dung cũng cho biết, thời gian tới, ngành lao động sẽ đổi mới phương thức đào tạo nghề nông thôn (trong đó có lao động ly hương trở về quê), đào tạo khi dự báo, bố trí công việc hiệu quả cao hơn, tránh tình trạng đào tạo không theo địa chỉ, đặt hàng, bố trí tăng đào tạo cho lao động theo chương trình mục tiêu quốc gia.

“Số lao động qua đào tạo tại Việt Nam là 70%, trong đó lao động có chứng chỉ mới chỉ đạt 27%. Vấn đề nâng cao trình độ kỹ năng cho người lao động là vấn được nhiều người rất quan tâm. Phát triển nguồn nhân lực là 1 trong 3 khâu đột phá của chúng ta. Vì thế vấn đề đào tạo đại ngộ, hỗ trợ lao động nâng cao kỹ năng, làm việc là vấn đề đặc biệt quan trọng”.

Ông Lê Quang Trung - Nguyên phó cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH)

Ông Dung cũng cho rằng giáo dục nghề nghiệp hiện tại cả về quy mô và chất lượng cũng vẫn cần tiếp tục đổi mới và cải thiện. Các chính sách, chế độ ưu đãi để khuyến khích học sinh học nghề cũng cần quan tâm nhiều.

“Thực tế, phần đa sinh viên vào trường nghề thường rơi vào số không có điều kiện học lên, con nhà nghèo muốn nhanh chóng bước vào thị trường lao động, đi làm kiếm thu nhập. Bộ phận học sinh học nghề theo nguyện vọng chưa nhiều. Trong khi đó, phần đa học viên học nghề sau khi ra trường đều có việc làm ổn định, tỷ lệ tới 85%”.

Bộ trưởng khẳng định công tác tuyển sinh, GDNN có những bước tiến bộ nhất định. Ban cán sự đảng bộ Bộ LĐTBXH mới đây đã báo cáo Ban Bí thư để ban hành Nghị quyết về đổi mới giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Trong báo cáo, Bộ đã đề cập đến quy mô, tốc độ đào tạo.

Giáo dục nghề nghiệp vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề phải khắc phục

Bên cạnh những thành tựu, công tác tuyển sinh, đào tạo GDNN thời gian qua cũng còn tồn tại nhiều vấn đề. Ví dụ: Mạng lưới tuyển sinh, GDNN đào tạo có nhiều vấn đề; chương trình đào tạo còn chồng chéo; đào tạo ra không tìm được việc; đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn hạn chế…

Trước những chất vấn của các đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng: “Chúng tôi quán triệt các cơ sở GDNN đào tạo phải gắn với nhu cầu việc làm. Chắc chắn phải làm quyết liệt việc dự báo cung – cầu, chỉ đào tạo khi xác định được nhu cầu. Và thực hiện khi trường có liên kết với doanh nghiệp… chỉ có vậy mới tạo được việc làm sau học nghề”.

đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn nhiều hạn chế, cả quy mô và chất lượng. Ảnh: NN

Ông Dung cũng khẳng định có trùng lặp, chồng chéo trong dạy nghề. Lý do là bởi các trường tự chủ đào tạo, chỉ một số ngành được nhà nước đặt hàng.

Tình trạng chung của các trường nghề là cứ tuyển sinh được thì đào tạo chứ chưa bám sát nhu cầu của thị trường. Để hạn chế tình trạng này, Bộ và các địa phương cũng đã quy hoạch lại các trường nghề.

Vấn đề được quan tâm thời gian tới là đào tạo gắn với nhu cầu thị trường. Muốn làm được điều này, chắc chắn phải làm tốt hơn dự báo tổng hợp. Chỉ có thể đào tạo tốt khi xác định được nhu cầu thị trường, kết nối được doanh nghiệp và cơ sở đào tạo đề đào tạo theo đúng “đơn đặt hàng”.

Về vấn đề đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Bộ trưởng thừa nhận có những hạn chế, chương trình đào tạo nghề theo Đề án 1956 đã kết thúc, chương trình mới chưa được phê duyệt. Tuy nhiên việc đào tạo vẫn được các địa phương triển khai, nhưng nâng cao về chất lượng và quy mô. Chỉ đào tạo được khi đã khảo sát và có đầu ra. 

Bộ trưởng cho biết, để nâng cao chất lượng GDNN tới đây 63 tỉnh thành và Bộ sẽ cùng ngồi lại, thống nhất việc quy hoạch hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; sắp xếp lại các trường nghề của các bộ ngành theo hướng thống nhất một đầu mối.

Báo cáo của Bộ LĐTBXH cho thấy năm 2023, Bộ LĐTBXH đã quy hoạch giảm được 279 cơ sở GDNN, hầu hết các địa phương đã giảm xuống còn 1-2 trường, tới đây sẽ quy hoạch cơ sở đào tạo ở các bộ ngành, đoàn thể…


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem