“Không dám” tăng học phí
Trước những khó khăn trong tuyển sinh đầu vào, các trường ĐH dân lập phải cắn răng chịu lỗ để không tăng học phí ngay trong thời buổi giá cả leo thang.
Trường ĐH Chu Văn An vẫn giữ mức học phí chỉ nhỉnh hơn khối công lập một chút là 650.000 đồng/tháng đối với các khối ngành: Kiến trúc, công nghệ thông tin, kỹ thuật công trình xây dựng và điện điện tử; các khối ngành kinh tế có mức học phí 590.000 đồng/tháng.
|
Tân sinh viên xem thông tin học phí của trường. |
Tương tự, các Trường ĐH Đông Đô, Công nghệ Đông Á, Công nghệ Vạn Xuân, Dân lập Hải Phòng, Nguyễn Trãi... cũng thông báo giữ mức học phí như năm trước, dao động từ 700.000 - 720.000 đồng/tháng tùy theo từng ngành học.
Một số trường dân lập khác giảm học phí khá nhiều để "lấy lòng" thí sinh. Điển hình là Trường ĐH Công nghệ và quản lý Hữu Nghị, học phí giảm 2,5 triệu đồng/ năm (còn ở mức 8,5 triệu đồng/năm); Trường ĐH Quốc tế Bắc Hà cũng giảm 3 triệu đồng/năm (còn 15 triệu đồng/năm) ở các ngành kinh tế và giảm 4 triệu đồng ở các ngành kỹ thuật (còn 16 triệu đồng/năm).
Trường ĐH Hà Hoa Tiên chấp nhận mức học phí thấp nhất trong tất cả các trường dân lập trên toàn quốc, chỉ 400.000 đồng/tháng đối với hệ ĐH và 500.000 đồng/ tháng đối với hệ CĐ. Ngoài ra, chi phí KTX hiện đại mới được xây dựng cũng chỉ thu với giá rất "bèo" là 80.000 đồng/tháng/người.
Theo ông Văn Bá Thanh - Phó Hiệu trưởng phụ trách đào tạo: "Trường chấp nhận giữ mức học phí quá thấp so với biến động giá cả hiện nay chỉ mong sẽ thu hút được thí sinh đăng ký vào học cho đủ chỉ tiêu đào tạo hàng năm, còn việc phải bù lỗ vẫn là chuyện dài dài trong một vài năm tới".
Học nhiều, thu nhiều
Các trường công lập luôn được thí sinh ưa chuộng do học phí "mềm" hơn thì năm nay cũng rậm rịch tăng học phí theo nhiều cách. Theo lộ trình tăng học phí mà Bộ GDĐT quy định thì năm học 2011 - 2012, học phí khối trường công lập từ 355.000 - 455.000 đồng/tháng tuỳ từng khối ngành, đến năm 2015 mức trần học phí sẽ đạt khoảng 580.000 đồng/tháng. Trong đó cao nhất là khối ngành y - dược và thấp nhất là khối ngành xã hội, kinh tế, luật và nông - lâm - ngư nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay các trường công lập hầu hết đã chuyển sang phương thức tính học phí theo tín chỉ. Chính vì vậy việc học phí nhiều hay ít, tăng hay giảm được trao quyền quyết định cho sinh viên.
Đầu năm học mới, cái gì cũng tăng. Học phí thì được trường thông báo sẽ tăng theo lộ trình, còn các khoản thu ngoài học phí thì năm nào cũng thấy tăng theo giá cả thị trường.
Em Nguyễn Hòa -sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội
Lãnh đạo Trường ĐH Cần Thơ cho biết: Mức trần học phí năm nay chỉ tăng hơn năm học 2010- 2011 là 65.000 đồng/tháng. Theo đó, đối với hệ ĐH, học phí dao động từ 355.000 - 395.000 đồng/tháng tuỳ từng nhóm ngành. Tuy nhiên, nếu áp dụng theo tín chỉ thì mỗi tín chỉ sẽ có học phí 118.000 - 131.000 đồng (hệ ĐH) và 105.000 đồng hệ CĐ. Theo Hiệu trưởng Nguyễn Anh Tuấn, với cách học theo tín chỉ, học phí một năm của mỗi sinh viên cũng khác nhau. Nếu sinh viên học nhiều tín chỉ thì học phí phải đóng cao nhưng thời gian học sẽ được rút ngắn và ngược lại. Nhưng mức trần chung cho học phí 1 năm vẫn nằm trong khoảng quy định của Bộ GDĐT.
Tại Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, mức học phí thu theo tín chỉ của sinh viên khoảng 115.000 đồng/tín chỉ (chênh lệch theo từng ngành học). Trung bình mỗi sinh viên học khoảng 20 tín chỉ/kỳ với mức học phí dao động từ 2,1 - 2,5 triệu đồng/kỳ. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều sinh viên, năm học 2010 - 2011, ngoài học phí, đầu năm học sinh viên còn phải đóng một số phí "lạ" như "phí trang thiết bị hiện đại" (còn gọi là kinh phí đào tạo)... Tổng số tiền này được gia hạn nộp 1 tháng sau khi nhập học.
Tùng Anh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.