Học sinh được học về sự kiện chiến tranh biên giới 1979 thế nào?

Tùng Anh Thứ sáu, ngày 17/02/2017 14:24 PM (GMT+7)
Chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới đang trong quá trình xây dựng. Bộ GD ĐT từng khẳng định sẽ đưa sự kiện chiến tranh biên giới vào giảng dạy. Trong lúc chờ đợi, nhiều giáo viên sử đã linh hoạt lồng ghép để đưa nội dung này giảng dạy cho học sinh
Bình luận 0

Tại Hà Nội, học sinh nhiều trường THPT cũng đã được tiếp cận với những kiến thức liên quan đến sự kiện lịch sử này thông qua các chương trình ngoại khóa. Em Nguyễn Phương Thảo – học sinh lớp 12 (quận Hoàng Mai – Hà Nội) cho biết, trong năm học trước, cô giáo dạy sử của em đã cho học sinh cả lớp chia nhóm, làm tiểu luận và thuyết trình những hiểu biết của mình về các cuộc chiến tranh biên giới, hải đảo, mỗi nhóm 1 chủ đề.

“Những kiến thức này sách giáo khoa không có nhiều dữ liệu. Chúng em phải mày mò tìm hiểu sách tham khảo trên thư viện. Các bài viết trên mạng internet và những hình ảnh trên báo chí. Bằng cách làm tiểu luận và thuyết trình, chúng em đã tự tìm hiểu được rất nhiều kiến thức. Tuy nhiên, trên mạng có quá nhiều thông tin. Vì vậy, nếu các kiến thức này được đưa vào sách giáo khoa bài bản thì chúng em sẽ được định hướng tốt hơn” – Thảo nói.

Tại Cao Bằng, ngành giáo dục tỉnh nhiều năm nay đã quan tâm chỉ đạo các trường lồng ghép đưa những kiến thức về cuộc chiến tranh biên giới, hải đảo vào chương trình giảng dạy.  Trường THPT chuyên tỉnh Cao Bằng hiện nay cũng lồng ghéo các kiến thức này trong các buổi học ngoại khóa của học sinh chuyên sử. Cách thức của trường là tổ chức các chương trình văn nghệ bao gồm các tiểu phẩm, hoạt cảnh mô tả lại cuộc chiến giúp học sinh tìm tiếp cận tìm hiểu nội dung.

img

Dạy trẻ những bài học đau xót trong chiến tranh để hướng tới tương lai hoà bình (Các thiếu nữ dân tộc Tày chuyển lương thực cho bộ đội trong chiến tranh biên giới. Ảnh IT)

Thầy Trần Trung Hiếu – giáo viên sử trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) cho biết, việc đưa nội dung chiến tranh biên giới Việt Trung vào giảng dạy ở các trường hiện nay hầu hết phụ thuộc vào trình độ kiến thức, khả năng và tâm huyết của giáo viên bộ môn Lịch sử. 

“Trong các tiết sử có liên quan đến nội dung này, thầy cô thường khéo léo, căn ke thời gian trong tiết hoặc ngoài tiết học để truyền tải cho các em. Chủ yếu nội dung xoay quanh nguyên nhân, diễn biến, kết quả và ý nghĩa lịch sử của sự kiện” – thầy Hiếu nói.

Thầy Hiếu cũng cho rằng, cần đưa nội dung này vào chương trình sách giáo khoa mới một cách rõ ràng.

Chia sẻ về vấn đề này, GS Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử - người đang được được giao xây dựng ban chỉ đạo thí điểm đổi mới giảng dạy môn Lịch sử trong nhà trường cho biết, đối với cuộc chiến tranh biên giới Việt Trung 1979 hiện tại chúng ta mới xác định sẽ phải đưa vào chương trình giảng dạy. Tuy nhiên, đưa thế nào, giảng dạy thế nào sẽ còn tùy thuộc vào việc thiết kế chương trình Lịch sử phổ thông và những đề xuất có lợi cho người học.

“Việc đưa vào giảng dạy sự kiện chiến tranh biên giới 1979 không phải là để kích động, gây thù hận. Chúng ta dạy để thế hệ trẻ biết những bài học đau xót nhưng là để hướng tới tương lai, để nó không xảy ra trong tương lai nữa. Đó cũng lại là một yêu cầu khác đối với việc giảng dạy sự kiện này trong chương trình Lịch sử mới” – GS Vũ Minh Giang.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem