Từ nhà ra trận
38 năm sau cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc, ông Trần Hồng, nay đã 71 tuổi, vẫn nhớ như in khi được hỏi về quá khứ. Ngồi trong khu tập thể quân đội số 3 Đường Thành (Hà Nội), ông kể: “Tôi là người lính, sau chiến thắng 1975, tôi về quê vợ ở Tiên Du (Bắc Ninh) nghỉ ngơi”.
Vào một sáng sớm, nhà báo Trần Hồng nghe được bản tin đặc biệt của Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi thông tin Trung Quốc tấn công xâm lược nước ta một lần nữa. Ông bảo vợ, ông phải lên biên giới để đưa tin về cuộc chiến. Vợ ông là người hiểu tính chồng, nấu cho ông mấy bát gạo xôi để ăn đường. Ông đi bộ ra bưu điện thị trấn Lim, gọi điện về tòa soạn, báo cáo mình lên vùng chiến sự Lạng Sơn. Tới nơi, ông may mắn được theo cánh quân của Sư đoàn 3. Nhưng khi quân ta đi cản địch, chỉ huy đơn vị dứt khoát không cho ông đi theo với lý do ngoài trận mạc tên bay đạn lạc, không có người đảm bảo an toàn được cho nhà báo.
Nhà báo Trần Hồng (Thứ hai bên phải) và Tổng Biên tập báo Sao Đỏ của Liên Xô (phải) tại chiến trường. ảnh: G.T
Khi đó, nhà báo Trần Hồng đã nói: “Tôi là một người lính, vũ khí của tôi là máy ảnh, và tôi cần phải chiến đấu trên mặt trận thông tin”. Lúc đó, thông tin đúng là mặt trận. Những ngày đầu, tin tức về vùng chiến sự liên tục được cập nhật trên báo chí, những con số về ta tiêu diệt địch dày đặc, nhưng tuyệt nhiên chưa có một hình ảnh nào về thực tế trên chiến trường, điều mà cả làng báo chí lúc đó đang rất săn tìm. Hình ảnh về quân địch như thôi thúc Trần Hồng phải chụp bằng được. Nhưng ở trong vùng chiến sự tại km số 3 Đồng Đăng đến 3 ngày, Trần Hồng vẫn chưa chụp được một bức ảnh nào về thất bại của quân địch! Trinh sát của ta báo, nhiều xác địch chết nhưng đều lọt dưới khe núi, cùng với thời gian tiếp cận trận địa thường vào chiều tối, lúc đó chụp ảnh cực kỳ khó và không thể có những tấm hình lột tả được sự thất thủ của đối phương. Bị kẹt ở chiến trường tới ngày thứ 3, nhà báo Trần Hồng quyết định bám theo bộ đội chiến đấu của ta ngay từ đầu.
“Tôi đi theo một mũi chiến đấu, lúc đó khoảng 3 giờ chiều, đang nấu cơm cho bữa tối thì đụng phải mũi tấn công của địch. Hai bên đấu súng giáp lá cà, quân Trung Quốc đông hơn, nhưng tấn công không mạch lạc, bị bộ đội của ta đẩy lùi, khi nghe tiếng xung phong của quân ta, tôi cũng ào lên theo một mũi chiến đấu. Chạy được vài bước, tôi thấy một tên địch đang giãy giụa vì bị thương, tôi lập tức đưa máy ảnh ra chụp. Lúc đó tôi muốn chụp thêm một kiểu đặc tả khuôn mặt thất thần của kẻ xâm lược, nhưng người bị thương đó nhắm mắt không tài nào chụp được. Nhưng hình ảnh xác lính Trung Quốc đã được tôi thu vào ống kính của mình rồi” - Trần Hồng kể. “Săn” được xác giặc, ông tức tốc trở về tòa soạn để đăng ảnh cho kịp thời sự.
Từ vùng chiến sự Đồng Đăng về Báo Quân Đội Nhân Dân (Hà Nội), ông không nhớ rõ mình phải đi nhờ bao nhiêu phương tiện, nhiều lần ông phải cãi nhau để được đi nhờ xe ôtô. Khi về đến tòa soạn, rất nhiều người đang chờ ông, kíp làm ảnh nhanh chóng bắt tay vào làm việc... Ngày hôm sau, bức ảnh chụp xác một tên địch bị hạ gục ngay trên tuyến biên giới với chú thích “Quân ta xông lên, kẻ thù đổ gục” của nhà báo Trần Hồng được đăng trên trang nhất Báo Quân Đội Nhân Dân và nhiều tờ báo khác của ta đã kích lên tinh thần chiến đấu của quân và dân ta. Đây là bức hình đầu tiên chúng ta ghi lại được sự thất bại của quân xâm lược Trung Quốc trên tuyến biên giới phía Bắc. Đây là một bức ảnh để đời của người lính - nhà báo Trần Hồng, góp một tiếng nói đáng kể trên mặt trận truyền thông chống quân xâm lược.
Những khoảnh khắc chiến trận
Trong hơn 10 năm cầm máy ảnh trên suốt những điểm nóng của chiến tranh biên giới, với nhà báo Trần Hồng, có những khoảnh khắc của chiến tranh đối với ông không bao giờ quên được và để lại nhiều tiếc nuối. Khi chiến tranh biên giới nổ ra, mặt trận Lạng Sơn nóng bỏng nhất. Lúc đó Trần Hồng được coi là khách quen của những vùng chiến sự. Ông nhận nhiệm vụ đưa nhà báo Philatop - Tổng Biên tập Báo Sao Đỏ của Liên Xô lên vùng chiến sự. Khi đi phía ta rất lo cho sự an toàn của vị Tổng biên tập này nhưng Philatop vẫn quả quyết: “Không sao, làm báo thì Tổng biên tập cũng như một phóng viên, cần phải ra mặt trận, phải xuống hầm xem bộ đội Việt Nam đánh trả quân Trung Quốc xâm lược như thế nào?”. Và ông Philatop đã trực tiếp có những bài viết hết sức nóng bỏng về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới của nước ta trên báo Sao Đỏ. Khi về nước, ông chỉ xin kỷ vật là chiếc mũ cối mà nhà báo Trần Hồng đã nhường cho ông khi đi vào vùng chiến sự, bởi Philatop nghĩ đồng nghiệp Việt Nam thật dũng cảm, đã nhường ông vật bảo vệ tính mạng duy nhất cho mình.
Tấm ảnh để đời “Quân ta xông lên, kẻ thù đổ gục” của nhà báo Trần Hồng. T.H
Bức ảnh chụp xác một tên địch bị hạ gục ngay trên tuyến biên giới với chú thích “Quân ta xông lên, kẻ thù đổ gục” của nhà báo Trần Hồng được đăng trên trang nhất Báo Quân Đội Nhân Dân và nhiều tờ báo khác của ta đã kích lên tinh thần chiến đấu của quân và dân ta. Đây là bức hình đầu tiên chúng ta ghi lại được sự thất bại của quân xâm lược Trung Quốc trên tuyến biên giới phía Bắc.
|
Nhà báo Trần Hồng chia sẻ thêm: Với ông, những ngày ở mặt trận Vị Xuyên là ác liệt nhất. Là một nhà báo - chiến sĩ đã rèn luyện trong chiến tranh giải phóng miền Nam và những ngày đầu của cuộc chiến tranh Trung Quốc xâm lược ở biên giới Lạng Sơn, nhưng năm 1984 khi ông lên mặt trận Vị Xuyên mới hiểu thế nào là sự ác liệt.
Ông kể: “Hàng tháng trời, ban ngày tôi và một đồng nghiệp khác chỉ chui ở trong hầm để tránh những trận pháo kích của quân Trung Quốc. Những trận pháo này khiến những núi đá hóa vôi, những ngày nắng bụi bay mù trời; còn ngày mưa, chiến trường bị biến thành những bãi sình lầy, có những chỗ ngập quá đầu gối toàn bột đá”.
Chính trong chiến trận như thế, ông đã để tuột mất khoảnh khắc nhân văn trong chiến tranh. Đó là lúc quân Trung Quốc ở trên đỉnh núi, bộ đội ta phòng ngự ở lưng chừng núi. Ban ngày bắn nhau không khoan nhượng, nhưng đến khoảng 6 giờ tối thì không bên nào nổ súng. Lúc đó, chiến trường yên bình đến lạ thường. Trần Hồng từng tận mắt chứng kiến cảnh có một không hai trong cuộc chiến, đó là người lính Trung Quốc đột nhập xuống suối lấy nước, anh ta cũng gặp một anh bộ đội Việt Nam đi lấy nước về cho đơn vị, họ bỏ hai thùng nước xuống ôm nhau và cười với nhau vô cùng rạng ngời, giây phút đó giờ chỉ còn trong tâm trí của nhiếp ảnh gia duyên nợ với chiến tranh này mà không thể ghi lại được khoảnh khắc tình người vì lúc đó trời tối, tình huống quá bất ngờ không thể phản ứng kịp. Đến giờ Trần Hồng vẫn tiếc ngẩn ngơ trên cuộc đời cầm máy. /.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.