Học sinh các nước trên thế giới học online thế nào?

Thanh Thanh Thứ bảy, ngày 11/09/2021 08:04 AM (GMT+7)
Do diễn biến của dịch Covid-19 trên thế giới, hệ thống giáo dục của các nước đều phải thay đổi và thích nghe theo. Phương pháp học truyền thống dần được thay thế bằng mô hình giảng dạy từ xa trên cơ sở tận dụng nhiều phương tiện công nghệ.
Bình luận 0

Học online là xu hướng tất yếu của thế giới trong thời kỳ Covid-19

Gần 2 năm đại dịch Covid-19 hoành hành trên thế giới đã làm thay đổi vô số thói quen của con người. Hệ thống giáo dục của các nước phải thay đổi để duy trì tính liên tục của chương trình học. Giáo dục online trở thành một phương pháp kịp thời và thông minh nhờ vào những tiến bộ trong công nghệ thông tin.

Theo đó, các nước đều đưa vào triển khai hoặc nâng cấp quy mô giảng dạy từ xa trên cơ sở tận dụng nhiều phương tiện công nghệ. Hầu hết các nước sử dụng mạng Internet, cung cấp các nền tảng học online như Argentina, Croatia, Trung Quốc, Cyprus, Ai Cập, Pháp, Hi Lạp, Ý, Nhật, Mexico, Bồ Đào Nha, Hàn Quốc, Saudi Arabia, UAE và Mỹ. Một số phần mềm được sử dụng rộng rãi hiện nay là Zoom, Google Meet,…

Học sinh các nước trên thế giới học online thế nào? - Ảnh 1.

Một học sinh của Trung Quốc theo dõi bài giảng của giáo viên trên TV. Ảnh: Getty Images

Bên cạnh đó, nhiều nước lại lựa chọn cách phổ biến bài giảng qua truyền hình hoặc các phương tiện truyền thông khác như: Argentina, Croatia, Trung Quốc, Costa Rica, Pháp, Iran, Hàn Quốc, Mexico, Rwanda, Saudi Arabia, Senegal, Tây Ban Nha, Peru, Thái Lan và Việt Nam.

Ngoài việc học online, lịch thi cũng được điều chỉnh. Nhiều nước đã phải tổ chức cho học sinh làm một số kỳ thi online, hoặc phải hủy nhiều kỳ thi.

Khó khăn là tình trạng chung của học online

Tuy nhiên, phương pháp học online đi kèm với không ít khó khăn. Ở Ấn Độ, nhiều giáo viên thừa nhận việc giảng dạy trực tuyến làm giảm chất lượng buổi học. Ngôn ngữ cơ thể và giao tiếp bằng ánh mắt vốn là những tín hiệu quan trọng đối với giáo viên nhưng khó có thể cảm nhận được điều đó trong lớp học trực tuyến.

Không những thế, một vấn đề đau đầu đối với nền giáo dục Ấn Độ là khá nhiều học sinh không thể tham gia các lớp học từ xa do điều kiện kinh tế gia đình. Nguồn điện, kết nối Internet thường xuyên bị gián đoạn cũng khiến các buổi học trở nên phập phù.

Tình trạng này thậm chí cũng xảy ra ở một số vùng có thu nhập thấp ở các nước phát triển. Ví dụ, ở bang San Diego ở Mỹ, nhiều gia đình không thể cung cấp máy tính cho con em mình và kết nối Internet bị hạn chế.

Nhiều trường đã cấp cho học sinh iPad để có thể tham gia các lớp học trực tuyến. Tuy nhiên, thực tế là không phải học sinh nào cũng nhận được. Điều đó dẫn đến hệ quả một số học sinh không thể theo lớp học do hạn chế vì công nghệ. Khoảng cách thành tích giữa học sinh giỏi và học sinh kém ngày càng nới rộng.

Một khó khăn nữa trong phương pháp giảng dạy online là tâm lý của học sinh. Nhiều trẻ gặp bất ổn về cảm xúc khi buộc phải tạm xa thầy cô, bạn bè một thời gian dài. Ở Trung Quốc, nhiều trẻ cảm thấy cô đơn khi phải học tập từ xa, không có bạn bè để trò chuyện và đôi lúc chán ngán với việc phải ngồi học online hết ngày này qua ngày khác.

Học sinh các nước trên thế giới học online thế nào? - Ảnh 2.

Học sinh lớp 1 ở Hà Nội học online. Ảnh: Mai Anh

Tại nhiều nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Ban Nha và Mỹ còn có thêm các chuyên gia hỗ trợ tâm lý cho những em cần giúp đỡ. Trong đó có cả đường dây nóng 24 giờ và những cuộc gọi giám sát để giúp trẻ tránh được cảm giác cô độc.

Bên cạnh đó, một số nước cũng cung cấp hỗ trợ trực tuyến kỹ năng sư phạm cho phụ huynh, cung cấp các khóa học giúp cha mẹ biết cách quản lý con cái trong môi trường hạn chế. Trong đó, Tây Ban Nha còn có những nền tảng liên lạc và các ứng dụng giúp phụ huynh và giáo viên chia sẻ, cùng xây dựng quá trình học tập cho con.

Để tăng hiệu quả của việc học online và khắc phục các nhược điểm, Bộ Giáo dục Australia khuyến khích giáo viên, học sinh và phụ huynh đổi mới phương pháp tiếp cận dạy và học online. Thầy cô soạn chương trình cụ thể của tiết học để học sinh chuẩn bị tư tưởng theo trình tự, những yêu cầu cũng phải ngắn gọn, rõ ràng.

Thảo luận nhóm cần được phát huy tối đa để có sự liên kết giữa thầy trò và các bạn cùng lớp. Không những thế, giáo viên cần tạo cơ hội cho học sinh tự đánh giá để nhận ra những ưu khuyết điểm trong quá trình học online và kịp thời sửa đổi.

Mặc dù phương pháp giảng dạy online đang tồn tại nhiều bất cập nhưng đây vẫn là xu thế tất yếu trên toàn cầu trong thời kỳ dịch bệnh kéo dài. Học sinh, giáo viên, phụ huynh sẽ học cách thay đổi, thích nghi để việc học tập không bị gián đoạn và đạt được hiệu quả cao nhất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem